Từ vụ nghệ sĩ đi sự kiện bằng xe cứu thương: Xe cứu thương chỉ được sử dụng khi nào?
Phòng Cảnh sát Giao thông TP.HCM đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông S về hành vi điều khiển xe cứu thương chở nghệ sĩ đến buổi ra mắt phim 'Âm dương lộ'.
Ngày 26-3, Phòng Cảnh sát Giao thông (PC08) Công an TP.HCM cho biết đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Bùi Thanh S. (42 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) về hành vi điều khiển xe cứu thương sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định.
Mới đây nhất, theo Sở Y tế TP.HCM, xe cứu thương chở diễn viên đến dự họp báo phim "Âm dương lộ" là xe hoạt động không phép, từng bị xử phạt vi phạm hành chính vào năm 2024.

Phòng Cảnh sát Giao thông (PC08) Công an TP.HCM cho biết đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Bùi Thanh S. Ảnh: PC08.
Chia sẻ về sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo Điều 3 Thông tư 27/2017/TT-BYT quy định xe ô tô cứu thương chỉ được sử dụng cho các mục đích sau đây:
(1) Chở người bệnh cấp cứu hoặc đi đón người bệnh cấp cứu;
(2) Chở thầy thuốc, nhân viên y tế, thuốc, thiết bị y tế phục vụ cấp cứu thảm họa, cấp cứu tai nạn giao thông và các nhu cầu cấp thiết khác của hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh.
Tổ chức, cá nhân không được sử dụng xe ô tô cứu thương ngoài hai mục đích nêu trên.
Đồng thời, xe ô tô cứu thương chỉ được sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên khi có giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên do cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và khi đang thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Xe ô tô cứu thương khi vận chuyển người bệnh ra, vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tuân thủ các nội quy, hướng dẫn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, theo Điều 3 Thông tư 27/2017/TT-BYT và Nghị định 168/2024 về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ, việc sử dụng xe ô tô cứu thương phải tuân thủ nghiêm ngặt các mục đích được phép, gồm chở người bệnh cấp cứu và phục vụ các nhu cầu y tế cấp bách.
“Xe cứu thương chỉ được phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên khi có giấy phép hợp lệ và đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu. Việc vi phạm các quy định về sử dụng xe cứu thương và thiết bị phát tín hiệu ưu tiên sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật” – LS Liên nhấn mạnh.
Cụ thể, theo điểm h, khoản 4, Điều 6 Nghị định 168/2024, nam tài xế sẽ bị xử phạt từ 2-3 triệu đồng vì có hành vi sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp...
Xe cứu thương không phải công cụ giải trí
“Tôi thật sự rất bức xúc khi thấy xe cứu thương bị lạm dụng để chở nghệ sĩ đi dự sự kiện thay vì phục vụ công tác cấp cứu, cứu nạn. Xe cứu thương là phương tiện ưu tiên, chỉ được phép dùng trong những tình huống khẩn cấp, vậy mà lại bị sử dụng sai mục đích như vậy. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn có thể gây ảnh hưởng đến người cần cấp cứu thực sự. Mong cơ quan chức năng xử lý nghiêm để tránh tái diễn và giữ sự tôn trọng đối với những phương tiện cứu hộ” – bạn đọc Ngân Lê.
“Là một người làm trong ngành y tế, tôi cảm thấy bất bình khi chứng kiến hành vi này. Xe cứu thương là phương tiện đặc biệt, phục vụ cứu sống con người trong những tình huống nguy cấp. Việc sử dụng sai mục đích như vậy không chỉ gây ảnh hưởng đến công tác cứu hộ mà còn làm mất đi sự tôn trọng đối với công việc của những người làm trong ngành" – bạn đọc Trúc Mai.
"Tôi hiểu rằng trong một sự kiện, sự xuất hiện của các phương tiện đặc biệt có thể tạo sự chú ý, nhưng việc sử dụng xe cứu thương lại hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nếu muốn tạo sự đặc biệt cho sự kiện, các đơn vị tổ chức cần phải tìm cách khác, đừng vì lợi ích cá nhân mà vi phạm các quy định, làm ảnh hưởng đến cộng đồng" – bạn đọc Đỗ Hiệp.