Từ vụ nữ sinh 17 tuổi bị đánh hội đồng: cần thiết lập đường dây nóng
Từ vụ nữ sinh 17 tuổi bị đánh hội đồng tại Công viên Yên Sở (quận Hoàng Mai), chuyên gia cho rằng, cần thiết lập đường dây nóng, có các kênh thông tin để học sinh có thể tố giác nạn bạo lực một cách dễ dàng và an toàn.

Các đối tượng liên quan trong vụ nữ sinh 17 tuổi bị đánh hội đồng tại Công viên Yên Sở. Ảnh: CQCA
Liên quan đến vụ nữ sinh 17 tuổi bị đánh hội đồng tại Công viên Yên Sở (quận Hoàng Mai), cơ quan chức năng đã tạm giữ một số đối tượng liên quan để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.
Trước đó, ngày 16/2/2025, Công an phường Yên Sở, quận Hoàng Mai tiếp nhận tin trình báo của gia đình chị T (SN 1983, trú tại quận Cầu Giấy) về việc cháu N.V.A.T (SN 2008, con chị T) bị một số đối tượng đánh tại khu vực hồ điều hòa phường Yên Sở và tại khu vực bờ sông Sét thuộc phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai vào ngày 15/2/2025.
Ngay sau khi tiếp nhận trình báo, Công an quận Hoàng Mai đã khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ các đối tượng liên quan vụ việc.
Bước đầu cơ quan Công an xác định: khoảng 20h ngày 15/12/2024, cháu N.V.A.T hẹn N.X.N.T (SN 2008, trú tại quận Hà Đông) đến quán nước trên đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai để nói chuyện giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Đi cùng với N.V.A.T có V.H.Y (SN 2004, trú tại Hoàng Mai) và một số người khác.
Tại quán nước, N.X.N.T bị V.H.Y tát vào mặt nên N.X.N.T gọi 6 người khác đến giúp đỡ, trong đó có Q.G.H (SN 2009, trú tại quận Ba Đình), N.P.A (SN 2008, trú tại quận Hoàng Mai); Đ.M.D (SN 2008 trú tại quận Hoàn Kiếm); M.B.A (SN 2010, trú tại quận Đống Đa).
Do hai nhóm cãi chửi nhau nên chủ quán yêu cầu hai nhóm rời khỏi quán. Sau đó, hai nhóm di chuyển ra khu vực bờ sông Sét, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai để "giải quyết". Tại khu vực bờ sông Sét, N.V.A.T và Q.G.H đánh nhau bằng chân tay.
Người dân xung quanh thấy vậy hô hoán, can ngăn nên các đối tượng tiếp tục di chuyển ra khu vực hồ điều hòa phường Yên Sở, quận Hoàng Mai tiếp tục đánh nhau. Tại khu hồ điều hòa, N.P.A dùng dép và Q.G.H dùng tay, chân đánh N.V.A.T, khi thấy người dân hô hoán báo Công an nên cả nhóm bỏ chạy ra trạm bơm gần đó.
Tại trạm bơm, Đ.M.D và Q.G.H tiếp tục dùng tay, chân không đánh N.V.A.T; ngoài ra còn 1 đối tượng khác (lực lượng Công an đang xác minh, làm rõ đối tượng này) trong nhóm của N.X.N.T dùng lược và mũ bảo hiểm đánh N.V.A.T gây thương tích. Sau đó, N.V.A.T được những người đi cùng và người dân đưa đi bệnh viện khám và được cho điều trị ở nhà.

TS. Thượng tá Đào Trung Hiếu. Ảnh: NVCC
Về vụ việc này, theo các chuyên gia, đây là một vụ việc nghiêm trọng, thể hiện sự gia tăng của bạo lực trong giới trẻ.
"Những hành vi như vậy không thể xem nhẹ vì nó không chỉ gây tổn thương thể chất mà còn để lại hậu quả tâm lý lâu dài cho nạn nhân. Nếu không được xử lý nghiêm túc, có thể trở thành một tiền lệ xấu, khiến những hành vi bạo lực học đường tiếp tục gia tăng" - TS. Thượng tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia Tội phạm học nhận định.
Về nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực nêu trên, thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng, một số thanh thiếu niên có xu hướng hành vi bạo lực do tính cách hung hăng, thiếu kiềm chế cảm xúc hoặc do ảnh hưởng từ môi trường sống. Trong trường hợp này, nếu động cơ xuất phát từ ghen tuông thì đó là hệ quả của nhận thức lệch lạc về tình yêu, sự sở hữu và cái tôi cá nhân.
Tiếp đó là "ảnh hưởng từ gia đình". Theo thượng tá Đào Trung Hiếu, nếu trẻ sống trong môi trường thiếu sự giáo dục về đạo đức, không được quan tâm đúng mức hoặc thường xuyên chứng kiến bạo lực, chúng dễ có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.
Ngoài ra, theo thượng tá Đào Trung Hiếu, ngày nay, nhiều thanh thiếu niên bị ảnh hưởng từ những nội dung độc hại trên mạng xã hội, các trào lưu kích động bạo lực hoặc các hình mẫu tiêu cực từ phim ảnh, game. Sự lan truyền của các vụ đánh hội đồng trên mạng có thể làm gia tăng hiện tượng này vì một số đối tượng muốn thể hiện bản thân, muốn "nổi tiếng" bằng cách quay clip bạo lực.
Giải pháp để ngăn chặn bạo lực học đường, thượng tá Đào Trung Hiếu đưa ra 4 kiến nghị. Điều đầu tiên theo ông, đó là cần nâng cao nhận thức pháp luật. Tăng cường giáo dục pháp luật cho học sinh về hậu quả của bạo lực, giúp các em hiểu rõ trách nhiệm của mình.
Sau đó cần siết chặt quản lý nội dung trên mạng xã hội. Cần có biện pháp kiểm soát, xử lý các nội dung kích động bạo lực, đồng thời tuyên truyền để thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm.
Theo ông, cần thiết lập đường dây nóng, có các kênh thông tin để học sinh có thể tố giác nạn bạo lực một cách dễ dàng và an toàn. Quan trọng nữa là cần xây dựng văn hóa tôn trọng và đối thoại. Nhà trường, gia đình và xã hội cần hướng dẫn trẻ cách giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại thay vì bạo lực.