Từ vụ nữ sinh trường chuyên tự tử: Cần có chuyên gia tâm lý trong nhà trường
Liên quan việc nữ sinh trường chuyên tự tử nghi do bạo lực học đường, nhiều băn khoăn đặt ra, trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp nào để đẩy lùi vấn nạn này?
Báo Công Thương đã có trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để hiểu rõ hơn vấn đề này.
Ở góc độ là chuyên gia có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, bà chia sẻ gì về“hồi chuông” báo động đối với thực trạng bạo lực học đường hiện nay, thưa bà?
Nói về chuyện bạo lực học đường thì đây không phải là vấn đề mới mẻ. Chúng ta đã nói rất nhiều năm nay và bạo được học đường vẫn cứ tiếp tục xảy ra. Tuy nhiên, điều đáng nguy hiểm hơn là trong thời gian gần đây bạo lực học đường xảy ra ở mức độ tinh vi hơn.
Mức độ tinh vi hơn ở chỗ, nó không chỉ dừng lại ở việc quan niệm về bạo lực thể chất như học sinh đánh nhau nữa, mà còn có một dạng thứ hai cực kỳ nguy hiểm đó là bạo lực tinh thần. Và thực tế vẫn đang xuất hiện kết hợp cả hai gồm bạo lực thể chất và bạo lực tinh thần.
Vậy câu hỏi đặt ra, tại sao bạo lực học đường càng ngày càng diễn ra trầm trọng như thế? Trầm trọng bởi vì từ sự việc gần đây của nữ sinh Trung học Phổ thông chuyên Đại học Vinh - một học sinh rất ngoan, học giỏi dẫn đến kết cục em tự tử - rất đau xót, nó để lại quả hậu vô cùng lớn. Theo đó, phải nhìn nhận thực tế, đây không chỉ đơn thuần là chuyện xích mích của trẻ con như nhiều người quan niệm nữa.
Theo đó, tôi cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân và nguyên nhân quan trọng hơn hết là giới trẻ hiện nay có quá nhiều ảnh hưởng từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là thế giới mạng xã hội. Trong khi, điều này khiến ngay cả các bậc phụ huynh cũng rất khó kiểm soát. Theo đó, chính những tiêu cực từ mạng xã hội tác động không tốt đến tâm lý cũng như nhân cách của các em, hơn hết đây là giai đoạn các em có sự bùng nổ lớn về tính cách.
Theo các chuyên gia tâm lý giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì là khi nhiều em rất muốn thể hiện, khẳng định bản thân nhưng lại khẳng định bằng cách tiêu cực, vì lúc bấy giờ tâm lý của các em chưa ổn định, nhân cách chưa ổn định sẽ rất dễ bị tác động và đặc biệt là các tác động xấu. Đấy là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc bạo lực học đường gia tăng.
Thêm vào đó, một nguyên nhân nữa, nhiều khi các bậc phụ huynh cũng như thầy cô giáo thường chỉ quan tâm nhất đến việc con mình đi học đạt kết quả học tập ra sao mà chưa quan tâm đúng mức đến thế giới tinh thần của trẻ và điều này rất nguy hiểm.
Đáng nói, bạo lực học đường nếu ngày xưa thường nằm ở các học sinh cá biệt thì thời điểm bây giờ ngoài các em học sinh cá biệt thì có những em không phải học sinh cá biệt, thậm chí là các bạn nữ và xảy ra ngay trong cả các trường chuyên, lớp chọn.
Thực tế cho thấy, với những em là nạn nhân của bạo lực học đường, nhiều khi cả gia đình và nhà trường đều không hay biết. Chỉ đến khi các em có những hành động dại dột thì mới giật mình nhận ra rằng, học trò, con em mình đã từng phải chịu sự tra tấn về mặt tinh thần quá lâu. Và việc người lớn sửa sai đã quá muộn!
Liên quan đến vụ việc nữ sinh Trung học Phổ thông ở Nghệ An tự tử, theo thông tin phản ánh, em N.T.Y.N đã phải “chịu đựng” sự cô lập trong một thời dài và đã nhiều lần chính em và gia đình đề xuất chuyển lớp nhưng không được chấp thuận. Vậy, theo bà, để dẫn đến sự việc đau lòng này, trách nhiệm thuộc về ai?
Thực ra sự việc này xảy ra là điều vô cùng đáng tiếc, nếu quy rõ trách nhiệm thì cũng rất khó, nhưng qua thông tin phản ánh thì được biết mẹ nữ sinh này đã từng xin chuyển cho con, bởi chính gia đình em cũng đã hình dung được những việc không hay sẽ ra nhưng không được chấp thuận. Thứ hai, bản thân học sinh cũng đã đề xuất được chuyển lớp nhưng chỉ được chuyển chỗ ngồi, song em vẫn phải quay về chỗ ngồi cũ với nhóm bạn chính em bị cô lập.
Theo tôi, trách nhiệm chung là thuộc vào người lớn chúng ta. Chúng ta vẫn nhìn mọi việc một cách đơn giản và vẫn nghĩ rằng đó là chuyện của trẻ con. Về phía nhà trường, tôi nghĩ rằng nhà trường cũng nghĩ một cách rất đơn giản nên không đồng ý cho em học sinh chuyển lớp và cho rằng chỉ là chuyện xích mích trẻ con.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận một phần lớn trách nhiệm là của nhà trường. Bởi vì rõ ràng đây là câu chuyện có nguồn gốc, xảy ra trong nhà trường, trong học đường. Thế nhưng, các bậc thầy cô lại không có biện pháp đủ mạnh, đủ tác dụng để giải quyết việc này. Rất đáng tiếc!
Bên cạnh đó, cũng rất tiếc cho em học sinh. Bởi ở cái lứa tuổi mà các em cả nghĩ và cũng rất dễ bị tổn thương như thế thì cách xử lý của em học sinh ấy rất đáng tiếc. Tuy nhiên, nếu đặt mình vào vị trí của em thì có thể thấy rằng, chắc chắn bản thân em học sinh đã cảm thấy không còn hứng thú và không còn tha thiết gì với việc tiếp tục đi học, đến trường, thậm chí là tiếp tục sống. Đấy là điều vô cùng nguy hại!
Vậy theo bà, giải pháp nào để đẩy lùi được vấn nạn này, cũng như làm thế nào để lành mạnh môi trường giáo dục hiện nay?
Nói đến vấn nạn bạo lực học đường, thời gian qua, ngành giáo dục và các chuyên gia tâm lý cũng đã bàn rất nhiều về việc cần phải có những giải pháp để ngăn chặn được vấn nạn này cũng như gỡ rối cho tâm lý của học trò khi các em gặp những cái vấn đề rắc rối về tâm lý.
Theo tôi, chúng ta nên nghiêm túc nhìn nhận lại, nên chăng phải có bộ phận chuyên về tư vấn tâm lý học ngay trong các nhà trường. Đây là điều rất quan trọng. Trước đây chúng ta chưa quan tâm lắm hoặc có những trường cũng có bộ phận tư vấn tâm lý, tuy nhiên, tôi cho rằng, cần phải có chuyên gia tâm lý. Việc này nhiều người sẽ thấy nhiêu khê và rắc rối, nhưng đối với một xã hội hiện đại như hiện nay, chúng ta nhất thiết phải có chuyên gia tâm lý học đường.
Thứ hai, là phải thay đổi tư duy của cả giáo viên lẫn phụ huynh. Chúng ta vẫn tư duy rằng học sinh đến trường việc quan trọng nhất là học và kết quả học tập ra sao? Chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến đời sống tinh thần của các em. Trong khi, thế giới tinh thần vô cùng quan trọng, nếu như chúng ta không quan tâm đến tinh thần thì sẽ không thể nắm bắt được tâm tư, tình cảm của các con. Chính vì vậy, chúng ta phải nhìn nhận một cách toàn diện và phải theo sát các em.
Chính vì thế, tôi nghĩ rằng, một mặt chúng ta quan tâm nhiều hơn nữa tới đời sống tinh thần của học trò. Và thứ hai là chúng ta phải thực hiện việc bồi đắp ý thức đạo đức, coi trọng việc giáo dục nhân phẩm, lối sống cho học sinh. Việc bồi đắp ý thức đạo đức cần phải làm thường xuyên, liên tục và ở giai đoạn con bùng nổ tính cách thì cần phải quan tâm một cách đặc biệt hơn nữa.
Như Báo Công Thương đã phản ánh, em N.T.Y.N (SN 2007, lớp 10-A15) là nữ sinh trường chuyên Đại học Vinh (tỉnh Nghệ An) đã tử vong tối ngày 15/4 do tự tử.
Theo thông tin được cho là từ người thân của nữ sinh trên mạng xã hội, N.T.Y.N, xinh xắn, học giỏi, hoạt bát năng động. Tuy nhiên, trong quá trình học ở lớp, em bị các bạn “đánh, bị ngược đãi và áp đảo tâm lý"... Cũng theo người nhà, em có nói với mẹ là con sợ đi học, sợ phải đến trường.
Đáng nói, mặc dù em N. và gia đình đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng xin chuyển lớp cho N. nhưng không được nhà trường chấp thuận.