Từ vụ ô tô bị tàu hỏa hất văng: Dừng đỗ xe thế nào để không vi phạm hành lang đường sắt?
Chuyên gia an toàn giao thông hướng dẫn lái xe điều khiển, dừng, đỗ cách đường sắt để đảm bảo an toàn.
Chiều qua (5/6), tại khu gian Kim Nỗ - Phú Diễn tuyến đường sắt vành đai Hà Nội đã xảy ra tai nạn tàu va phải xe ô tô đỗ vi phạm khổ giới hạn đường sắt.
Chiếc ô tô đã bị hất văng ra khỏi đường sắt, móp đầu xe, hư hỏng nặng. Rất may, khi đó không có người trong xe, nên không có tai nạn về người.
Được biết, trước đây đã xảy ra nhiều vụ tàu va phương tiện dừng, đỗ trong phạm vi khổ giới hạn đường sắt tương tự trên các tuyến.
Vậy cần dừng, đỗ phương tiện ở khoảng cách bao nhiêu để đảm bảo an toàn?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Uông Đình Hùng, Phó trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra Cục Đường sắt VN khẳng định, qua quan sát trên clip vụ tai nạn được người dân chia sẻ, bước đầu cho thấy do lái xe ô tô bất cẩn, đỗ xe không đúng nơi quy định và đỗ quá sát đường sắt, vi phạm khổ giới hạn đầu máy, toa xe.
"Nghĩa là tương tự khổ giới hạn cầu, hầm, có quy định về chiều cao, chiều ngang để đầu máy, toa xe vận hành an toàn trên đường sắt", ông Hùng giải thích và nhấn mạnh, khi các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra, phân tích kĩ nguyên nhân, sẽ xác định trách nhiệm các bên liên quan, từ đó xử lý theo quy định pháp luật.
Theo ông Hùng, trong chương trình đào tạo lái xe đã có nội dung quy định pháp luật về ATGT đường sắt. Trong đó lái xe khi đi qua giao cắt đường bộ - đường sắt, đi dọc đường sắt phải quan sát hai bên đường sắt, chú ý hướng tàu hỏa đến.
Cụ thể, theo các quy định pháp luật, đường sắt là đường ưu tiên, vì vậy pháp luật quy định chặt về phạm vi bảo vệ an toàn. Theo đó, phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt (không tính đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị) theo phương ngang đối với nền đường không đào, không đắp tính từ mép ngoài của ray ngoài cùng trở ra là 5,6m. Toàn bộ hoạt động quanh đường sắt phải tôn trọng trong phạm vi này.
Còn theo một cán bộ làm công tác ATGT đường sắt Tổng công ty Đường sắt VN, Luật Đường sắt còn quy định chiều rộng hành lang ATGT đường sắt tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên được xác định là 3m.
Như vậy, trong phạm vi 8,6m bảo vệ đường sắt và hành lang ATGT đường sắt, không được đỗ ô tô hay các phương tiện, để các vật dụng khác.
Tuy nhiên, theo vị cán bộ này, thực tiễn hiện nay do lịch sử để lại, tại các địa phương tồn tại nhiều công trình dân dụng, công trình kiến trúc đang vi phạm hành lang ATGT đường sắt, chưa thể giải tỏa. Dọc đường sắt vẫn tồn tại đường gom trong phạm vi hành lang, phạm vi bảo vệ đường sắt. Trong đó có đường gom dân sinh tự phát, chưa làm hàng rào ngăn cách đường bộ - đường sắt; có đường gom được địa phương, Nhà nước đầu tư, đã làm hàng rào.
"Trường hợp bất khả kháng, người dân có thể điều khiển phương tiện, dừng, đỗ trên đường gom này, tuy nhiên phải ngoài khổ giới hạn đường sắt, khoảng 1,5m tính từ mép ray ngoài cùng trở ra để đảm bảo an toàn", vị cán bộ cho hay.