Từ vụ phun môi cho bé gái 5 tuổi đến việc nâng cao hiểu biết về quyền trẻ em
Tối 10-4-2021, trên mạng xã hội lan truyền clip và hình ảnh một bé gái 5 tuổi được phun môi tại một thẩm mỹ viện có địa chỉ tại Cầu Quan, xã Trung Thành, huyện Nông Cống. Sau khi clip được đăng tải đã gây ra nhiều ý kiến bức xúc trong cộng đồng mạng. Đa số các ý kiến cho rằng không nên phun môi cho cháu bé mới 5 tuổi vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của trẻ. Có bình luận cho rằng chủ tiệm thẩm mỹ này đưa hình ảnh cháu bé 5 tuổi phun môi lên để câu view, câu like và quảng bá cho tiệm của gia đình mình...
Cha mẹ phải có trách nhiệm tôn trọng, lắng nghe, phản hồi, giải thích ý kiến, nguyện vọng của trẻ em phù hợp với độ tuổi. Trong ảnh: Trẻ em vui chơi ngày hè.
Ngày 12-4, một số tờ báo đưa tin, người thực hiện thủ thuật trên chính là bố của bé gái 5 tuổi cũng là chủ của một thẩm mỹ viện. Hình ảnh cháu bé phun môi trên mạng xã hội được chính người bố đăng tải trên trang facebook cá nhân, rồi lan truyền trên mạng xã hội. Bố của bé gái 5 tuổi cho biết: “Cháu thấy bố phun môi cho khách hàng nên cứ đòi làm cho đẹp; tôi vì chiều con gái nên làm chơi chơi cho cháu vui thôi, chứ không ép buộc cháu phải phun môi để quảng bá thẩm mỹ viện của gia đình. Việc phun môi cho bé làm ở công đoạn bình thường, không đau, nên chỉ vài tháng là bay hết màu, trở lại như cũ...”.
Tháng 1-2021, trên mạng xã hội rầm rộ chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh một bé gái mới 1 tuổi được bà bế tới tiệm làm tóc. Nếu chỉ gội đầu, cắt tóc đơn thuần sẽ chẳng có gì đáng bàn nhưng em bé bị bế ngửa, khóc thét, giãy giụa khi những lọn tóc mỏng manh bị cuốn chặt bởi những lô uốn tóc, nhân viên làm tóc đổ hóa chất lên đầu để làm tóc xoăn khiến ai xem cũng thấy thương...
Ngay sau khi được đăng tải, các đoạn video, clip trên đã nhận về vô số chỉ trích cũng như thái độ bất bình, bức xúc từ cộng đồng mạng. Tất cả đều phản đối việc người lớn đưa các cháu bé còn quá nhỏ đi làm tóc xoăn hay thực hiện thủ thuật phun môi. Bởi các cháu còn nhỏ, lớp da còn non nớt, dễ bị tổn thương, trong khi uốn tóc, xăm môi đều sử dụng hóa chất bên ngoài da hoặc xâm lấn vào da, dù ít, dù nhiều cũng tiếp xúc và ảnh hưởng đến da của trẻ. Đây là những cách làm đẹp không phù hợp và thiếu an toàn đối với trẻ nhỏ. Nhiều người cho rằng, lý do làm đẹp cho trẻ chỉ là ngụy biện cho ý thích riêng của người lớn.
Nêu quan điểm về những vụ việc làm đẹp không phù hợp cho trẻ, trợ giúp viên pháp lý Lê Thị Phượng, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa, người thường xuyên thực hiện tư vấn, trợ giúp trong những vụ việc liên quan đến đối tượng là trẻ em, cho rằng: Hiện nay, nhiều gia đình vẫn tồn tại quan niệm cho rằng bố mẹ có quyền quyết định mọi việc liên quan đến trẻ và xem đó là đương nhiên mà không quan tâm ý kiến của con mình. Họ coi con là tài sản của mình, do mình sinh ra và nuôi dưỡng nên muốn làm gì thì làm. Với tâm lý sai lầm này, nhiều cha mẹ vô tình vi phạm quyền trẻ em.
Theo quy định tại Điều 1, Luật Trẻ em năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 1-6-2017): “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Đây là nhóm đối tượng cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt. Luật đã quy định các quyền cơ bản của trẻ em, các cấp độ bảo vệ trẻ em, từ cấp độ phòng ngừa (gồm các biện pháp áp dụng với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường an toàn, giảm nguy cơ trẻ em bị xâm hại - Điều 48); cấp độ hỗ trợ (gồm các biện pháp áp dụng với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm kịp thời phát hiện, giảm, loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em - Điều 49) đến cấp độ can thiệp (gồm các biện pháp áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt - Điều 50).
Tại Điều 75, Luật Trẻ em quy định bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong gia đình. Theo đó, cha mẹ và các thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi, giải thích ý kiến, nguyện vọng của trẻ em phù hợp với độ tuổi, sự phát triển của trẻ em và điều kiện, hoàn cảnh của gia đình; tạo điều kiện, hướng dẫn trẻ em tiếp cận các nguồn thông tin an toàn, phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển toàn diện của trẻ em; tạo điều kiện để trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng đối với những quyết định, vấn đề của gia đình liên quan đến trẻ em. Không cản trở trẻ em tham gia các hoạt động xã hội phù hợp, trừ trường hợp vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Đối với những vụ việc làm đẹp cho trẻ, nhất là trẻ nhỏ, dù các bé có đồng ý đi nữa thì trẻ vẫn chưa có đủ nhận thức để có thể lựa chọn một quyết định đúng đắn trong việc chấp nhận tác động để thay đổi cơ thể của mình, nhất là việc can thiệp thẩm mỹ cho con thì càng phải cân nhắc bởi trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương do cơ thể phát triển chưa toàn diện, cần có sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Những vụ việc phun môi hay làm tóc cho trẻ nhỏ chính là những ví dụ cụ thể để nhắc nhở đối với các bậc phụ huynh nâng cao hiểu biết về quyền trẻ em, ngăn ngừa các hành vi tương tự, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của con trẻ.