Từ vụ Quốc Cơ, Quốc Nghiệp chồng đầu chạy xe: Làm sao để pháp luật bắt kịp thực tiễn?
Trong những ngày qua, clip đi xe máy chồng đầu của 2 nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ - Quốc Nghiệp được rất nhiều người chú ý.
Có lẽ, dư luận sẽ không quá quan tâm nếu như ngay trước đó không xảy ra vụ việc người mẫu Ngọc Trinh bị khởi tố sau khi tung những clip "làm xiếc" cùng chiếc xe phân khối lớn. Vì vậy, dư luận lập tức đã đặt ra câu hỏi: Nếu Ngọc Trinh bị khởi tố, vậy 2 nghệ sĩ xiếc sẽ bị xử lý ra sao?
Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc, 2 nghệ sĩ xiếc được "giải oan" rằng họ có thiết bị bảo hiểm, clip được dàn dựng công phu an toàn và không gây nguy hiểm cho bất cứ ai.
Tuy nhiên, dư luận vẫn tiếp tục thắc mắc khi trong clip đó, những phương tiện bảo hộ đã bị kỹ xảo công nghệ xóa đi, đồng nghĩa với việc ở mức độ nào đó khi đăng lên mạng xã hội, clip của 2 nghệ sĩ xiếc cũng có thể gây ra hiệu ứng tiêu cực với người xem.
Sau sự việc, Công ty TNHH MTV Dat Bike Vietnam, đơn vị sản xuất và đăng tải clip này, đã lên tiếng giải thích và clip cũng bị gỡ xuống.
Ngày 26/10, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM khẳng định sẽ làm việc với 2 nghệ sĩ Quốc Cơ, Quốc Nghiệp về việc sử dụng hình ảnh chồng đầu đi xe máy, không đội mũ bảo hiểm gây ảnh hưởng xấu đến ý thức, việc tuân thủ pháp luật của người dân.
Sự việc một lần nữa đặt ra câu hỏi: Luật pháp với tư cách là kiến trúc thượng tầng làm thế nào để bắt kịp với thực tiễn đời sống như là một phần của cơ sở hạ tầng?
Trong một thời gian dài, gây rối trật tự công cộng được hiểu là hành vi vi phạm phải được thực hiện ở nơi công cộng và chính vì thế nó gây ảnh hưởng đến cộng đồng, xâm hại đến khách thể là trật tự xã hội. Nhưng công cộng ở đây được hiểu là không gian thực có tính vật chất.
Trong khi đó, mạng xã hội thời gian qua vẫn được coi là thế giới ảo, đồng nghĩa trong nhiều trường hợp không có thật.
Công nghệ đã thay đổi cuộc sống con người, ở chừng mực nào đó, ranh giới giữa thế giới ảo và thế giới thực không phải lúc nào cũng dễ dàng phân định.
Những hành vi không đúng mực dù trên mạng xã hội cũng bị coi là gây rối trật tự.
Công nghệ vẫn đang thay đổi từng ngày từng giờ chứ không chỉ bằng tháng bằng năm. Công nghệ deepfake giờ đây có thể sản xuất những hình ảnh của bất cứ ai với bất kỳ hành động nào, miễn là khi những người tạo ra nó đã thu thập đủ thông tin. Những hành động đó đương nhiên được dàn dựng sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ trong thế giới ảo và nó không có thật. Thậm chí công nghệ này đã bị nhiều tổ chức tội phạm lợi dụng cho những mục đích xấu mà phổ biến nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong khi đó, công nghệ quảng cáo cũng phát triển chóng mặt. Rất nhiều năm chúng ta đã chứng kiến những thước phim quảng cáo mà ở đó xuất hiện những cảnh cũng gay cấn không kém phim hành động, những người đi xe moto bay thẳng lên trời, lao vọt qua vực sâu, thậm chí là lao thẳng xuống đáy biển. Quảng cáo cũng sử dụng những hình ảnh mang tính khoa học viễn tưởng, xuất hiện cả những nhân vật như người ngoài hành tinh, người khổng lồ hành động của họ mang tính phá phách gây ấn tượng mạnh như việc dùng bàn chân to như ngôi nhà chung cư dẫm thẳng xuống chiếc xe ôtô đang chạy để quảng cáo độ bền của xe.
Vậy những thước phim ấy có vi phạm pháp luật không?
Với những người nổi tiếng, những hình ảnh đó có thể ảnh hưởng mạnh đến giới trẻ, đến những fan hâm mộ của họ.
Thực tiễn đời sống thường đi trước những thiết chế như luật pháp, chính sách. Nhưng khi luật pháp muốn bắt kịp thực tiễn thì những nhà làm luật cần phải khảo sát thực tế, tổng kết thành những quy định, pháp điển hóa nó thành những quy phạm pháp luật rõ ràng, cụ thể để người dân dễ hiểu, dễ tuân thủ.
Đến lượt mình, các cơ quan áp dụng pháp luật cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền giải thích để người dân hiểu rõ sự thay đổi trong chính những quy định đó.
Chỉ khi người dân hiểu, họ mới có thể thay đổi suy nghĩ hành vi và cuối cùng là hướng tới sự tuân thủ pháp luật. Cần tránh những trường hợp sau khi "sự đã rồi" mà dư luận vẫn còn băn khoăn, thắc mắc hay so sánh.