Từ vụ Sơn Tùng M-TP: Quy trình giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài ra sao?

Hội đồng xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài sẽ mở phiên họp để quyết hủy hay không hủy quyết định trọng tài chứ không xem xét nội dung tranh chấp; quyết định của Tòa là quyết định cuối cùng, có hiệu lực thi hành ngay.

Như PLO đã đưa tin, dự kiến ngày hôm nay (15-8) TAND TP.HCM sẽ mở phiên họp giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài theo yêu cầu của Công ty cổ phần M-TP Talent (gọi tắt là Công ty M-TP Talent).

Công ty M-TP Talent do ông Nguyễn Thanh Tùng (nghệ danh Sơn Tùng M-TP) làm chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ việc là Công ty TAD Global Việt Nam (gọi tắt là Công ty TAD).

Theo đó, Công ty M-TP Talent yêu cầu TAND TP.HCM hủy phán quyết trọng tài (PQTT) của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - chi nhánh TP.HCM giữa nguyên đơn là Công ty TAD Global và bị đơn là Công ty M-TP Talent.

 Công ty của Sơn Tùng M-TP đã yêu cầu TAND TP.HCM hủy phán quyết trọng tài của Trung tâm Trọng tài VIAC

Công ty của Sơn Tùng M-TP đã yêu cầu TAND TP.HCM hủy phán quyết trọng tài của Trung tâm Trọng tài VIAC

Hội đồng giải quyết gồm 3 thẩm phán

Liên quan đến quy trình giải quyết yêu cầu hủy PQTT của tòa án, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Công Phú (nguyên phó Chánh tòa Kinh tế, TAND TP.HCM), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết theo quy định của Luật Trọng tài Thương mại (TTTM) 2010 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì TAND cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy PQTT. Và đây là yêu cầu giải quyết việc dân sự về kinh doanh thương mại.

Cụ thể về quyền yêu cầu hủy PQTT, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được PQTT nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh được rằng Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 của Luật TTTM thì có quyền gửi đơn yêu cầu hủy PQTT.

Tiếp đến, sau khi thụ lý đơn yêu cầu hủy PQTT, tòa án thông báo cho Trung tâm trọng tài hoặc các Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc, các bên tranh chấp và VKS cùng cấp.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Chánh án Tòa án chỉ định một Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm ba Thẩm phán, trong đó có một Thẩm phán làm chủ tọa theo sự phân công của Chánh án Tòa án.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được chỉ định, Hội đồng xét đơn yêu cầu phải mở phiên họp để xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Cạnh đó, Tòa án phải chuyển hồ sơ cho VKS cùng cấp nghiên cứu trong thời hạn 7 ngày làm việc trước ngày mở phiên họp. Hết thời hạn này, VKS phải gửi trả lại hồ sơ cho Tòa án để mở phiên họp xem xét đơn yêu cầu.

Quyết định hủy phán quyết của tòa không bị kháng cáo, kháng nghị

Thành phần có mặt trong phiên họp gồm các bên tranh chấp, luật sư của các bên (nếu có), Kiểm sát viên. Trường hợp một trong các bên yêu cầu Hội đồng xét đơn vắng mặt hoặc đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp mà không được Hội đồng chấp thuận thì Hội đồng vẫn tiến hành xét đơn yêu cầu hủy quyết định trọng tài.

Khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn yêu cầu căn cứ vào tài liệu bên yêu cầu cung cấp để xem xét, quyết định. Hội đồng không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết. Sau khi xem xét đơn và các tài liệu kèm theo, nghe ý kiến của những người được triệu tập, Kiểm sát viên trình bày ý kiến của Viện kiểm sát, Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số.

Kết quả của phiên họp là nếu xét thấy có căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 68 Luật TTTM thì Hội đồng ra quyết định hủy PQTT. Quyết định này của tòa là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành ngay, Hội đồng trọng tài, các bên không có quyền khiếu nại, kháng cáo, VKS không có quyền kháng nghị.

Trong trường hợp Hội đồng xét đơn yêu cầu ra quyết định hủy PQTT, các bên có thể thỏa thuận lại để đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Trọng tài hoặc một bên có quyền khởi kiện tại Tòa án. Trường hợp Hội đồng xét đơn yêu cầu không hủy phán quyết trọng tài thì phán quyết trọng tài được thi hành.

Phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu.

2. Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này.

3. Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị hủy.

4. Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài.

5. Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Khoản 2, Điều 68, Luật Trọng tài Thương mại

HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-vu-son-tung-m-tp-quy-trinh-giai-quyet-yeu-cau-huy-phan-quyet-trong-tai-ra-sao-post805251.html