Từ vụ sụp đổ ngân hàng Mỹ lớn nhất trong thập niên, so găng sức mạnh 'bàn tay hữu hình và vô hình' của thị trường tài chính
Theo báo Liên hợp buổi sáng, trên thị trường tài chính luôn tồn tại cuộc đọ sức khốc liệt giữa 'bàn tay hữu hình' và 'bàn tay vô hình'. Điều này càng thể hiện rõ hơn trong thời kỳ hỗn loạn tài chính và khủng hoảng tài chính.
Ngày 10/3, Cục Bảo vệ và Đổi mới tài chính California thông báo đã tiếp quản ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) theo luật và giao cho Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) quản lý và rao bán vì SVB không đủ thanh khoản và khả năng thanh toán.
Đây là sự kiện đóng cửa ngân hàng lớn nhất ở Mỹ kể từ tháng 9/2008, khiến giới tài chính ở Mỹ và trên toàn thế giới phải cảnh giác cao độ, tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính không ngừng gia tăng.
Khi "bàn tay hữu hình" bận rộn
Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ và châu Âu lần này có nhiều điểm tương đồng với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2008.
Lý do khiến SVB sụp đổ, từ góc độ vĩ mô, là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh. Việc Fed tăng mạnh lãi suất đã dẫn đến giá trái phiếu chính phủ giảm, các ngân hàng thương mại mất tiền gửi quá nhanh và chi phí tài chính tăng lên.
Để kiềm chế lạm phát, Fed đã liên tục tăng lãi suất quỹ liên bang và giảm quy mô bảng cân đối kế toán. Ngày 16/3/2022, Fed đã thực hiện đợt tăng lãi suất đầu tiên trong chu kỳ tăng lãi suất này và đến thời điểm này Fed đã tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp lên khoảng 5%-5,25%.
Fed liên tục tăng lãi suất, chủ yếu là do lạm phát của Mỹ tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trong hai năm qua. Lạm phát trong tháng Ba đã vượt 6%, cao hơn ba lần so với mục tiêu 2% của Fed. Do đó, công ty tài chính Nomura Securities ước tính Fed sẽ cắt giảm lãi suất ngay lập tức và nhiều tổ chức tài chính suy đoán Fed có thể không tăng lãi suất.
Dù vậy, sẽ là hơi quá mức khi nhận định rằng các vấn đề tài chính như sự sụp đổ của SVB có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định của Fed. "Bàn tay hữu hình" này chủ yếu kiểm soát lạm phát. Lý do tại sao tỷ lệ lạm phát ở Mỹ cao như vậy có liên quan trực tiếp đến việc Fed liên tục cắt giảm lãi suất, thực hiện chính sách tiền tệ cực lỏng, gây ra một “cơn lũ” USD.
Các đợt tăng lãi suất của Fed trong năm nay diễn ra quyết liệt và vội vàng, nhưng ít có tác dụng kiềm chế lạm phát ở Mỹ. Những rủi ro đột ngột đối với sự ổn định của hệ thống ngân hàng và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng sâu sắc đang khiến Fed khó hành động hơn.
Tiếp theo, hãy nhìn vào "bàn tay hữu hình" của Chính phủ Mỹ. Ngân hàng Signature Bank (SB) bị đóng cửa hai ngày sau khi SVB sụp đổ. Cổ phiếu ngân hàng ở Mỹ, đặc biệt là một số cổ phiếu ngân hàng vừa và nhỏ, đã giảm mạnh và rất có thể sẽ đi theo SVB.
Một số tổ chức thậm chí còn liệt kê hơn 10 ngân hàng như vậy, trong khi những tổ chức khác nói rằng hơn 100 ngân hàng đang gặp nguy hiểm. FDIC trước đó đã cảnh báo rằng môi trường lãi suất hiện tại có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với ngành ngân hàng.
Nếu để tình trạng "tháo chạy" tiền gửi dàn trải, nhiều ngân hàng vừa và nhỏ, kể cả ngân hàng lớn sẽ phá sản, thiệt hại rất lớn. Do đó, Chính phủ Mỹ đã khẩn trương phản ứng.
Ngày 10/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã triệu tập cuộc họp với những người đứng đầu các cơ quan như Fed, FDIC... để thảo luận về các thỏa thuận liên quan sau khi đóng cửa SVB. Cùng ngày, FDIC cho biết để bảo vệ những người gửi tiền được bảo hiểm, một cơ quan đặc biệt đã được thành lập và cho phép những người được bảo hiểm rút tiền gửi trước sáng ngày 13/3.
Đối với những người gửi tiền không được bảo hiểm, FDIC trả cổ tức như một khoản bồi thường. Điều này giúp ổn định niềm tin của người gửi tiền và uy tín tín dụng của các ngân hàng.
Ngày 13/3, Tổng thống Joe Biden đã có bài phát biểu, đảm bảo rằng người dân và doanh nghiệp nhỏ có tiền gửi tại SVB và SB sẽ được bảo vệ và nhận được tiền tiết kiệm hoặc tài sản đến hạn của họ. Ông cũng cho biết quản lý của hai ngân hàng sẽ bị sa thải và các nhà đầu tư vào các ngân hàng nên sẵn sàng chấp nhận rủi ro nếu không có sự bảo vệ của chính phủ. Điều này cho thấy rằng người gửi tiền có thể yên tâm rằng các nhà đầu tư tự chịu rủi ro khi làm như vậy.
Trên thực tế, nếu tiền gửi có thể được bảo hiểm hoàn toàn, thì có thể hạn chế việc rút tiền, tín dụng của ngân hàng sẽ không bị phá sản và giá cổ phiếu của ngân hàng sẽ không giảm mạnh. Việc Chính phủ Mỹ ngay lập tức tuyên bố bảo vệ người gửi tiền lần này đã có tác dụng tích cực trong việc ổn định thị trường tài chính. Nếu không, làn sóng rút tiền sẽ tiếp tục và nhiều ngân hàng ở Mỹ sẽ buộc phải đóng cửa.
So với phản ứng của Chính phủ Mỹ trước và sau sự sụp đổ của Lehman Brothers, ngân hàng lớn thứ tư của Mỹ vào năm 2008, hành động lần này là nhanh chóng và hiệu quả. Mặc dù có nhiều ý kiến chỉ trích, nhưng tốt hơn hết là thị trường và xã hội có thể tạm thời ổn định thị trường tài chính để cố gắng giải quyết từ từ các vấn đề hơn là để các ngân hàng lần lượt sụp đổ.
Những "bàn tay vô hình"
Trên thị trường tài chính, thực tế có nhiều "bàn tay vô hình" hơn so với "bàn tay hữu hình". Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á từ năm 1997-1998, một số quỹ đầu cơ của châu Âu và Mỹ đã phình to và các tổ chức bán khống đã nhân cơ hội này để kiếm lời.
Tiền tệ ở nhiều quốc gia châu Á đã mất giá và thị trường tài chính bị ảnh hưởng nặng nề. Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Sự thiếu quyết đoán của Chính phủ Nhật Bản vào thời điểm đó đã khiến các tổ chức tài chính như ngân hàng Long-Term Credit Bank of Japan phá sản và nền kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng.
Sự sụp đổ của SVB lần này có liên quan đến rất nhiều đến "bàn tay vô hình". Ví dụ, CEO của SVB đã vận động Thượng viện vào năm 2015, yêu cầu Quốc hội giảm bớt sự giám sát đối với các tổ chức tài chính và miễn trừ cho một nhóm các tổ chức tài chính vừa và nhỏ, bao gồm cả SVB.
Năm 2018, hoạt động vận động hành lang của SVB đã thành công và Quốc hội Mỹ đã nâng tiêu chuẩn xác định các ngân hàng có rủi ro hệ thống. Cả SVB và SB đều được miễn trừ giám sát. Ban quản lý cấp cao của SVB chịu trách nhiệm không thể chối cãi về sự sụp đổ và một số vấn đề trong hoạt động và quản lý.
Ngoài ra còn có một số "bàn tay vô hình", chẳng hạn như các quỹ đầu cơ và các tổ chức bán khống. Họ lan truyền những tin tức sai lệch, khuếch đại tâm lý hoảng loạn.
Do Chính phủ Mỹ bảo vệ người gửi tiền, khả năng phá sản ở các ngân hàng Mỹ giảm đáng kể. Một "bàn tay vô hình" nào đó lại vươn ra châu Âu, đẩy ngân hàng Credit Suisse vào thế bấp bênh. Ngày 19/3, ngân hàng UBS, với sự trợ giúp của Chính phủ Thụy Sỹ, đã tuyên bố mua lại Credit Suisse để cứu ngân hàng này khỏi phá sản.
Để chống lại những "bàn tay vô hình", ngày 19/3, Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Anh (BoE), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), Ngân hàng quốc gia Thụy Sỹ, Ngân hàng trung ương Canada đã công bố một động thái phối hợp, thiết lập một đường hoán đổi thanh khoản USD thường xuyên, tăng nguồn cung thanh khoản. Từ ngày 20/3, tần suất của khoảng thời gian 7 ngày được đổi thành hàng ngày và tiếp tục cho đến cuối tháng Tư.
Trong ngắn hạn, sự sụp đổ của ngân hàng SVB có thể không gây ra khủng hoảng tài chính ở Mỹ và châu Âu. Nhưng về lâu dài, nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ và châu Âu vẫn hiện hữu, rủi ro tiềm ẩn của các định chế tài chính là không thể coi thường, xu hướng phi USD hóa trên thế giới là rất rõ ràng.
Các loại tiền tệ như đồng USD, đồng Euro hay cổ phiếu, trái phiếu có thể gây ra những cuộc khủng hoảng mới. Cuộc đọ sức giữa "bàn tay hữu hình" và "bàn tay vô hình" sẽ tiếp tục và cần phải cảnh giác.