Từ vụ thẻ tín dụng phát sinh nợ 8,8 tỷ đồng: Ngân hàng phải hài hòa lợi ích, khách hàng cần dùng thẻ đúng cách
Từ vụ việc chủ thẻ tín dụng nợ 8,5 triệu đồng, sau 11 năm bị tính lãi hơn 8,8 tỷ đồng, không chỉ các ngân hàng nhận thức lại về các chính sách liên quan đến thẻ tín dụng để hài hòa lợi ích các bên, mà bản thân khách hàng cũng phải cẩn trọng, có trách nhiệm trong việc mở và sử dụng các loại thẻ.
Giật mình vì bỗng dưng mắc nợ
Sau sự việc gây xôn xao dư luận suốt hơn 1 tuần qua, nhiều khách hàng đã giật mình và phải qua chi nhánh các ngân hàng để kiểm tra tình trạng các thẻ ngân hàng lâu không sử dụng. Từ đây, nhiều người “bật ngửa” vì nhiều thẻ dù không còn sử dụng nhưng vẫn phát sinh dư nợ từ các loại phí như phí SMS, phí thường niên…
Anh Nguyễn Đức P cho biết, từ khi còn là sinh viên năm 2014 - 2015, một số ngân hàng đã đến tận trường mở thẻ ATM cho sinh viên nên anh đã mở 2 chiếc thẻ của 2 ngân hàng khác nhau. Tuy nhiên anh chỉ sử dụng khoảng hơn 1 năm sau đó không còn sử dụng, trong tài khoản còn dư vài chục nghìn đồng. Khi đi làm, mỗi công ty lại trả lương qua một tài khoản khác nhau nên anh có thêm 3 chiếc thẻ ATM, 2 chiếc thẻ tín dụng. Mới đây, do chuyển công việc nên anh lại ra ngân hàng mà mình đã mở thẻ hồi sinh viên để mở tài khoản nhận lương.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, nhân viên ngân hàng thông báo anh còn nợ phí thường niên đối với thẻ ATM gần 500 nghìn đồng từ năm 2016, phải thanh toán hết thì mới mở lại thẻ được. Lo lắng, anh P đến các ngân hàng mà mình đã mở thẻ trước đó để đóng các thẻ không còn sử dụng. Trong đó, 2 thẻ ATM vẫn phát sinh phí khi không giao dịch, 3 thẻ còn lại ngân hàng đã tự động khóa khi hết số dư trong tài khoản và không phát sinh giao dịch trong thời gian dài. Hai chiếc thẻ tín dụng thì 1 chiếc anh đang sử dụng không thu phí thường niên, còn 1 chiếc không sử dụng từ năm 2018 nhưng vẫn phát sinh tới hơn 1,1 triệu đồng tiền phí.
Tương tự, chị Nguyễn Thanh H được công ty cũ mở thẻ tại ngân hàng để trả lương từ năm 2019. Sau sự việc, chị H vội lên ngân hàng đóng thẻ thì phía ngân hàng cũng báo khoản nợ gần 1,5 triệu đồng, gồm phí thông báo biến động số dư hàng tháng và phí quản lý tài khoản. “Khi đóng thẻ, tài khoản của tôi vẫn còn hơn 100.000 đồng. Vậy mà sau hơn 4 năm tự nhiên tôi lại thành con nợ dù không được chi tiêu gì” - chị H bức xúc nói. Chị H cũng cho biết, sau đó chị có thông báo đến một số đồng nghiệp cũ, nhiều người cũng lập tức đi kiểm tra và đều phát sinh nợ với ngân hàng. “Có người mở cả thẻ ATM lẫn thẻ tín dụng, khoản nợ âm trên tài khoản lên đến trên 3 triệu đồng. Nhân viên ngân hàng cho biết nếu khách hàng không thanh toán hết thì sẽ không đóng được tài khoản và các khoản phí vẫn sẽ phát sinh” - chị H. cho biết.
Khi khách hàng không thanh toán đúng hạn thì sẽ phát sinh lãi và lãi đó khách hàng có thể theo dõi trên hướng dẫn của ngân hàng. Việc chậm trả không chỉ khiến số tiền khách hàng phải trả tăng lên, mà còn ảnh hưởng đến điểm tín dụng cá nhân của khách hàng khi khoản chi tiêu đó chuyển thành nợ xấu. Điểm tín dụng này sẽ được lưu trên hệ thống của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Theo đó, trong tương lai, khi có nhu cầu tài chính khác các tổ chức tín dụng sẽ dựa trên điểm tín dụng để làm căn cứ phê duyệt khoản vay.
Bà Nguyễn Hồng Thanh - Trưởng Tiêủban chính sách, chi hội thẻ(Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam)
Trên các diễn đàn mạng gần đây, hàng trăm người đã chia sẻ những câu chuyện tương tự. Các loại phí vẫn phát sinh dù thẻ không còn sử dụng, như phí SMS, phí quản lý tài khoản hoặc phí thường niên đối với thẻ tín dụng. Đa phần các ý kiến bức xúc vì ngân hàng không chủ động đóng các tài khoản không sử dụng trong nhiều năm mà âm thầm trừ tiền các loại phí nhưng không có tin nhắn hay email thông báo đến khách hàng.
Trên thực tế, hiện nay các ngân hàng có chính sách tính phí và quản lý thẻ ngân hàng khác nhau. Một số ngân hàng vẫn duy trì tài khoản và thu phí của khách hàng dù tài khoản hay thẻ không phát sinh giao dịch nhiều năm, song một số ngân hàng lại tự động đóng thẻ và dừng thu phí. Chẳng hạn như tại Agribank, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, khi tài khoản khách hàng không đủ số dư tối thiểu và không hoạt động trong vòng 12 tháng sẽ được ngân hàng đưa vào chế độ tài khoản “ngủ”, không hạch toán thu phí. Nếu 36 tháng tiếp theo tài khoản vẫn không hoạt động thì Agribank thực hiện đóng tài khoản. Trong trường hợp nếu khách hàng có nhu cầu sử dụng lại tài khoản trong 48 tháng thì đề nghị ngân hàng khôi phục lại tài khoản và nộp thêm tiền để đủ số dư tối thiểu. Còn nếu sau 48 tháng thì khách hàng phải mở lại tài khoản mới.
Đối với việc tính lãi, Agribank cũng tự động “đóng băng” dư nợ gốc nếu khách hàng chậm thanh toán trong 2 kỳ sao kê liên tiếp. Cụ thể, vào ngày đến hạn thanh toán, nếu khách hàng không thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền thanh toán tối thiểu, Agribank sẽ thu phí chậm trả tính trên số tiền thanh toán tối thiểu chưa được thanh toán. Số tiền phí này được thể hiện trên sao kê kỳ tiếp theo. Trường hợp sau 2 kỳ sao kê liên tiếp, vào ngày đến hạn thanh toán, nếu khách hàng không thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền thanh toán tối thiểu, hệ thống Agribank sẽ tự động khóa thẻ và tính lãi quá hạn với lãi suất bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn trên toàn bộ dư nợ gốc.
Khách hàng cũng cần có trách nhiệm
Dù phát sinh nhiều trường hợp rủi ro như trên, nhưng các chuyên gia cho rằng đó chỉ là những trường hợp thiểu số, một phần do chính sách một số ngân hàng chưa hợp lý, một phần do khách hàng còn thiếu hiểu biết trong sử dụng thẻ. Trên thực tế, thẻ ngân hàng nói chung và thẻ tín dụng nói riêng mang lại rất nhiều lợi ích và đang trở thành xu hướng tất yếu trong cuộc sống hiện đại, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Đối với thẻ tín dụng, khách hàng có thể chi tiêu trước, trả tiền sau. Theo đó, khi phát sinh nhu cầu cần chi tiêu ngay mà không có đủ tiền, chủ thẻ tín dụng không cần đi vay mượn bên ngoài mà có thể “quẹt thẻ” với hạn mức dao động từ hàng chục đến nhiều trăm triệu đồng và được miễn lãi từ 45 - 55 ngày tùy chính sách của các ngân hàng. Không chỉ vậy, nhiều ngân hàng còn có chính sách hoàn tiền với các chi tiêu thẻ tín dụng nên chủ thẻ được hưởng lợi ích kép, khi vừa được “mượn” tiền miễn lãi trong một thời gian khá dài, vừa được hoàn tiền khi sử dụng.
Ngân hàng phải giải quyết đảm bảo quyền lợi khách hàng
Sau vụ việc nêu trên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết sẽ chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng thuộc quản lý rà soát các chủ thẻ. Nếu có khách hàng thời gian dài không sử dụng thẻ, phát sinh trường hợp tương tự thì chủ động làm việc để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ các nội dung chính của sản phẩm, dịch vụ mình cung cấp để khách hàng hiểu.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phải công khai biểu phí và chỉ được thu phí theo biểu phí đã công khai. Trong tương tác giữa khách hàng và ngân hàng thì phải thông tin cụ thể, đảm bảo biến động số dư tài khoản sẽ đến được với khách hàng (có thể qua email, SMS…). “Ngân hàng hoạt động trên chữ tín, nếu để những vụ việc như thế này xảy ra sẽ ảnh hưởng tới thương hiệu, uy tín với khách hàng. Do đó, các nhà băng cần phải giải quyết để đảm bảo quyền lợi khách hàng” - ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nói.
Về phía Eximbank cho biết đã làm việc với khách hàng để thống nhất phương án giải quyết, bảo đảm quyền lợi của cả 2 bên.
Theo bà Nguyễn Hồng Thanh - Trưởng Tiểu ban chính sách, chi hội thẻ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), việc có thể chi tiêu trước, trả tiền sau và có thời gian ân hạn miễn lãi lên đến 45 - 55 ngày là một ưu đãi rất lớn cho khách hàng. Khách hàng có thể theo dõi bảng sao kê hàng tháng mà ngân hàng gửi và khi thanh toán đầy đủ số tiền dư nợ sao kê vào đúng thời hạn thanh toán theo quy định của ngân hàng thì được hoàn toàn miễn lãi cho tất cả giao dịch đã chi tiêu.
Do đó, khách hàng khi sử dụng thẻ hoàn toàn có thể dựa vào ưu đãi này để tận dụng ứng vốn của ngân hàng mà không phải trả lãi cho ngân hàng. Tuy nhiên, cũng như trên thế giới, thẻ tín dụng ở thị trường Việt Nam có lãi suất thường cao hơn nếu quá thời gian ân hạn lãi mà khách hàng chưa thanh toán số tiền phải thanh toán tối thiểu. Cùng với đó, thông thường, các ngân hàng sẽ thu phí thường niên đối với thẻ tín dụng, dao động từ 100 - 500 nghìn đồng hoặc thậm chí hơn tùy từng ngân hàng và từng loại thẻ. Do đó, khi mở và sử dụng thẻ, khách hàng phải nghiên cứu kỹ các chính sách thẻ của ngân hàng, đọc kỹ hợp đồng, nắm rõ lãi suất và phí thẻ. Biểu lãi suất và phí đều được cập nhật và niêm yết công khai trên các website ngân hàng.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, hạn mức của thẻ tín dụng là số tiền mà ngân hàng sẵn sàng “ứng trước” cho khách hàng khi cần, tức là khi khách hàng chi tiêu thì cũng giống như vay ngân hàng. Vì vậy khách hàng phải có trách nhiệm hoàn trả và về mặt pháp lý khách hàng sử dụng thẻ tín dụng phải tuân thủ theo quy định về quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước (các điều khoản quy định liên quan đến thẻ tín dụng tại thông tư 39/2016/ TT-NHNN).
Theo bà Nguyễn Hồng Thanh, khi khách hàng không thanh toán đúng hạn thì sẽ phát sinh lãi và lãi đó khách hàng có thể theo dõi trên hướng dẫn của ngân hàng. Việc chậm trả không chỉ khiến số tiền khách hàng phải trả tăng lên, mà còn ảnh hưởng đến điểm tín dụng cá nhân của khách hàng khi khoản chi tiêu đó chuyển thành nợ xấu. Điểm tín dụng này sẽ được lưu trên hệ thống của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Theo đó, trong tương lai, khi có nhu cầu tài chính khác các tổ chức tín dụng sẽ dựa trên điểm tín dụng để làm căn cứ phê duyệt khoản vay.
Tòa án sẽ không chấp nhận việc tính lãi chồng lãi
Liên quan đến vụ việc tại Ngân hàng Eximbank, luật sư Ngô Quí Linh (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã đưa ra một số khía cạnh cơ bản cần phải xem xét.
Trong đó, với khoản chi tiêu đang có tranh chấp, phía ngân hàng sẽ phải chứng minh được có đúng là khách hàng đã sử dụng thẻ để chi tiêu 2 khoản mà ngân hàng cho rằng chủ thẻ phải có trách nhiệm thanh toán hay không. Hoặc phải chứng minh được rằng thẻ đã được sử dụng bởi người khác nhưng là do chủ thẻ cho phép. “Nếu không chứng minh được việc này thì sự việc sẽ rất phức tạp, cần chuyển cho cơ quan công an để tiến hành điều tra, xác minh xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Từ đó, trách nhiệm phải thanh toán và thanh toán bao nhiêu đối với dư nợ và lãi của 2 khoản chi tiêu sẽ do tòa án quyết định trong bản án có hiệu lực” - vị luật sư cho biết.
Đối với lãi suất và các khoản phạt, phí trả chậm: Về nguyên tắc, những khoản này sẽ theo quy định của hợp đồng mở thẻ tín dụng. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét đến thời hạn của hợp đồng phát hành thẻ, có thể là 2, 3, hoặc 5 năm chẳng hạn. Việc áp dụng các quy định của hợp đồng mở thẻ tín dụng đối với lãi suất, khoản phạt, phí trả chậm… chỉ được áp dụng trong thời hạn có hiệu lực của hợp đồng mở thẻ tín dụng. Nếu hợp đồng mở thẻ tín dụng đã hết hạn mà các bên chưa có thỏa thuận mới về những nội dung này thì việc một bên tự cho mình có cách tính riêng (cho dù là theo các quy định tại hợp đồng cũ đã ký và đã hết hạn) thì chỉ là cách tính đơn phương. Nếu bên kia không đồng ý thì có quyền khởi kiện ra tòa và tòa án mới có quyền quyết định bên nào đúng.
Về cách tính lãi, theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 12, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11-1-2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thì “Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên vay thì tòa án xem xét, quyết định theo nguyên tắc chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn”. Như vậy, nếu vụ việc được đưa ra tòa án xét xử thì việc tính lãi chỉ được xác định một lần đối với khoản nợ quá hạn cho toàn bộ thời gian chậm trả chứ không chấp nhận việc tính lãi chồng lãi. “Về việc này thì thực tế đã có một vụ án được Hội đồng Thẩm phán xem xét lại theo thủ tục Giám đốc thẩm và đã tuyên hủy bản án phúc thẩm (tức bản án đã có hiệu lực pháp luật) với lý do tòa án cấp phúc thẩm đã công nhận cách tính lãi chồng lãi mặc dù cách tính này là do chính các bên thỏa thuận” - luật sư Ngô Quí Linh thông tin.