Từ vụ Trang Nemo, phụ nữ mang thai có được hoãn thi hành án?

Sau vụ việc của Trang Nemo, theo chuyên gia pháp lý, việc hoãn thi hành án đối với phụ nữ mang thai không phải điều kiện bắt buộc trong mọi tình huống song phần lớn đều được áp dụng

TAND quận 10 (TP HCM) đang xác minh nội dung đơn của Nguyễn Xuân Hương Trang (31 tuổi, tên gọi khác là Trang Nemo, trú tại TP HCM) về việc bị án này xin hoãn thi hành bản án 9 tháng tù giam về tội gây rối trật tự công cộng. Trong đơn, theo Trang Nemo là vì người này đang mang thai.

Trang Nemo trong một lần hầu tòa. Ảnh: NLĐO

Trang Nemo trong một lần hầu tòa. Ảnh: NLĐO

Sau vụ việc của Trang Nemo, dư luận rất quan tâm việc pháp luật hiện nay quy định ra sao về vấn đề hoãn thi hành án? Và mang thai có được hoãn thị hành án không?

Về pháp lý, luật sư Trịnh Văn Tuyến, Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho biết quy định tại điểm b khoản 1 điều 67 Bộ luật Hình sự: Người bị xử phạt tù là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.

Theo đó, việc hoãn thi hành án đối với phụ nữ mang thai không phải điều kiện bắt buộc trong mọi tình huống, mà sẽ được xem xét ở từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy vậy, trên thực tế thì phần lớn các trường hợp phụ nữ mang thai đều được hoãn thi hành án.

Về thủ tục, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị hoãn thi hành án, chánh án TAND đã ra quyết định thi hành án phải xem xét, quyết định về việc có chấp nhận cho hoãn thi hành án hay không.

Về giả thiết người bị kết án cố tình mang thai để kéo dài thời gian ở ngoài xã hội hoặc trì hoãn nghĩa vụ thi hành án, luật sư Trịnh Văn Tuyến, cho rằng hoàn toàn có thể xảy ra. Vấn đề này đã được TAND tối cao giải đáp tại mục 4 phần II Công văn số 01/2017.

Cụ thể, nếu người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi, không phân biệt họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trì hoãn, trốn tránh tạm thời nghĩa vụ thi hành án phạt tù hay không.

Theo luật sư Trịnh Văn Tuyến, mục đích của hình phạt chỉ thực sự phát huy được hết tác dụng khi việc áp dụng và thi hành đúng lúc, đúng thời điểm, đúng đối tượng. Với tinh thần ấy, nếu thi hành án phạt tù với phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ thì mục đích của hình phạt sẽ không đạt được như mong muốn, thậm chí còn có thể gây ra những hệ lụy không tốt, đặc biệt là với đứa trẻ.

Việc lợi dụng mang thai để trì hoãn hoặc trốn tránh tạm thời nghĩa vụ thi hành án là có thể, nhưng chỉ là cá biệt, số ít. Khả năng xảy ra chủ yếu với người phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên không gây phương hại quá nhiều đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

"Nên duy trì quy định như hiện hành và chấp nhận những trường hợp cá biệt, phát sinh như một phần không thể tránh khỏi của chính sách pháp luật. Bởi pháp luật là hướng đến số đông, mang tính phổ quát; hướng đến sự nhân văn, nhân đạo và quyền con người, như đã nói"- luật sư Tuyến nêu rõ.

Luật sư Trịnh Văn Tuyến cũng cho biết thêm dù được hoãn thi hành án nhưng việc hoãn này chỉ áp dụng đối với phần trách nhiệm hình sự và hình phạt chính. Về trách nhiệm dân sự (bồi thường) cũng như hình phạt bổ sung, người bị kết án vẫn phải chấp hành như bình thường.

Ninh Cơ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tu-vu-trang-nemo-phu-nu-mang-thai-co-duoc-hoan-thi-hanh-an-196231224100901354.htm