Từ vụ trẻ ngộ độc do ăn nhầm thuốc diệt chuột: Ngộ độc hóa chất nhận biết bằng cách nào?
Theo tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP. Hồ Chí Minh, ngày 19/8 BV tiếp nhận bé trai 2 tuổi bị ngộ độc nặng do ăn nhầm thuốc diệt chuột vì tưởng là kẹo. Ngộ độc hóa chất có thể gây nguy hiểm tới tính mạng nếu như không được xử lý kịp thời, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi chiếm tỷ lệ cao ăn/uống nhầm hóa chất.
Hóa chất là đơn chất, hợp chất, hỗn hợp chất được con người khai thác hoặc tạo ra từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, nguyên liệu nhân tạo. Ngộ độc hóa chất được định nghĩa là tình trạng sức khỏe bị tổn hại khi tiếp xúc với một lượng chất nhất định có độc tính vượt quá ngưỡng cơ thể có thể chịu đựng.
Ngộ độc hóa chất có thể liên quan tới các chất hóa học độc hại, các kim loại nặng, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt chuột, thuốc diệt côn trùng, thuốc lá, rượu cồn, chất tẩy rửa gia dụng và công nghiệp,... được tìm thấy xung quanh môi trường sống hàng ngày.
Trong đó, trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 6 tuổi thường có nguy cơ ngộ độc hóa chất cao do ăn hoặc uống nhầm hóa chất độc hại. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu ngộ độc hóa chất, cha mẹ cần nhanh chóng xử lý và đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Thời gian vàng để loại bỏ hóa chất ra khỏi cơ thể là từ 1 - 3 giờ.
1. Dấu hiệu nhận biết ngộ độc hóa chất là gì?
Khi bị ngộ độc hóa chất, tùy theo cách tiếp xúc với hóa chất cũng như liều lượng hóa chất bị ngộ độc mà người bị ngộ độc sẽ có các biểu hiện tại đường hô hấp, qua da, qua đường tiêu hóa, tại hệ thần kinh hoặc tuần hoàn khác nhau.
Các dấu hiệu ngộ độc hóa chất phổ biến có thể gặp bao gồm:
- Đau họng dữ dội.
- Khó thở, thở khò khè, thở rít, ho dữ dội.
- Bỏng ở môi hoặc miệng.
- Da xuất hiện nhiều nốt sưng đỏ, rộp hay lở loét
- Những thay đổi đột ngột về hành vi, chẳng hạn như lơ mơ, cáu kỉnh, dễ bị giật mình, sợ ánh sáng, buồn ngủ bất thường, chóng mặt, đau đầu.
- Buồn nôn và nôn mửa.
- Đau bụng không sốt.
- Trẻ quấy khóc.
- Tiêu chảy.
- Chảy nước dãi bất thường hoặc hơi thở có mùi lạ.
- Thở gấp hoặc thở chậm hơn bình thường, tím tái toàn thân, co giật hoặc hôn mê trong những trường hợp ngộ độc hóa chất nghiêm trọng.
2. Cách xử lý khi bị ngộ độc hóa chất
Ngay khi phát hiện có người bị ngộ độc hóa chất, cần nhanh chóng đưa người bệnh khỏi nguồn hóa chất nghi ngờ gây ngộ độc. Sau đó nhanh chóng liên hệ hoặc di chuyển tới cơ sở y tế gần nhất. Trong thời gian đó, có thể lưu ý một số vấn đề sau:
- Nếu hít phải hóa chất: Cần nhanh chóng tách người ngộ độc ra khỏi nguồn khí độc tới môi trường thông thoáng. Sau đó xịt mũi, họng và súc miệng nhiều lần bằng nước muối sinh lý. Trong khi di chuyển nạn nhân, cần bịt kín mũi miệng của mình, tránh hít phải hóa chất độc hại.
- Nếu bị hóa chất dính vào da: Cần đeo găng tay và nhanh chóng loại bỏ quần áo có dính hóa chất, đặc biệt là những hóa chất có tính ăn mòn cao. Ngay lập tức rửa vùng da tiếp xúc với hóa chất liên tục dưới vòi nước sạch, không tự ý lấy nước mắm, dầu ăn, mỡ hay cao nóng bôi lên vùng da bị tổn thương, gây khó khăn cho việc điều trị và làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn vết thương.
- Nếu nhiễm độc hóa chất qua đường tiêu hóa do ăn/uống phải:Do ngộ độc hóa chất đường tiêu hóa thường dễ bị nôn mửa nhiều lần nên cần để người bị nhiễm độc nằm nghiêng trái để tránh bị sặc ngược khí phế quản hoặc vào phổi nếu nạn nhân bất tỉnh. Còn nếu nạn nhân tỉnh táo, cần cho họ kê cao đầu (nếu nằm) hoặc ngồi thẳng.
Có thể hỗ trợ bằng một số biện pháp gây nôn như móc họng bằng ngón tay tại vùng sàn họng để loại bỏ bớt hóa chất độc hại ra ngoài. Lưu ý, khi gây nôn cần thực hiện nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương thêm vùng niêm mạc miệng họng.
Trong trường hợp nôn mửa nghiêm trọng dễ dẫn tới mất nước, có thể bù nước cho người bị ngộ độc bằng dung dịch điện giải như Oresol nếu được sự cho phép của nhân viên y tế hỗ trợ. Ngoài ra không được cho người nuốt phải hóa chất ăn hay uống bất cứ thứ gì, tránh ảnh hưởng tới việc điều trị.
Cuối cùng, với người bị ngộ độc hóa chất có tính ăn mòn như axit, ba zơ hay xăng dầu hoặc đang trong trạng thái bất tỉnh, hôn mê hoặc co giật thì người nhà tuyệt đối không nên gây nôn vật lý.
- Nếu bị hóa chất dính vào mắt:Trước tiên cần rửa sạch tay và nhanh chóng tháo bỏ kính áp tròng cho nạn nhân (nếu có) đồng thời nghiêng đầu họ sang một bên và giữ cho mí mắt mở. Từ từ xả nước sạch vào mắt trong khoảng 15 phút, trong khi rửa cần tránh cho nước từ bên mắt nhiễm hóa chất chảy sang mắt lành.
Khi đưa người bị ngộ độc hóa chất tới cơ sở y tế, nếu có thể hãy mang theo mẫu hóa chất nghi ngờ gây ngộ độc - điều này sẽ hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán và can thiệp nhanh hơn. Tại bệnh viện, người bị ngộ độc hóa chất sẽ được điều trị tùy theo nguyên nhân ngộ độc. Bác sĩ có thể chỉ định rửa dạ dày, sử dụng chất đối kháng với hóa chất, truyền nước qua tĩnh mạch, kháng sinh chống nhiễm trùng,...
Để phòng tránh ngộ độc hóa chất tại nhà, đặc biệt là ngộ độc hóa chất ở trẻ em thì các gia đình nên phân loại, dán nhãn và để xa tầm tay của trẻ, tránh cho việc trẻ tưởng nhầm là đồ ăn hoặc đồ uống hay đồ chơi dẫn tới ngộ độc không đáng có.
Ngộ độc thuốc diệt chuột nguy hiểm như thế nào?
Ngộ độc thuốc diệt chuột có thể dẫn tới suy thận, suy gan, tổn thương thần kinh vĩnh viễn nếu như không được xử lý kịp thời.
Các triệu chứng ngộ độc thuốc diệt chuột tùy vào loại hóa chất trong thuốc diệt chuột là gì, đó có thể là: Thallium; Natri fluoroacetat (hợp chất 1080) và fluoroacetamid (hợp chất 1081); Strychnin; phosphua kẽm, phosphua nhôm; phốt pho (P); thạch tín; Bari cacbonat (BaCO2); Tetramethylene Disulfotetramine (TETS, Tetramine); Aldicarb; Alpha-cloralose; thuốc chống đông máu (Superwarfarin, Warfarin); Norbormide; Pyriminil; Bromethalin; cây hành biển;...
Triệu chứng ngộ độc thuốc diệt chuột có thể gặp như đau đầu, co giật, suy giảm tri giác, liệt cơ, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, suy thận, tím tái, ho, khó thở, đau rát niêm mạc họng/miệng/thực quản, rối loạn huyết động, đau bụng, buồn nôn, hôn mê,...
Nguồn: Tổng hợp