Từ xe xăng đến xe điện: thế giới đã đi trước như thế nào?
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và mục tiêu giảm phát thải toàn cầu, nhiều quốc gia đã triển khai các chính sách mạnh mẽ nhằm chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện (EV). Trung Quốc, Na Uy, Mỹ và Thái Lan là những ví dụ điển hình với cách tiếp cận khác nhau nhưng đều dựa trên nền tảng chính sách và đầu tư công lớn.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và mục tiêu giảm phát thải toàn cầu, nhiều quốc gia đã triển khai các chính sách mạnh mẽ nhằm chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện (EV). Ảnh TL
Trung Quốc - EV để bảo vệ an ninh năng lượng
Cuối năm 2013, khi trở thành nước nhập khẩu dầu ròng lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã xem việc phát triển xe điện là chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia. Chính phủ nước này đã triển khai hàng loạt chính sách ưu đãi như miễn 10% thuế doanh thu cho xe điện từ năm 2018 với tổng chi phí vượt 100 tỉ đô la Mỹ, trợ cấp xây trạm sạc công cộng, yêu cầu các chung cư mới phải có hạ tầng sạc tại nhà.
Cột mốc quan trọng là khi Tesla mở nhà máy tại Thượng Hải cuối năm 2019, với sự hỗ trợ lớn từ chính quyền. Điều này tạo niềm tin cho thị trường, kéo theo doanh số EV bùng nổ. Đến tháng 5-2025, Trung Quốc đã có hơn 14 triệu điểm sạc, tăng gần 9 lần so với cuối 2020. Ngoài ra, các thành phố như Thượng Hải còn miễn phí cấp biển số xanh cho người mua xe điện, trong khi xe xăng phải đấu giá hàng chục ngàn đô la. Hơn 80% xe buýt đô thị tại Trung Quốc đến năm 2023 là xe điện hoặc hybrid.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), từ năm 2009 đến 2023, chính phủ Trung Quốc đã chi khoảng 231 tỉ đô la cho ngành EV.
Na Uy - 25 năm kiên trì và một thị trường EV trưởng thành
Na Uy đã đầu tư vào EV từ đầu những năm 1990 như một chiến lược kép - giảm phát thải và phát triển ngành công nghiệp xe điện. Dù mục tiêu công nghiệp hóa EV không đạt được như kỳ vọng, tất cả xe điện tại nước này đều nhập khẩu nhưng chính sách được áp dụng lại mang đến kết quả tốt.
Theo đó, nước này đã miễn 25% thuế VAT, thuế nhập khẩu, đăng ký; miễn phí cầu đường, phà, đỗ xe công cộng. Đồng thời EV tại Na Uy được sử dụng làn xe buýt. Thêm vào đó. chính phủ còn trợ cấp 100% chi phí đầu tư trạm sạc và cấp “quyền sạc” tại nhà cho người dân. Đến năm 2024, Na Uy có hơn 9.700 trạm sạc nhanh, tại gần 1.700 địa điểm và phần lớn dùng điện tái tạo.
Khi xe điện trở thành lựa chọn phổ biến, chính phủ bắt đầu điều chỉnh lại chính sách về miễn giảm thuế, phí. Dù vậy, nền tảng chuyển đổi đã hoàn thiện, hạ tầng tốt, thị trường ổn định và người dân đã hoàn toàn sẵn sàng với EV.
Mỹ - Kết hợp ưu đãi tài chính và đầu tư hạ tầng
Mỹ bắt đầu hỗ trợ xe điện từ năm 2008 với khoản tín dụng thuế tối đa 7.500 đô la. Để đủ điều kiện, xe phải được lắp ráp tại Mỹ và sử dụng pin nội địa. Nếu chỉ đáp ứng một trong hai tiêu chí thì chỉ nhận được 3.750 đô la. Quy định này tạo động lực thúc đẩy sản xuất pin trong nước cũng như giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Cùng với đó, Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 (IRA) tiếp tục gia hạn chính sách trên, nhưng chỉ áp dụng cho xe lắp ráp tại Bắc Mỹ và sử dụng pin, nguyên liệu kim loại có nguồn gốc trong nước hoặc từ các nước đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ.
Ngoài ra, Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm (2021) đã phân bổ 7,5 tỷ đô la cho việc sạc xe điện. Tính đến tháng 12 năm 2024, 37 trạm sạc với tổng cộng 226 điểm sạc cho xe điện đã hình thành.
Từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, doanh số EV đã tăng gấp ba lần, số mẫu xe tăng gấp đôi, hơn 130.000 bộ sạc công cộng được lắp đặt. Khu vực tư nhân cũng đã cam kết đầu tư hơn 120 tỉ đô la vào xe điện và pin. EPA ước tính các tiêu chuẩn mới sẽ giúp Mỹ hạn chế gần 10 tỉ tấn phát thải CO₂ đến năm 2055.
Thái Lan: Trợ giá cao, mở rộng hạ tầng và thúc đẩy sản xuất nội địa
Theo báo cáo "Kỹ thuật về Phát triển Mạng lưới Sạc Xe Điện và Tích hợp Lưới Điện để Hỗ trợ Quy hoạch Hạ tầng Kỹ thuật Giao thông Vận tải Quốc gia" do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố vào 10-2024, lộ trình của chính phủ Thái Lan đặt ra nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất xe điện lên 250.000 chiếc, 3.000 xe buýt điện và 53.000 xe máy điện vào năm nay. Thêm vào đó là sản xuất 30% xe điện trên toàn quốc vào năm 2030.
Để đạt được sự tăng trưởng này, Thái Lan đang tập trung mở rộng mạng lưới sạc xe điện thông qua quan hệ đối tác hợp tác công tư do các đơn vị như PTT PLC và Cơ quan Phát điện Thái Lan dẫn đầu. Mục tiêu của chính phủ là đặt các trạm trong khoảng cách 200km trên toàn quốc.
Các biện pháp được đưa ra bao gồm miễn thuế, giảm giá và trợ cấp cho người mua xe điện. Dự kiến, sản lượng EV sẽ tăng từ 35.039 chiếc vào năm 2019 lên 570.500 chiếc vào năm 2025 và 934.200 chiếc vào năm 2030. Tại đây, khoản trợ cấp có thể lên đến 21.000 đô la dành cho những ai mua xe điện.
Doanh số bán xe điện ở Thái Lan đã tăng đều đặn kể từ năm 2018, với hơn 131.500 lượt đăng ký xe điện và plug-in hybrid được báo cáo tính đến tháng 7-2023, bao gồm gần 82.000 xe điện chạy bằng pin.
Chuyển đổi từng bước và quyết liệt trong thực thi chính sách là cách mà các quốc gia trên thế giối đang thực thi cuộc cách mạng giao thông sạch.
(Theo IEA, The Wall Street Journal, OECD)