Từ ý Đảng đến lòng dân

Phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn thời gian qua đã lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Nhờ sự đồng thuận từ phía người dân, hàng trăm ki lô mét đường liên xã, nội bản được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, thành thị, tạo ra cơ hội phát triển bền vững trong tương lai...

Vui mừng, phấn khởi là cảm xúc của hàng trăm hộ dân bản Món Hà, xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng) kể từ khi tuyến đường nội bản được khởi công xây dựng. Bởi trước đây, quãng đường từ bản đến trung tâm xã không xa, song do chưa được nâng cấp, bề mặt đường nhiều đoạn “ổ trâu” “ổ gà”, trời mưa lưu thông rất vất vả. Cũng vì đường sá đi lại khó khăn cản trở việc giao thương hàng hóa của bà con trong bản. Nhận thấy những khó khăn mà người dân gặp phải, đầu năm 2024, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Ảng đã kết nối, vận động từ nguồn xã hội hóa để thi công xây dựng tuyến đường với tổng mức đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng; trong đó, người dân tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc để mở rộng đường với diện tích gần 2.000m2.

Vật kiến trúc, đất do người dân bản Món Hà, xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng) tự nguyện hiến để mở rộng tuyến đường nội bản.

Vật kiến trúc, đất do người dân bản Món Hà, xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng) tự nguyện hiến để mở rộng tuyến đường nội bản.

Từ khi tuyến đường được bàn giao đưa vào sử dụng, người dân bản Món Hà ai cũng vui bởi ngoài sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, các nhà hảo tâm thì tuyến đường hoàn thành cũng một phần nhờ đóng góp của họ. Có đường mới, giờ đây việc đi lại, vận chuyển lương thực, thực phẩm của bà con sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.

Không phải di chuyển lầy lội vào mùa mưa, cũng không bụi bặm ngày nắng, người dân bản Hin 2, xã Na Sang (huyện Mường Chà) hôm nay đã có con đường mới rộng rãi, sạch đẹp. Kể từ khi tuyến đường 1,2km được bê tông hóa, cuộc sống bà con nơi đây cũng đổi thay nhiều. Đến nay, bản Hin 2 đã đạt chuẩn NTM.

Ông Lò Văn Phương, Trưởng bản Hin 2 phấn khởi chia sẻ: Cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về mọi mặt thì vai trò của nhân dân trong xây dựng NTM là rất quan trọng. Đơn cử như việc mở rộng, bê tông hóa tuyến đường nội bản, sau khi hiểu được lợi ích của việc xây dựng NTM, 100% hộ dân bản Hin 2 đã tự nguyện hiến một phần đất của gia đình, đồng thời trực tiếp tham gia góp sức hàng trăm ngày công lao động làm đường.

Theo ông Phương, trước đây con đường ở bản Hin 2 nhỏ và hẹp chứ không rộng rãi, sạch sẽ như bây giờ. Nguyên nhân, do một số hộ gia đình không đồng ý hiến đất làm đường bê tông mà muốn Nhà nước phải đền bù giải phóng mặt bằng. Sau nhiều ngày thuyết phục, vận động, người dân đã dần hiểu ra xây dựng NTM là xu thế tất yếu, trong đó chính họ là chủ thể thụ hưởng trực tiếp. Nhờ vậy mà bà con đã nghe theo, rồi cùng nhau tự nguyện hiến đất, làm đường với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Nhờ sự góp công, góp sức từ phía người dân, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa rộng rãi, sạch đẹp.

Nhờ sự góp công, góp sức từ phía người dân, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa rộng rãi, sạch đẹp.

Đặc thù tỉnh miền núi, giao thông được đánh giá là một trong những tiêu chí quan trọng trong tiến trình xây dựng NTM; vì thế, hàng năm các địa phương trong tỉnh đã tranh thủ nhiều nguồn vốn đầu tư của Nhà nước; đồng thời vận động nhân dân đóng góp kinh phí, nhân lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trục đường, tuyến đường liên thôn, liên xã giúp cho người dân đi lại thuận tiện, dễ dàng giao thương hàng hóa.

Nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, nhất là những cách làm phù hợp, chương trình xây dựng NTM nói chung, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn nói riêng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tập hợp được sức mạnh đoàn kết, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Nhiều người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực chung tay xây dựng NTM. Giai đoạn 2020 - 2024, cộng đồng dân cư trong tỉnh đã đóng góp hàng trăm nghìn ngày công, hiến đất, góp nguyên vật liệu làm đường giao thông, nhà văn hóa cộng đồng… xây dựng NTM với giá trị quy đổi hàng chục tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 4.000km đường giao thông nông thôn; cơ bản tuyến đường từ xã đến trung tâm huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; đối với đường thôn bản, liên thôn bản cơ bản được bê tông hóa hoặc cứng hóa bảo đảm đi lại thuận tiện quanh năm.

Tuyến đường nông thôn từ bản Bó Mạy, xã Ẳng Nưa đi xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) được mở rộng, kiên cố hóa nhờ có sự đóng góp hàng nghìn mét vuông đất trồng cà phê của người dân.

Tuyến đường nông thôn từ bản Bó Mạy, xã Ẳng Nưa đi xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) được mở rộng, kiên cố hóa nhờ có sự đóng góp hàng nghìn mét vuông đất trồng cà phê của người dân.

Với ý nghĩa đi trước mở đường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đang tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông từng bước đồng bộ, đáp ứng yêu cầu giao thương hàng hóa, nhất là ở vùng cao, biên giới. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa các công trình giao thông, nhất là giao thông nông thôn sau đầu tư, cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân cần tiếp tục cộng đồng trách nhiệm trong bảo vệ, quản lý, có như vậy các công trình mới đảm bảo chất lượng, hiệu quả lâu dài.

Bài, ảnh: Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/nong-thon-moi/tu-y-dang-den-long-dan