Tự ý dựng biển 'Cấm đỗ xe trước cửa nhà': Ai đúng, ai sai?
Nhiều hộ dân tại Hà Nội tự ý đặt biển cấm đỗ xe trước cửa nhà, gây tranh cãi về tính hợp pháp và làm phức tạp thêm vấn đề giao thông đô thị.
"Ma trận" biển cấm đỗ xe
Nhiều hộ dân tại Hà Nội đã tự ý đặt biển cấm dừng, đỗ xe trước cửa nhà, chiếm dụng lòng đường và vỉa hè, ngăn cản các phương tiện khác dừng đỗ.
Vào ngày 19/8, phóng viên ghi nhận các con đường tại khu vực Lưu Hữu Phước (Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị lấn chiếm bởi nhiều phương tiện dừng đỗ, bên cạnh đó là các biển báo cấm dừng, đỗ xe được người dân tự đặt trước cửa nhà.
Những biển báo này đa phần là tự chế, với các thông điệp rõ ràng như: "Nhà có xe ra vào thường xuyên, không đỗ ôtô trước cửa"; "Khu vực công ty, cấm đỗ ôtô"; "Không đỗ xe trước cửa nhà, nếu đỗ sẽ bị khóa bánh"... Đây là cách mà các hộ dân lựa chọn để đối phó với tình trạng lộn xộn trong việc dừng, đỗ xe trên tuyến phố này.
Chị Lê Trang (30 tuổi), một cư dân sống tại khu phố này, bày tỏ sự bức xúc: "Nhiều lần về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, tôi phải loay hoay tìm chỗ để xe vì chỗ trước cửa nhà đã bị xe khác chiếm dụng. Có lần tôi phải đỗ xe cách nhà hàng trăm mét và đi bộ về nhà trong đêm tối, thật sự rất phiền phức. Chúng tôi đã nhiều lần treo biển báo, nhưng tình trạng này không hề giảm. Nhiều người trong khu phố đã phải tự làm các biển cấm lớn hơn, đặt ngay ra lòng đường để ngăn chặn các phương tiện dừng đỗ bừa bãi."
Cũng theo chị Trang, có lần gia đình chị đã gặp phải một cuộc cãi vã căng thẳng khi một tài xế đỗ xe chắn lối vào nhà. Chồng chị yêu cầu tài xế di chuyển, nhưng người này lại khăng khăng rằng đường là của chung và mình có quyền đỗ ở đó. Cuộc tranh cãi kéo dài khiến cả khu phố phải chú ý. Chị Trang nhận xét rằng những tình huống như vậy rất dễ leo thang, gây mất đoàn kết trong cộng đồng, nên các hộ dân buộc phải đặt biển cấm để tránh xung đột. Chị cũng lo ngại rằng nếu tình trạng này tiếp diễn, không chỉ gây phiền toái mà còn có thể dẫn đến những mâu thuẫn nghiêm trọng hơn. Theo chị việc cư dân tự ý đặt biển cấm là điều không ai mong muốn, nhưng đôi khi đó là cách duy nhất để bảo vệ cuộc sống của mình.
Theo Điều 37 của Luật Giao thông đường bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có nhiệm vụ tổ chức giao thông trên các quốc lộ, trong khi Chủ tịch UBND cấp tỉnh phụ trách việc tổ chức giao thông trên hệ thống đường bộ của tỉnh. Khi biển cấm được lắp đặt theo quy định tại Điều 37, người điều khiển phương tiện phải tuân thủ, và việc vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Tuy nhiên, ở những khu vực không có biển cấm dừng, đỗ, hiện không có quy định yêu cầu người lái xe phải xin phép chủ nhà khi dừng hoặc đỗ xe trước cửa nhà người khác. Các điều khoản tại Điều 18 và Điều 19 của Luật Giao thông đường bộ chỉ hướng dẫn về vị trí và điều kiện dừng đỗ xe sao cho an toàn và không gây cản trở giao thông, mà không đề cập đến việc xin phép chủ nhà.
Vì vậy, việc cá nhân hoặc tổ chức tự ý lắp đặt các biển báo giao thông, bao gồm biển cấm dừng, đỗ xe, là trái pháp luật và các biển báo này không có giá trị pháp lý. Thực tế, hành động này đã dẫn đến việc nhiều chủ nhà coi vỉa hè và lòng đường trước nhà như "tài sản riêng," gây cản trở giao thông và ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị.
Cần giải quyết dứt điểm
Những "điểm mù" trong quy định pháp luật hiện hành đã khiến tranh cãi giữa chủ nhà mặt tiền và tài xế đỗ xe trước cửa nhà người khác không có hồi kết. Mỗi bên đều có lý do riêng, nhưng lợi ích của họ đang trực tiếp xung đột mà không thể giải quyết bằng các quy định pháp luật hiện tại. Do đó, việc bổ sung các quy định cụ thể về dừng, đỗ xe trước cửa nhà mặt tiền cùng với chế tài xử lý là rất cần thiết.
Ngoài ra, vấn đề thiếu chỗ đỗ xe cũng cần được giải quyết khẩn trương. Do thiếu bãi đỗ ô tô, nhiều người phải sử dụng lòng đường và vỉa hè, gây ảnh hưởng đến giao thông. Khi quỹ đất trong nội thành để xây dựng bãi đỗ xe ngày càng hạn chế, việc ô tô dừng đỗ trước cửa nhà sẽ còn tiếp tục xảy ra.
Một giải pháp khả thi là tăng cường số lượng điểm đỗ ô tô được cấp phép. Hoặc, có thể xem xét phương án thu phí ô tô vào nội đô và cấm phương tiện này ở một số quận trung tâm. Điều này không chỉ giảm bớt áp lực giao thông mà còn hạn chế các mâu thuẫn phát sinh liên quan đến chỗ đỗ xe.
Theo Thanh Trà/ Diễn đàn doanh nghiệp
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!