Từ ý tưởng trên giảng đường đến giải Nhì cuộc thi 'Bệ phóng khởi nghiệp sinh viên 2024'

GypFoam là một dự án khởi nghiệp đầy tâm huyết của nhóm sinh viên trẻ, trong đó Lê Đức Tâm đóng vai trò trưởng nhóm. Xuất phát từ những trăn trở về vấn đề ô nhiễm môi trường và sự cấp thiết của vật liệu xây dựng bền vững, nhóm đã nghiên cứu và phát triển thành công một loại vật liệu tái chế mới, giúp tận dụng phế thải nông nghiệp và công nghiệp.

Nhờ vào tính ứng dụng cao, GypFoam đã giành giải Nhì cuộc thi "Bệ phóng khởi nghiệp sinh viên 2024" và lọt vào Vòng Chung kết Cuộc thi "Hub Challenge 2024", khẳng định tiềm năng của dự án trong ngành xây dựng.

Ý tưởng xuất phát từ thực tế

Trong những năm gần đây, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó ngành xây dựng là một trong những lĩnh vực cần thay đổi mạnh mẽ để giảm thiểu tác động đến môi trường. Nhận thấy mỗi năm Việt Nam thải ra một lượng lớn phế phẩm nông nghiệp, đặc biệt là rơm rạ sau thu hoạch, nhưng phần lớn bị đốt bỏ, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nhóm nghiên cứu của Đức Tâm đã nghĩ đến việc tận dụng nguồn nguyên liệu này để tạo ra một loại vật liệu xây dựng bền vững.

Lê Đức Tâm - Trưởng nhóm GypFoam.

Lê Đức Tâm - Trưởng nhóm GypFoam.

"Nhóm mình nhận thấy rơm rạ và phế thải công nghiệp có thể trở thành nguyên liệu chính để sản xuất vật liệu mới, vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao", Đức Tâm chia sẻ.

Xuất phát từ môn học về phát triển bền vững cùng những chính sách mới của Việt Nam về vật liệu xây dựng, nhóm nhận thấy nhu cầu cấp thiết của các giải pháp thay thế vật liệu truyền thống.

Hành trình nghiên cứu – Những thử nghiệm không ngừng

Khi bắt tay vào thực hiện dự án, nhóm đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong việc tìm kiếm chuyên gia hướng dẫn và thử nghiệm sản phẩm. Nhóm phải nghiên cứu hàng trăm công thức phối trộn khác nhau để tìm ra tỷ lệ tối ưu giữa rơm rạ, phế thải công nghiệp và các chất kết dính, đảm bảo sản phẩm có độ bền cao và thân thiện với môi trường.

Sau nhiều tháng thử nghiệm với hơn 800 mẫu, nhóm đã thành công tạo ra GypFoam, một sản phẩm có độ bền vượt trội, giá thành thấp và hoàn toàn có thể thay thế các vật liệu truyền thống. Quá trình phát triển này có sự hỗ trợ quan trọng từ các chuyên gia như PGS. TS Nguyễn Vũ Giang tại Viện Kỹ thuật Nhiệt đới – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và PGS. TS Nguyễn Hoàng Long, người giúp nhóm tối ưu hóa quy trình sản xuất.

Điểm khác biệt của GypFoam

So với các vật liệu tái chế hiện có, GypFoam sở hữu nhiều ưu điểm nổi bật:

Độ bền cao: Tuổi thọ sản phẩm lên đến 10 năm, lâu hơn so với các vật liệu thay thế hiện tại (5 - 7 năm).

Giá thành thấp hơn khoảng 40% so với vật liệu truyền thống nhờ tận dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ.

Sử dụng 90% nguyên liệu từ phế thải nông nghiệp và công nghiệp, giúp giảm phát thải CO₂ đáng kể.

Quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, không sử dụng hóa chất độc hại.

Với những ưu điểm này, GypFoam giúp giảm chi phí xây dựng, đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam và các mục tiêu của Liên Hợp Quốc về môi trường.

Từ ý tưởng trên giảng đường đến giải Nhì cuộc thi ‘Bệ phóng khởi nghiệp sinh viên 2024’.

Từ ý tưởng trên giảng đường đến giải Nhì cuộc thi ‘Bệ phóng khởi nghiệp sinh viên 2024’.

GypFoam đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng nhờ vào tính ứng dụng cao. Với giá thành rẻ hơn 40% so với vật liệu truyền thống, sản phẩm này giúp các công trình xây dựng tiết kiệm đáng kể chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp và công nghiệp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mở ra cơ hội hợp tác với các tổ chức và doanh nghiệp đang theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn.

Bước ngoặt từ giải Nhì "Bệ phóng khởi nghiệp sinh viên 2024"

Việc giành giải Nhì cuộc thi "Bệ phóng khởi nghiệp sinh viên 2024" đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với GypFoam. Giải thưởng này giúp nhóm khẳng định tính khả thi của dự án và thu hút sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư.

"Giải thưởng này là một động lực lớn giúp nhóm mình tự tin hơn trên hành trình phát triển sản phẩm. Chúng mình đang tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất để đưa GypFoam ra thị trường", Đức Tâm chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, dự án cũng vinh dự lọt vào Vòng Chung kết cuộc thi "Hub Challenge 2024", mở ra cơ hội tiếp cận với các quỹ đầu tư và đối tác tiềm năng. Nhóm dự kiến sẽ hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để thương mại hóa GypFoam.

Khi được hỏi về những kinh nghiệm dành cho các bạn sinh viên đang ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp, Đức Tâm chia sẻ: "Hãy bắt tay vào làm ngay khi có ý tưởng, đừng chỉ nghĩ mà không hành động. Quan trọng là khảo sát nhu cầu thực tế, kiên trì theo đuổi mục tiêu và sẵn sàng đối mặt với thử thách. Thành công đến với những ai dám hành động và không ngừng cải tiến".

Dương Triều

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tu-y-tuong-tren-giang-duong-den-giai-nhi-cuoc-thi-be-phong-khoi-nghiep-sinh-vien-2024-post1730162.tpo