Tủa Chùa chưa khai thác tốt tiềm năng thủy sản

ĐBP - Huyện Tủa Chùa có 770ha mặt nước có lợi thế nuôi thả thủy sản, tập trung tại các xã thuộc vùng ngập lòng hồ Thủy điện Sơn La gồm: Tủa Thàng, Huổi Só, Sín Chải, Mường Ðun. Sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 124,4 tấn (sản lượng nuôi trồng 79,7 tấn; khai thác đánh bắt đạt 44,7 tấn).

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa kiểm tra chất lượng cá nuôi lồng bè trên lòng hồ thuộc thôn Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng.

Bà Vũ Thị Ngọc Ánh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Phát triển thủy sản trên địa bàn huyện đến nay chưa tương xứng với tiềm năng; sản lượng nuôi thả còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trên địa bàn huyện; việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định. Nguyên nhân chính là do trình độ thâm canh, đầu tư nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của các hộ nuôi thủy sản còn hạn chế, chưa đa dạng các loại thủy sản thả nuôi. Hiện nay, đối tượng nuôi chủ yếu là các giống cá truyền thống như: Trắm, rô phi, lăng đen, trê… với giá thành còn cao so với sản phẩm từ các địa bàn giáp ranh chuyển đến như Quỳnh Nhai, Thuận Châu (tỉnh Sơn La) nên ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm. Ðến nay, xã Tủa Thàng đã thành lập được 1 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp phát triển nuôi thủy sản nhưng chưa mạnh dạn thí điểm nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế.

Nhằm giúp người dân đánh bắt, nuôi thả thủy sản trên vùng lòng hồ thủy điện một cách hiệu quả, đầu năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư, hỗ trợ cho người dân xã Tủa Thàng về giống, thức ăn, nguyên vật liệu làm lồng nuôi cá, với vốn đầu tư 56 triệu đồng/hộ dân. Hiện nay, trên địa bàn xã Tủa Thàng có hơn 130 lồng cá.

Ông Lò Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tủa Thàng cho biết: Phát triển thủy sản trên địa bàn xã tập trung ở 3 thôn: Huổi Trẳng, Phi Giàng 1, 2 và vài hộ của thôn Tả Huổi Tráng. Toàn xã có 34 hộ nuôi cá lồng bè, nhưng với 10ha mặt nước thì chưa khai thác hết được tiềm năng, lợi thế để phát triển thủy sản. Mặc dù được Ngành nông nghiệp đầu tư, hỗ trợ, người dân đã bước đầu nuôi và có thu nhập từ nuôi cá lồng bè, tuy nhiên đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh. Người dân chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quy trình nuôi thả, vẫn tận dụng nhiều nguồn thức ăn tự nhiên. Các giống cá nuôi chưa đa dạng, giá trị thương phẩm thấp. Xã đã thành lập được hợp tác xã nông nghiệp song do mới thành lập nên vốn và năng lực quản lý còn hạn chế. Bên cạnh đó, giao thông đường bộ đến xã còn khó khăn cũng ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế thủy sản gắn với du lịch trên địa bàn. Ðể giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo từ nguồn lợi thủy sản, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân khai thác tiềm năng lợi thế về mặt nước lòng hồ; đồng thời kêu gọi các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ người dân.

Khai thác tiềm năng nuôi thả thủy sản trên địa bàn, thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện Tủa Chùa xác định tiếp tục mở rộng diện tích nuôi cá lồng bè, tăng cường mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản an toàn, bền vững; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thử nghiệm thả nuôi các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Cá quả, cá lăng chấm, ba ba… Huyện sẽ vận dụng các chính sách, các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư con giống, vật tư sản xuất; đa dạng kinh doanh thủy sản tươi sống và các sản phẩm chế biến từ thủy sản kết hợp phát triển du lịch; khuyến khích đưa các sản phẩm thủy sản an toàn của địa phương vào tiêu thụ tại các đơn vị, trường học trên địa bàn. Ðồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, sớm bổ sung một số định mức nuôi thả thủy sản (cá lăng, cá quả, ba ba…) làm cơ sở để huyện triển khai thí điểm các mô hình hỗ trợ phát triển tại địa phương.

Bài, ảnh: Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/183624/tua-chua-chua-khai-thac-tot-tiem-nang-thuy-san