Tua đồng hồ đo km 'né' đăng kiểm có đủ điều kiện để bị xử lý hình sự?

Nếu kiểm định ô tô theo kilomet (km), có ý kiến lo ngại sẽ xuất hiện hành vi gian lận nhằm 'né' đăng kiểm của các chủ phương tiện.

Hiện nay, chu kỳ đăng kiểm được tính theo số tháng hoạt động của phương tiện, xe kinh doanh vận tải có chu kỳ kiểm định ngắn hơn xe gia đình.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT nghiên cứu chu kỳ kiểm định hợp lý đối với xe không kinh doanh vận tải, xe cá nhân và xe kinh doanh. Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý nghiên cứu quy định chu kỳ kiểm định theo số km sử dụng.

Chỉ đạo này nhận được sự đồng tình của đông đảo chủ xe cá nhân. Các chuyên gia cũng nhìn nhận nếu áp dụng được phương pháp này sẽ chính xác hơn so với cách tính chu kỳ theo thời gian như hiện nay.

Không đủ căn cứ để đưa hành vi tua đồng hồ đo km trên xe ô tô vào luật hình sự (Ảnh minh họa: N. Huyền)

Không đủ căn cứ để đưa hành vi tua đồng hồ đo km trên xe ô tô vào luật hình sự (Ảnh minh họa: N. Huyền)

Tuy nhiên có ý kiến lo ngại sẽ xuất hiện hành vi gian lận nhằm "né" đăng kiểm của các chủ phương tiện. Cụ thể chủ xe có thể “tua”, “gẩy” số km trên đồng hồ… thậm chí có thể viện lý do đồng hồ hỏng phải thay.

PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, hiện chưa có chế tài, quy định nào để kiểm soát số km hiển thị trên ô tô.

“Điều này có thể dẫn đến tình trạng gian lận chu kỳ kiểm định thông qua việc điều chỉnh số km. Ngay cả nhà sản xuất ô tô cũng không thể kiểm soát được việc gian lận km xe chạy. Nếu đưa ra đề xuất này cần có chế tài kiểm tra để xác định được chính xác số km xe chạy nhằm hạn chế hoàn toàn việc gian lận trên, từ đó tránh tiêu cực đăng kiểm”, PGS. TS Phúc kiến nghị.

Cũng liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, nếu áp dụng chu kỳ đăng kiểm dựa trên số km thì hành vi tua km cũng phải được quy định trong Luật hình sự mới đủ tính răn đe, ngăn chặn.

Nếu chỉ đưa vào Luật Giao thông đường bộ và phạt hành chính căn cứ theo Nghị định 100 thì không thể ngăn chặn triệt để việc gian lận số km.

Vậy hành vi tua đồng hồ đo km trên ô tô có đủ yếu tố đưa vào bộ luật hình sự hay không?

Về vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, đề xuất xử lý hình sự với hành vi tua đồng hồ đo km không hợp lý.

“Bởi hành vi tua đồng hồ này không thể xác định là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Theo đó, nếu gian lận số km tránh đăng kiểm dẫn đến phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn gây ra tai nạn giao thông chết người thì hành vi này (đã có hậu quả xảy ra) mới có thể bị xử lý hình sự.

Còn đối với hành vi gian lận về mặt kĩ thuật để "né" đăng kiểm nhưng chưa gây ra hậu quả thiệt hại về vật chất, không dẫn đến tai nạn chết người hay thương tích cho người khác thì chưa được xác định là nguy hiểm cho xã hội. Về mặt lý luận thì không thể xử lý hình sự”, Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Luật sư nhấn mạnh thêm, việc hình sự hóa một hành vi hành chính phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng trên cơ sở lý luận về cấu thành tội phạm, đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi trên cơ sở kiến thức khoa học pháp lý, không chỉ là ý tưởng.

“Chu kỳ đăng kiểm dựa trên thời gian là hợp lý. Hiện nay, phương án này cũng đã phân loại phương tiện: xe gia đình và xe kinh doanh vận tải.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, với những phương tiện kinh doanh thì thời gian đăng kiểm có thể rút ngắn khoảng một phần hai hoặc một phần ba so với xe tư nhân thì hợp lý hơn. Tất nhiên điều này vẫn mang tính chất tương đối trên cơ sở tính toán khoa học về mức độ khấu hao theo thời gian, quá trình sử dụng”, Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Hai cách tra cứu phương tiện được tự động giãn chu kỳ kiểm định

Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng các phương án tra cứu cho xe gia đình được tự động giãn chu kỳ kiểm định. Dự kiến sẽ đưa vào triển khai trong tháng 5/2023.

Theo Cục Đăng kiểm, chủ xe sẽ không cần phải đưa phương tiện đi kiểm định lại, không cần làm hồ sơ tại các trạm đăng kiểm mà có thể nhận giấy xác nhận giãn chu kỳ đăng kiểm theo 2 cách: Tra cứu thông tin trên ứng dụng TTDK của Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc Tra cứu trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm.

Sau khi nhập đúng và đầy đủ thông tin, nếu phương tiện được chấp nhận giãn chu kỳ đăng kiểm, trên app sẽ hiển thị thông báo về việc giãn chu kỳ đăng kiểm của phương tiện đó.

Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận và tem kiểm định sẽ được cấp cho người dùng. Chủ phương tiện có thể tải về điện thoại hoặc in ra giấy để sử dụng khi tham gia giao thông.

Giấy chứng nhận này sẽ có mã QR-Code, khi tham gia trên đường, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ quét thông tin qua mã để xác thực thông tin phương tiện.

Theo Cục Đăng kiểm, nếu phương án cho phép tự động giãn chu kỳ kiểm định được Chính phủ thông qua sẽ giúp cho phương tiện ô tô được tự động giãn chu kỳ mà không cần kiểm định lại, các trung tâm đăng kiểm sẽ giải quyết được tình trạng quá tải như hiện nay.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tua-dong-ho-do-km-ne-dang-kiem-co-du-dieu-kien-xu-ly-hinh-su-2142958.html