Tuần dương hạm với 100 triệu động cơ
Đến thời điểm này dân số của Việt Nam đã vượt qua mốc 100 triệu người. 100 triệu người đang thật sự biến đất nước ta thành 'tuần dương hạm' vươn ra biển lớn với 100 triệu 'động cơ'. Khi 100 triệu 'động cơ' này được phát huy và cộng hưởng với nhau, thì đất nước ta chắc chắn sẽ nhanh chóng trở nên hùng cường và phát triển.
Cơ hội to lớn
Tháng 4/2023 vừa qua, dân số của Việt Nam đã vượt qua mốc 100 triệu người. Đây là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với vận mệnh và tương lai của đất nước ta. 100 triệu người không chỉ là một con số, mà còn là một sự khẳng định sức sống vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Nếu năm 1975, khi nước nhà thống nhất, nước ta có khoảng gần 50 triệu người, thì chỉ sau 48 năm con số này đã tăng lên gấp đôi thành 100 triệu người.
“Bất chấp thiên tai, bất chấp dịch bệnh, bất chấp chiến tranh hủy diệt, dân tộc Việt Nam vẫn không ngừng vươn lên và lớn mạnh. Dân số 100 triệu người đang thật sự biến đất nước ta thành "tuần dương hạm" vươn ra biển lớn với 100 triệu "động cơ". Những cơ hội đang mở ra là rất to lớn”
TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Xa hơn nữa, vào năm 1858, khi Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, thì dân số của Pháp là khoảng 35-36 triệu người; dân số Việt Nam là khoảng 10-15 triệu người. Do công tác thống kê thời đó chưa thật phát triển, nên chúng ta chỉ có được những số liệu tương đối chính xác về dân số của Pháp và đặc biệt là của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, thì vào giữa thế kỷ XIX, dân số Pháp đã lớn hơn gấp hai và thậm chí gấp ba lần dân số Việt Nam. Ngày nay, dân số Pháp là khoảng hơn 65 triệu người, và dân số Việt Nam là 100 triệu người. Dân số của Việt Nam đã lớn gần gấp đôi dân số của Pháp. Bất chấp thiên tai, bất chấp dịch bệnh, bất chấp chiến tranh hủy diệt, dân tộc Việt Nam vẫn không ngừng vươn lên và lớn mạnh.
“Mỗi tấm huân chương đều có hai mặt. Tấm huân chương về dân số đạt mức 100 triệu người cũng vậy. Những thách thức đặt ra là không hề nhỏ”
TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Dân số 100 triệu người đang thật sự biến đất nước ta thành "tuần dương hạm" vươn ra biển lớn với 100 triệu "động cơ". Những cơ hội đang mở ra là rất to lớn. Trước hết, đó là một thị trường nội địa đủ sức nâng đỡ kinh tế phát triển. Với dân số lên tới 100 triệu người, thị trường tiêu dùng của Việt Nam mở ra những cơ hội mới cho các ngành công nghiệp. Sự gia tăng về dân số cũng tạo ra sự tăng cầu về hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy sự phát triển của các ngành như thương mại, du lịch, và dịch vụ.
Một thị trường đủ lớn còn có thể giúp chúng ta thúc đẩy sự phát triển kinh tế độc lập và tự chủ dễ dàng hơn. Nếu chỉ phụ thuộc vào thị trường thế giới, chắc chắn chúng ta chỉ có thể phát triển được các ngành nghề mà thế giới cần, và chúng ta có thể giành được thị phần.
Từ một góc nhìn khác, thị trường nội địa lớn còn là một lợi thế để thu hút đầu tư. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp FDI đã và đang đầu tư vào Việt Nam là để khai thác thị trường nội địa.
Thứ hai, 100 triệu dân cung cấp nguồn lao động dồi dào, làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp đang tìm kiếm nguồn nhân lực. Điều này có thể thúc đẩy sự đầu tư nước ngoài và thúc đẩy sự phát triển công nghiệp, đồng thời cung cấp cơ hội việc làm cho người dân.
Thứ ba, dân số đông đúc mang đến sự đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ và tập quán. Điều này làm cho đời sống văn hóa và tinh thần của chúng ta trở nên giàu có hơn, bản sắc của dân tộc ta trở nên hấp dẫn hơn.
Thách thức không nhỏ
Tuy nhiên, mỗi tấm huân chương đều có hai mặt. Tấm huân chương về dân số đạt mức 100 triệu người cũng vậy. Những thách thức đặt ra là không hề nhỏ.
Thách thức đầu tiên là áp lực lên tài nguyên. Dân số lớn thì tạo áp lực lớn lên tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Việc tăng cường sản xuất và tiêu thụ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên và góp phần gây ra sự biến đổi khí hậu.
Thách thức thứ hai là về cơ sở hạ tầng. Với dân số tăng lên, nhu cầu về hạ tầng cơ sở như giao thông, hệ thống y tế, giáo dục cũng tăng lên đáng kể. Việc xây dựng và nâng cấp hạ tầng trở thành một thách thức để đảm bảo người dân có cuộc sống tốt hơn.
Thách thức thứ ba là phải tăng cường năng lực quản lý đô thị. Với dân số gia tăng, các thành phố lớn cần tăng cường quản lý đô thị để đảm bảo môi trường sống và an ninh, trật tự. Quản lý đất đai, đô thị hóa và phát triển bền vững là những vấn đề quan trọng cần được quan tâm giải quyết.
Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức của việc dân số vượt mức 100 triệu người, những phản ứng chính sách kịp thời là rất quan trọng. Trước hết, chúng ta cần ưu tiên đầu tư nhiều hơn nữa cho y tế và giáo dục. 100 triệu dân khỏe mạnh và có năng lực sẽ là nguồn lực to lớn nhất của đất nước. Ngược lại, 100 triệu dân sức khỏe kém, năng lực yếu lại là một gánh nặng.
Phát huy, cộng hưởng để trở nên hùng cường
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI), chúng ta cần đổi mới hơn nữa hệ thống giáo dục của mình. Áp dụng AI để nâng cao chất lượng giáo dục là đòi hỏi cấp bách nhất hiện nay. Giáo dục chất lượng cao giúp nâng cao trình độ dân trí, tạo cơ hội tốt hơn cho việc làm và phát triển cá nhân.
Thứ hai, chúng ta cần thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua đổi mới và sáng tạo để giúp nâng cao năng suất lao động và giá trị gia tăng sản phẩm. Đây cũng là cách để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia nhằm hội nhập tốt hơn với thế giới.
Thứ ba, chúng ta cần tập trung mọi cố gắng để xác lập nền kinh tế xanh. Trước hết là phải ưu tiên cho việc phát triển năng lượng tái tạo. Đây là cách làm hiệu quả hơn cả để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Thứ tư, chúng ta cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thật sự bền vững. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của dân số tăng lên, nhưng cần được thiết kế và xây dựng bền vững để tránh các vấn đề liên quan đến quản lý đô thị và trật tự, an toàn đô thị.
Thứ năm, chúng ta cần tăng cường quản lý môi trường. Việc thiết lập và thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường là cực kỳ quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững trong bối cảnh dân số tăng cao. Cứ nhìn vào những con sông bị ô nhiễm nặng nề của Hà Nội, chúng ta sẽ thấy rất rõ điều này.
Cuối cùng, chúng ta cần tận dụng tốt hơn nữa ưu thế của thời kỳ dân số vàng. Dân số nước ta đạt mức 100 triệu người đúng vào thời điểm dân số vàng. Trong số 100 triệu người dân, thì có đến 51,2 triệu người là đang trong độ tuổi lao động. Đây là những người có thể trực tiếp tạo ra của cải, vật chất và dịch vụ. Phát triển kinh tế để tận dụng tốt nhất nguồn nhân lực này là rất quan trọng để tiến tới thịnh vượng. Muốn vậy phải cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn nữa.
Tiềm lực của "tuần dương hạm" với 100 triệu "động cơ" là vô cùng to lớn. Khi 100 triệu "động cơ" này được phát huy và cộng hưởng với nhau, thì đất nước ta chắc chắn sẽ nhanh chóng trở nên hùng cường và phát triển.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tuan-duong-ham-voi-100-trieu-dong-co-post1564013.tpo