Tuần Giáo giải quyết việc làm cho lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19
ĐBP - Thời gian qua, cùng với giải quyết nhanh, kịp thời, đúng chế độ chính sách, trợ cấp thất nghiệp cho người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Tuần Giáo đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, tăng cường kết nối cung - cầu với các tổ chức, doanh nghiệp, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh tạo việc làm mới, đưa NLĐ trở lại làm việc; góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
NLĐ xã Quài Tở nỗ lực học nghề, tìm kiếm việc làm trong và ngoài huyện. Trong ảnh: Người dân xã Quài Tở tham gia học nghề trồng rừng. Ảnh tư liệu
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến đời sống, hoạt động kinh doanh sản xuất của người lao động và các doanh nghiệp trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh ta nói riêng. Nhất là những lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh trở về địa phương bị mất việc làm, cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Thống kê từ 27/4/2021 đến 15/2/2022 trên địa bàn huyện Tuần Giáo có 4.531 lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, trên 600 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh (chủ yếu ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nội...); 14 lao động đang làm việc tại các cơ cở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn huyện phải tạm hoãn hợp đồng lao động, mất việc làm. Đặc biệt, đa phần NLĐ trở về thường là hộ nghèo, nên thiếu vốn đầu tư sản xuất.
Chị Tòng Thị Thương, bản Ta, xã Quài Tở làm việc tại một công ty thuộc huyện Quế Võ (Bắc Ninh) nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chị Thương chia sẻ: “Làm việc tại công ty mỗi tháng tôi thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng; khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tôi trở về quê làm nông nghiệp, chăn nuôi thu nhập bấp bênh, không ổn định; cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nay để ổn định cuộc sống được tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền xã, sự ủng hộ của gia đình tôi đã trở lại công ty làm việc”.
Chiềng Đông là một trong những xã có số người phải tạm hoãn hợp đồng lao động, mất việc làm nhiều nhất huyện (gần 800 NLĐ). Ông Quàng Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Dịch bệnh đã làm xáo trộn cuộc sống, việc làm của NLĐ trên địa bàn. Bên cạnh thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, UBND xã đã chỉ đạo đoàn thể, chuyên môn phối hợp với thôn, bản tổ chức rà soát, thống kê số lao động; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ NLĐ quay lại làm việc (hiện trên 70% NLĐ đã trở lại làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp...). Đối với NLĐ có nguyện vọng phát triển kinh tế tại địa phương, xã tạo điều kiện để tham gia đào tạo nghề, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, có thu nhập ổn định.
Bà Lường Thị Nhung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tuần Giáo cho biết: Phòng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan giải quyết nhanh, kịp thời, đúng chế độ chính sách, trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi Coivd-19... Ưu tiên NLĐ tham gia học nghề, phát triển mô hình kinh tế tại địa phương; quan tâm tạo điều kiện để NLĐ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ tìm việc làm; tổ chức chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả để ổn định sản xuất. Đặc biệt, để hỗ trợ NLĐ tìm kiếm việc làm, huyện Tuần Giáo tiếp tục thông tin, tuyên truyền, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho NLĐ; đa dạng hóa kênh thông tin, tư vấn (điện thoại, email, internet...) và các buổi tư vấn, tọa đàm, hội thảo trực tiếp với NLĐ trên địa bàn huyện. Chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đồng ý vào địa phương thực hiện công tác tuyển chọn lao động như: Các công ty thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Công ty May Tinh Lợi, SamSung Electronics Việt Nam, Brother Việt Nam... Hiện 95% số lao động bị mất việc làm do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã trở lại làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp. Cùng với đó, huyện tiếp tục phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức các sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm; tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ có nhu cầu vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, ưu tiên thị trường có chi phí xuất cảnh thấp, không đòi hỏi cao về trình độ chuyên môn. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thực hiện mô hình sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 128/NQ-CP Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.