Tuần Giáo phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung
ĐBP - Với tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, những năm qua huyện Tuần Giáo đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung. Nhờ đó, góp phần đa dạng hình thức phát triển kinh tế, tạo sinh kế ổn định, lâu dài cho người dân, nhất là người dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Người dân bản Bó Giáng, xã Quài Nưa chăm sóc đàn vịt.
Xác định phát triển chăn nuôi là yếu tố tiên quyết thúc đẩy kinh tế, vì thế những năm gần đây xã Mường Thín đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, ứng dụng nhiều cách làm hay trong phát triển chăn nuôi. Ông Lò Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Mường Thín chia sẻ: Ðể người dân thay đổi tư duy từ chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống sang tập trung, hình thành trang trại, gia trại, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, xã triển khai một số mô hình thí điểm để phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hình thức nuôi nhốt; tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ngân hàng với chính sách ưu đãi để xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ðể đảm bảo đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, hàng năm xã chỉ đạo cán bộ thú y phối hợp với các bản tổ chức tiêm phòng định kỳ; vận động người dân vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Ðến nay, tốc độ tăng trưởng đàn vật nuôi xã Mường Thín đạt 4%/năm (tổng đàn vật nuôi toàn xã đạt trên 21.000 con); xã có 14 trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung. Phát triển chăn nuôi tập trung góp phần làm thay đổi cuộc sống nhân dân, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 20 triệu đồng/năm; xã đạt 17/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Ông Phạm Hữu Chiến, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Những năm gần đây huyện Tuần Giáo đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền người dân chuyển đổi dần từ phương thức chăn nuôi nông hộ sang phương thức gia trại, trang trại, công nghiệp và bán công nghiệp. Ðặc biệt, cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh thông qua các chương trình, dự án (135/CP, 30a, nông thôn mới...) huyện đã mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển chăn nuôi; chú trọng liên kết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thành mô hình để tiện chăm sóc, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thử nghiệm mô hình các nhóm sở thích chăn nuôi với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ thành viên... Ðến nay, tổng đàn vật nuôi toàn huyện ước đạt 1.040.000 con (trâu: 18.085 con; lợn 48.160 con; gia cầm 976.600 con...).
Hàng năm huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với xã tổ chức tiêm phòng định kỳ từ 2 - 3 lần; vận động người dân vệ sinh chuồng trại đảm bảo an toàn trong chăn nuôi. Hiện Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đang triển khai thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường đợt 1” năm 2021 tại các xã, thị trấn phun được 2/4 lần (tổng diện tích phun 4.060.000m2); xây dựng kế hoạch chuẩn bị vắc xin tiêm phòng vụ xuân hè 2021. Ngoài ra, để giảm công lao động, chủ động nguồn thức ăn cho gia súc khi nuôi nhốt, huyện Tuần Giáo đã quy hoạch bãi chăn thả hợp lý, vận động người dân tận dụng diện tích đất đồi hoang hóa, khô cằn để cải tạo trồng cỏ đảm bảo nguồn thức ăn dồi dào cho đàn gia súc. Toàn huyện hiện có gần 70ha trồng cỏ voi chủ yếu tập trung ở các xã: Pú Nhung, Ta Ma, Phình Sáng, Mường Thín... Trang trại anh Bạc Cầm Tươi, bản Hốc Chứn (xã Mường Thín) đang nuôi gần 20 con bò, gần 10.000 con vịt, gà... Anh Tươi chia sẻ: “Sau khi chuyển đổi từ hình thức thả rông sang chăn nuôi trang trại tập trung khiến nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi ngày càng khan hiếm... Vì thế tôi đã cải tạo trồng hơn 1ha cỏ voi, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi”.
Ðể phấn đấu tăng đàn gia súc 4%/năm, thời gian tới theo ông Phạm Hữu Chiến, huyện Tuần Giáo tiếp tục chú trọng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả chăn nuôi bằng việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi; phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; vận động nhân dân chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang thâm canh trồng cỏ và các cây nguyên liệu thức ăn cho gia súc, gia cầm. Ðồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ vào lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... Từ đó, góp phần đa dạng hóa các mô hình sinh kế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống nhân dân.