Tuần Giáo tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP
Những năm qua, chủ trương phát triển sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy nâng cao giá trị nông sản địa phương. Thực hiện chương trình này, huyện Tuần Giáo đã có 5 sản phẩm được công nhận, hiện đang tiếp tục tư vấn, hướng dẫn thêm các sản phẩm tham gia xét công nhận và nâng hạng OCOP.
Theo kế hoạch Ðề án Mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2019 - 2025, huyện Tuần Giáo phấn đấu có 10 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên. Ðến nay, Tuần Giáo đã có 5 sản phẩm được công nhận 3 sao, gồm: Dưa mèo, táo mèo khô sấy lạnh, giấm táo mèo, thảo quả sấy khô, cà phê Hồng Kỳ HK13. Các sản phẩm đã phát huy giá trị, tạo điều kiện để người dân phát triển nông sản, đưa ra thị trường rộng lớn hơn.
Thực hiện chương trình trong năm 2023, bà Quàng Thị Như Quỳnh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: “Phòng tiếp tục hướng dẫn các xã, nhất là các chủ thể để lựa chọn, chuẩn bị những sản phẩm tiêu biểu có thể đề nghị công nhận đạt từ 3 sao trở lên; tư vấn, tham gia đồng hành cùng các chủ thể hoàn tất hồ sơ, thủ tục để đề nghị xét công nhận hoặc nâng hạng sản phẩm”. Cụ thể, huyện đang hoàn thiện đề nghị công nhận sản phẩm mắc ca sấy, cà phê rang xay và nâng hạng OCOP từ 3 sao lên 4 sao đối với 1 sản phẩm.
Tại cơ sở sản xuất mắc ca Tuần Giáo Thoa Doãn (khối Tân Giang, thị trấn Tuần Giáo), vào mùa thu hoạch đã chế biến hơn 40 tấn quả tươi, hàng năm cung cấp cho thị trường hơn 22 tấn mắc ca sấy đóng hộp. Hiện sản phẩm của cơ sở được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá tích cực và đi đến nhiều tỉnh thành trong nước, nhưng nếu được công nhận sản phẩm OCOP sẽ có thêm cơ hội để mở rộng thị trường. Bởi vậy, cơ sở đang hoàn thiện các tiêu chí, thủ tục theo hướng dẫn, hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để đề nghị xem xét công nhận cho sản phẩm của mình.
Chị Doãn Thị Thoa, chủ cơ sở cho biết: “Tuần Giáo đang phát triển mạnh cây mắc ca. Loại cây này rất thích hợp với địa bàn, cho quả ngon, dinh dưỡng, chất lượng cao nên gia đình tôi đầu tư chế biến quả mắc ca, mong muốn sản phẩm được công nhận, được biết đến nhiều hơn, góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương”. Ðể hiện thực hóa mong muốn đó, cơ sở sản xuất mắc ca Tuần Giáo Thoa Doãn đã đầu tư hệ thống giàn phơi cùng nhiều máy móc, như máy xát vỏ, sấy khô, tách vỏ, dập lon dán nhãn... để đảm bảo chất lượng quả sấy và tạo diện mạo đẹp cho các hộp mắc ca bán ra thị trường. Hướng đến sản phẩm OCOP và nâng cao chất lượng sản phẩm, chị Thoa chia sẻ thêm: “Gia đình tôi đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng nhà xưởng, tách riêng khu thu mua và chế biến”.
Còn đối với Công ty Cổ phần Cà phê Hồng Kỳ Quốc Tế đã có 1 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao là cà phê bột HK13 từ năm 2020. “Hiện Công ty đang đổi mới thiết kế bao bì đẹp mắt, tiện lợi mà vẫn mang đặc trưng riêng, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc để nâng hạng HK13 từ 3 sao lên 4 sao” - ông Nguyễn Anh Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chia sẻ.
Cùng với nâng hạng sản phẩm trên, Công ty tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị 14 loại sản phẩm hiện có (cà phê hạt, bột rang xay, túi lọc...) và hoàn thiện phát triển thêm 2 sản phẩm OCOP là cà phê nguyên hạt cao cấp HK10 và cà phê chuyên cho pha phin HK5. Ông Việt thông tin thêm: “Công ty sẽ mở rộng xưởng thu mua quả tươi và chế biến từ 200m2 hiện tại lên khoảng 5.000m2, phát triển liên kết vùng trồng, đầu tư thêm máy móc hiện đại, cùng với đó định hướng gắn với tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất và vùng trồng”.
Cùng với các sản phẩm và các chủ thể trên, Tuần Giáo xác định mục tiêu phấn đấu hoàn thiện, phát triển thêm nhiều sản phẩm thế mạnh, đặc trưng trên địa bàn huyện, thuộc nhóm thực phẩm tươi sống (bí xanh), thực phẩm chế biến (cider táo mèo, mắc ca), nhóm gia vị (hoa hồi)... UBND huyện cũng phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh giúp đỡ các sáng lập viên thành lập hợp tác xã, hình thành liên kết sản xuất giữa công ty và hợp tác xã, xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng một số tiêu chuẩn sản xuất của đơn vị thu mua. Qua đó tạo điều kiện đảm bảo nguyên liệu và chất lượng cho sản phẩm đã được công nhận OCOP trên địa bàn, nâng cao giá trị nông sản địa phương.