Tuần làm việc 40 giờ, người dân Chile có cuộc sống hạnh phúc hơn?

Với việc quốc hội thông qua dự luật giảm số giờ làm việc trong tuần còn 40 giờ, người dân Chile kỳ vọng về một cuộc sống thư giãn và hạnh phúc hơn.

Công nhân làm việc ở một nhà máy in ở Chile cảm thấy hài lòng khi dự luật về giảm giờ làm việc được thông qua. (Nguồn: The Hindu)

Công nhân làm việc ở một nhà máy in ở Chile cảm thấy hài lòng khi dự luật về giảm giờ làm việc được thông qua. (Nguồn: The Hindu)

Quốc hội Chile hôm 11/4 đã thông qua dự luật giảm số giờ làm việc trong tuần từ 45 xuống 40 giờ trong 5 năm.

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Sau khi giảm số giờ làm việc từ 45 xuống 40, Chile cùng với Ecuador và Venezuela có số giờ làm việc trong tuần ngắn nhất ở Mỹ Latinh. Đây được xem là một chiến thắng lập pháp quan trọng của Tổng thống Gabriel Boric.

Dự luật nhận được sự ủng hộ áp đảo với 127 phiếu thuận và chỉ 14 phiếu chống, được đưa ra vào thời điểm các quốc gia trên thế giới như Anh và Tây Ban Nha đang thử nghiệm giảm thêm số giờ làm việc hàng tuần.

Bộ trưởng Lao động Jeannette Jara cho biết, việc dự luật giảm số giờ lao được thông qua sẽ góp phần to lớn vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.

Tổng thống cánh tả của Chile Gabriel Boric dự kiến ký thành luật trước ngày 1/5.

Đây là lần thứ hai Chile giảm số giờ làm trong tuần. Lần đầu tiên diễn ra vào giữa năm 2005, cắt giảm số giờ làm từ 48 giờ xuống thành 45 giờ.

Tổng thống Boric, người nhậm chức vào năm ngoái, đã đưa ra cam kết thực hiện một chương trình cải cách kinh tế và xã hội đầy tham vọng nhưng đã không thành công như kỳ vọng, trong đó có việc cử tri phản đối thông qua một hiến pháp mới tiến bộ và một dự luật thuế quan trọng.

Bởi thế, việc dự luật giảm giờ làm được thông qua được xem như một chiến thắng của chính quyền tổng thống Boric.

Cô Ana Camayo, thợ làm móng 54 tuổi, làm việc trong một trung tâm thương mại, cho biết "luật này thật tuyệt vời đối với phụ nữ trên 30 tuổi đã có con". Cô cho biết nhờ có luật mới này, cô sẽ có thêm nhiều thời gian cho gia đình.

Vào năm 2017, các nhà lập pháp Chile đã từng khởi động trình quốc hội luật giảm giờ làm nhưng đề xuất bị hoãn trong nhiều năm. Sau hàng trăm cuộc họp giữa người lao động và người sử dụng lao động của các công ty lớn, vừa và nhỏ và chính phủ, dự luật đã được trình lên quốc hội Chile trong năm nay.

Nhà lập pháp đối lập Emilia Schneider cho biết, luật này nhằm cho phép người lao động Chile được "nghỉ ngơi và hạnh phúc hơn".

Sau khi được ông Boric ký, luật sẽ được áp dụng theo ba giai đoạn: Năm đầu tiên, tuần làm việc sẽ giảm xuống còn 44 giờ, năm thứ ba xuống 42 giờ và năm thứ năm xuống 40. Người sử dụng lao động sẽ có quyền lựa chọn cắt giảm giờ làm việc trước thời hạn.

Giờ làm việc dài nhất thế giới

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Mỹ Latinh là khu vực có số giờ làm việc chính thức dài nhất thế giới.

Tuần làm việc ở Argentina, Mexico, Peru và Panama hiện là 48 giờ, và Brazil là 44 giờ.

Trong khi đó, ở Pháp, tuần làm việc là 35 giờ. Người lao động ở nước này thuộc nhóm có năng suất lao động cao nhất trong Liên minh châu Âu và OECD.

Ở Vương quốc Anh và Đức, tuần làm việc thường kéo dài khoảng 40 giờ và giới hạn tối đa là 48 giờ.

Luật mới của Chile sẽ ngăn người sử dụng lao động giảm lương do thay đổi số giờ làm việc, đồng thời cho phép người lao động chuyển sang chế độ làm việc bốn ngày một tuần.

Tuy nhiên, luật này không áp dụng cho hơn 27% lực lượng lao động của khu vực phi chính thức.

(theo DW, the Hindu)

Tường Vy

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tuan-lam-viec-40-gio-nguoi-dan-chile-co-cuoc-song-hanh-phuc-hon-223239.html