Tuần làm việc rút ngắn ngày càng thịnh hành trên thế giới
Trước đại dịch Covid-19, nhiều công ty trên toàn cầu đã thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày, mô hình này đã trở nên thịnh hành khi thế giới chuyển sang làm việc từ xa. Hiện nay, số quốc gia đưa ra các chính sách rút ngắn thời gian làm việc cho người lao động đang được nối dài thêm.
UAE trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng tuần làm việc 4 ngày
Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) thông báo, bắt đầu từ 1.1.2022, tất cả các cơ quan Chính phủ sẽ hoạt động trong 4 ngày rưỡi mỗi tuần, với cuối tuần bắt đầu từ giữa ngày thứ Sáu và kéo dài đến hết Chủ nhật. Cụ thể là, có tuần làm việc cả ngày từ thứ Hai đến thứ Năm (7 giờ 30 phút sáng đến 3 giờ 30 phút chiều) và nửa ngày thứ Sáu (7 giờ 30 phút sáng đến trưa).
Scotland giảm 20% giờ làm việc
Scotland đã đưa ra tuần làm việc 4 ngày trên cơ sở thử nghiệm như đã hứa trong quá trình vận động tranh cử của đảng cầm quyền Quốc gia Scotland (SNP). Người lao động được giảm 20% số giờ làm việc nhưng không bị trừ thu nhập. Được biết, chương trình thử nghiệm này trị giá 13,8 triệu USD. Dựa trên nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách công, Scotland phát hiện ra 80% người được khảo sát tin giảm số ngày làm việc mà không bị trừ lương sẽ có tác động tích cực đến đời sống của họ.
Tây Ban Nha công bố tuần làm việc 32 giờ trong 3 năm
Tương tự như Scotland, Tây Ban Nha cũng công bố thí điểm làm việc 4 ngày trong tuần. Chính phủ nhất trí tuần làm việc 32 giờ trong 3 năm mà không cắt giảm bất kỳ khoản tiền nào của người lao động. Chính sách trên được thực hiện để giảm rủi ro cho người sử dụng lao động và Chính phủ sẽ trả khoản tiền lương chênh lệch cho các công ty. Chương trình thử nghiệm được thực hiện với vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD.
Nhật Bản chấm dứt văn hóa “làm việc quá sức"
Nhật Bản bắt đầu sáng kiến thực hiện một tuần làm việc 4 ngày vào tháng 6.2021. Quyết định này được thúc đẩy vì đất nước mặt trời mọc có văn hóa làm việc hối hả, khiến nhiều người tử vong vì làm việc quá sức khi có rất ít thời gian nghỉ ngơi. Panasonic là công ty Nhật Bản mới nhất phá vỡ văn hóa "nghiện việc" ở nước này và đưa ra chính sách làm việc tuần 4 ngày cho các nhân viên của mình.
Trước đó, Microsoft Nhật Bản từng bắt đầu chương trình “Thử thách lựa chọn công việc - cuộc sống - Hè 2019”, cho phép 2.300 nhân viên cơ hội “lựa chọn nhiều phong cách làm việc linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh công việc và cuộc sống”. Kết thúc chương trình, công ty chứng kiến năng suất lao động tăng thêm 40%.
Iceland: Cân bằng giữa công việc và cuộc sống được cải thiện đáng kể
Trong giai đoạn 2015 - 2019, Iceland thực hiện một nghiên cứu trên 2.500 người lao động làm việc 35 - 36 giờ một tuần mà không bị cắt giảm lương. Dự án thử nghiệm được thực hiện trên nhiều công việc khác nhau, từ trường mầm non, văn phòng, nhà cung cấp dịch vụ xã hội đến bệnh viện, để xem liệu tuần làm việc rút ngắn có dẫn đến năng suất cao và lực lượng lao động cảm thấy hạnh phúc hơn hay không.
Kết quả khả quan của nghiên cứu này (năng suất lao động tăng, người lao động hạnh phúc hơn…) đã thúc đẩy các tổ chức công đoàn yêu cầu giảm giờ làm việc và 86% lực lượng lao động Iceland chọn cách làm việc 4 ngày một tuần.
New Zealand triển khai tuần làm việc 4 ngày kéo dài cả năm
Tháng 5.2020, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đề nghị người sử dụng lao động xem xét thực hiện tuần làm việc 4 ngày và cung cấp các lựa chọn làm việc linh hoạt khác. Trước đó, các nhân viên tại công ty Perpetual Guardian của Barnes đã làm việc 4 ngày một tuần mà không bị trừ lương kể từ năm 2018, sau khi chương trình làm việc thử nghiệm kéo dài 6 tuần cho thấy năng suất đã được cải thiện 20%.
Tháng 12.2020, công ty hàng tiêu dùng đa quốc gia Unilever New Zealand cũng triển khai tuần làm việc 4 ngày mà lương không giảm. Chương trình mang lại kết quả tích cực về năng suất và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Ireland thử nghiệm trong 6 tháng
Một chương trình thí điểm kéo dài 6 tháng để kiểm tra tính hiệu quả của một tuần làm việc 4 ngày mà không bị trừ lương đã được thực hiện trong "Chiến dịch Tuần làm việc 4 ngày" ở Ireland. Chương trình được chính thức khởi động vào tháng 1.2022. Với nhu cầu ngày càng gia tăng đối với tuần làm việc ngắn hơn, quốc gia này hy vọng sẽ có kết quả khả quan.
Theo chương trình mới, các tổ chức sẽ được hỗ trợ, đào tạo và cố vấn về cách thực hiện tuần làm việc 4 ngày. Chính phủ Ireland cũng sẽ tài trợ cho nghiên cứu đánh giá các tác động kinh tế, xã hội và môi trường của chương trình. Được biết, 17 công ty trên toàn quốc đã đăng ký tham gia chương trình.
Mỹ sớm xem xét một tuần làm việc 4 ngày
Mỹ có thể sớm cùng với các quốc gia khác áp dụng một tuần làm việc ngắn hơn dựa trên lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao động. Dự luật tuần làm việc 4 ngày đã được nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Takano trình ra Hạ viện hồi tháng 1.2022.
Tuần làm việc 4 ngày theo tiêu chí của Ấn Độ
Giống như các quốc gia khác, Chính phủ Ấn Độ đang xem xét tuần làm việc ngắn hơn. Tuy nhiên, người lao động phải đáp ứng tiêu chí tối thiểu 48 giờ làm việc mỗi tuần, tương đương 12 giờ/ngày. Ngoài ra, nếu được thực hiện, người lao động sẽ phải đối mặt với việc giảm lương do phải trích lập Quỹ dự phòng cao hơn.
Thụy Điển: Nhiều phản ứng trái chiều
Vào năm 2015, Thụy Điển thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày hưởng nguyên lương, nhưng nhận được nhiều phản hồi trái chiều. Các đảng cánh tả cho rằng dự án sẽ quá tốn kém để thực hiện trên quy mô lớn. Tuy nhiên, một số công ty vẫn thực hiện giảm giờ làm cho người lao động.