Tuần làm việc thứ 3 tại Nhà Trắng đầy biến động của ông Trump

Trong tuần thứ ba tại nhiệm kỳ mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục thể hiện phong cách điều hành đặc trưng của mình thông qua hàng loạt sắc lệnh hành pháp và những tuyên bố gây tranh cãi.

Dù mới nhậm chức được vỏn vẹn 20 ngày, Tổng thống Trump đã ký tổng cộng 92 sắc lệnh hành pháp, bao gồm việc ân xá cho những người tham gia bạo loạn ngày 6/1/2021, rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và cho phép TikTok tiếp tục hoạt động.

Đặc biệt, ông Trump thường tranh thủ ký những sắc lệnh hành pháp ở mọi nơi, từ trong Phòng Bầu dục đến trên chuyên cơ Không lực Một. Thậm chí, ông Trump thỉnh thoảng còn sử dụng một chiếc bàn nhỏ đặc biệt, từng được ông sử dụng trong buổi tuần hành sau lễ nhậm chức tổng thống tại Nhà thi đấu Capitol One, để thuận tiện cho việc ký kết.

Dù mới nhậm chức được vỏn vẹn 20 ngày, Tổng thống Trump đã ký tổng cộng 92 sắc lệnh hành pháp. Ảnh: BBC

Dù mới nhậm chức được vỏn vẹn 20 ngày, Tổng thống Trump đã ký tổng cộng 92 sắc lệnh hành pháp. Ảnh: BBC

Thực tế, đây chỉ là một phần trong hàng loạt phát biểu và những động thái khiến thế giới “dậy sóng” của ông Trump khi thời gian làm việc của vị tổng thống này tại Nhà Trắng vừa trải qua tuần thứ 3.

Đề xuất gây sốc về số phận Dải Gaza

Một trong những động thái gây chú ý nhất của Tổng thống Trump những tuần qua là kế hoạch liên quan đến tương lai của Dải Gaza (Palestine). Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 4/2, nhà lãnh đạo 78 tuổi đề xuất Mỹ sẽ "tiếp quản" và "tái thiết" Gaza sau khi xung đột kết thúc. Với ý định biến khu vực này thành "Riviera của Trung Đông", Tổng thống Trump khẳng định đây sẽ là một trong những dự án phát triển "vĩ đại và ngoạn mục nhất" thế giới.

Trong quá trình tái thiết, khoảng 2,1 triệu cư dân tại Dải Gaza sẽ tạm thời được di tản sang các nước lân cận như Ai Cập hay Jordan. Dù giới chức Washington sau đó giải thích rằng bất kỳ sự di dời nào cũng chỉ mang tính tạm thời, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch này. Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia đều bác bỏ ý tưởng tái định cư người Palestine ở Gaza, khi nhấn mạnh bất kỳ hành động đẩy người dân ra khỏi quê hương của họ đều vi phạm luật quốc tế và có thể gây thêm bất ổn trong khu vực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ngày 4/2. Ảnh: X/Thủ tướng Israel

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ngày 4/2. Ảnh: X/Thủ tướng Israel

Liên Hợp Quốc và nhiều nước phương Tây cũng bày tỏ quan ngại về ý tưởng của Tổng thống Trump. Theo kênh BBC, Nhiều nhà phê bình chính trị, nhân quyền, và một số thành viên đảng Dân Chủ xem kế hoạch này là một sự vi phạm rõ ràng đối với quyền con người và có thể làm xói mòn uy tín của Mỹ trên thế giới.

Thuế quan được nới lỏng

Trên mặt trận thương mại, Tổng thống Trump đã có những bước đi thận trọng hơn. Ông tạm hoãn kế hoạch áp thuế 25% đối với Canada và Mexico sau khi lãnh đạo hai nước này cam kết tăng cường an ninh biên giới. song vẫn áp thuế 10% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Một số chuyên gia cảnh báo động thái này có thể làm trầm trọng thêm lạm phát. Tuy nhiên, các cố vấn của ông Trump tại Nhà Trắng cho rằng việc áp thuế không phải là khởi đầu của một cuộc chiến thương mại, và những biện pháp này chỉ nhằm thúc ép các quốc gia nhanh chóng giải quyết vấn đề buôn lậu ma túy. Đối với trường hợp Canada và Mexico, điều này còn bao gồm cả vấn đề người nhập cư bất hợp pháp.

Tổng thống Trump tạm hoãn kế hoạch áp thuế 25% đối với Canada và Mexico sau khi lãnh đạo hai nước này cam kết tăng cường an ninh biên giới. Ảnh: FreightWaves/Jim Allen

Tổng thống Trump tạm hoãn kế hoạch áp thuế 25% đối với Canada và Mexico sau khi lãnh đạo hai nước này cam kết tăng cường an ninh biên giới. Ảnh: FreightWaves/Jim Allen

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump khẳng định ông muốn khắc phục sự mất cân bằng thương mại trong khuôn khổ đàm phán với Canada, Mexico và Trung Quốc. Trong một bài đăng trên trang mạng xã hội X, ông Trump giải thích thuế quan chỉ hướng đến việc đàm phán nhằm mang lại một “thỏa thuận kinh tế cuối cùng”.

Elon Musk tiếp tục “khuynh đảo” Washington

Một diễn biến đáng chú ý khác là vai trò ngày càng tăng của tỷ phú Elon Musk trong chính quyền Tổng thống Trump. Thông qua Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), ông Musk và các cộng sự đã can thiệp sâu và xáo trộn hoạt động của nhiều cơ quan liên bang. Có thể kể đến việc việc sa thải hàng loạt nhân viên của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), kiểm toán chi tiêu tại Bộ Quốc phòng cùng với một số cơ quan lớn khác như Bộ giáo dục.

Tình hình trở nên căng thẳng khi DOGE được cấp quyền truy cập tạm thời vào hệ thống thanh toán của Bộ Tài chính Mỹ, bộ phận đóng vai trò then chốt trong việc quản lý hàng nghìn tỷ USD cho các khoản chi trả quan trọng của chính phủ Washington, bao gồm hoàn thuế, phúc lợi an sinh xã hội, thanh toán cho người khuyết tật và lương của nhân viên liên bang.

Vụ việc làm dấy lên những lo ngại về tính minh bạch, dẫn đến động thái kiện tụng DOGE từ Tổng chưởng lý bang New York Letitia James cùng 18 tổng chưởng lý tiểu bang khác. Ngày 8/2, Thẩm phán Paul Engelmayer của tòa án Quận Nam New York phải nhanh chóng can thiệp, chặn quyền truy cập của DOGE vào hệ thống thanh toán của Bộ Tài chính Mỹ, đồng thời lên lịch điều trần vào ngày 14/2 tới.

Người biểu tình phản đối sự can thiệp của Elon Musk vào nhiều bộ phận khác nhau của chính phủ Mỹ. Ảnh: EPA

Người biểu tình phản đối sự can thiệp của Elon Musk vào nhiều bộ phận khác nhau của chính phủ Mỹ. Ảnh: EPA

Nhà Trắng và Tổng thống Donald Trump đều gay gắt chỉ trích phán quyết trên, trong khi tỷ phú Elon Musk lập luận việc triển khai truy cập vào hệ thống thanh toán của Bộ Tài chính Mỹ là hợp pháp bởi nó được thực hiện bởi các nhân viên chính phủ kỳ cựu, không phải nhân viên DOGE.

Những sắc lệnh gây chấn động khác

Tổng thống Donald Trump đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm chấm dứt sự tham gia của Mỹ vào một số tổ chức của Liên Hợp Quốc. Ngày 4/2, ông ký sắc lệnh hành pháp rút Mỹ khỏi UNRWA - cơ quan chính của Liên Hợp Quốc phụ trách làm việc và cứu trợ với người tị nạn Palestine, mà Israel đã nhiều lần chỉ trích. Sắc lệnh cũng tuyên bố Mỹ sẽ không tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) và tiến hành xem xét lại tư cách thành viên của Mỹ tại UNESCO trong vòng 90 ngày.

Tiếp đó, Tổng thống Trump ký thêm sắc lệnh nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số nhân viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Các biện pháp này bao gồm hạn chế tài chính và thị thực đối với cá nhân và gia đình của các nhân viên này nếu họ hỗ trợ các cuộc điều tra của ICC liên quan đến công dân Mỹ hoặc đồng minh.

Đến ngày 5/2, Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp cấm các vận động viên chuyển giới tham gia các hạng mục thể thao dành cho nữ ở cả cấp độ trung học, đại học và đội tuyển quốc gia. Ông còn khẳng định sắc lệnh này sẽ áp dụng cho Thế vận hội 2028 tại Los Angeles (Mỹ), và sẽ từ chối cấp thị thực cho bất kỳ vận động viên Olympic chuyển giới nào muốn đến Mỹ thi đấu.

Ngoài ra, ông Trump còn ký sắc lệnh "bảo vệ quyền tự do tôn giáo của người Mỹ và chấm dứt việc chính phủ “vũ trang hóa” các hành vi bài Cơ đốc giáo". Tân Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Pam Bondi được giao nhiệm vụ lãnh đạo một lực lượng đặc nhiệm nhằm loại bỏ những yếu tố bị xem là "định kiến chống lại Cơ đốc giáo" trong chính phủ liên bang.

Tổng thống Trump trong buổi ký sắc lệnh cấm các vận động viên chuyển giới tham gia các hạng mục thể thao dành cho nữ. Ảnh: Nhà Trắng

Tổng thống Trump trong buổi ký sắc lệnh cấm các vận động viên chuyển giới tham gia các hạng mục thể thao dành cho nữ. Ảnh: Nhà Trắng

Cách tiếp cận táo bạo của ông Trump tuần qua đã tạo ra nhiều phản ứng trái chiều. Trong khi những người ủng hộ xem đây là dấu hiệu của sự thay đổi mạnh mẽ trong chính phủ, những người chỉ trích lo ngại về tính hợp pháp và tác động của nhiều quyết định được tổng thống Mỹ tự ý đưa ra.

Song điều chắc chắn là những tuần đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai đã cho thấy Tổng thống Trump vẫn giữ nguyên phong cách lãnh đạo của mình. Những quyết định mạnh mẽ, những phát ngôn đầy màu sắc và những chính sách gây tranh cãi của ông tiếp tục định hình nên một giai đoạn mới của chính trường Mỹ.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tuan-lam-viec-thu-3-tai-nha-trang-day-bien-dong-cua-ong-trump.html