'Tuần lịch sử' của bà Kamala Harris

Nền chính trị Mỹ vừa trải qua tuần với những thay đổi nhanh chóng, mang tính lịch sử. Trong đó, Phó tổng thống Kamala Harris là nhân vật chính.

 Bà Kamala Harris giờ đây là niềm hy vọng của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ảnh: New York Times.

Bà Kamala Harris giờ đây là niềm hy vọng của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ảnh: New York Times.

Chỉ một tuần về trước, bà Harris vẫn đóng “vai phụ” trong nền chính trị Mỹ. Giờ đây, bà đang đứng trước cơ hội trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cường quốc số một thế giới.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ngừng chiến dịch tranh cử hôm 21/7, bà Harris dần nắm ngọn cờ dẫn đầu phe Dân chủ trong cuộc đối đầu với cựu Tổng thống Donald Trump và phe Cộng hòa. Chỉ trong vòng vài ngày, bà đã có đủ sự ủng hộ cần thiết để gần như chắc chắn trở thành ứng viên của đảng trong lá phiếu bầu tổng thống của người Mỹ tháng 11 tới.

Từ bên lề tới trung tâm

Khi tuyên bố rời bỏ cuộc đua, ông Biden cũng dành sự ủng hộ cho bà Harris. “Tôi sẽ dõi theo cô. Tôi yêu mến cô”, ông Biden gọi điện cho bà Harris hôm 22/7, theo Guardian.

Sau ông Biden, các nhân vật có tiếng nói của đảng Dân chủ lần lượt lên tiếng ủng hộ bà Harris - từ vợ chồng cựu Tổng thống Barack Obama, cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, tất cả 23 thống đốc Dân chủ, cũng như các nghị sĩ Quốc hội.

“Chúng ta không chơi đùa”, bà Harris nói với những người ủng hộ tại bang Indiana hôm 24/7. “Khi chúng ta tập hợp lại, núi phải dời. Khi chúng ta chung tay, đất nước sẽ thay đổi. Khi chúng ta bỏ phiếu, chúng ta làm nên lịch sử”.

Ngay sau hôm 21/7, đội ngũ của bà Harris cũng nhanh chóng thiết lập lịch trình di chuyển mới cho vị phó tổng thống, giúp bà đi khắp nước Mỹ để thuyết phục cử tri.

Hôm 22/7, từ Wilmington, bang Delaware, bà Harris thừa nhận tình hình đã thay đổi “chóng mặt” chỉ trong vòng 24 giờ.

Hôm 23/7, tại Milwaukee, bang Wisconsin - một trong những bang “chiến địa” - bà vận động tranh cử với thông điệp: Nước Mỹ sẽ không quay trở lại với sự “hỗn loạn” dưới thời Trump.

Một ngày sau đó, tại Indianapolis, bang Indiana, bà tuyên bố: “Chúng ta đang phải đối mặt với lựa chọn giữa hai tầm nhìn khác biệt cho đất nước của chúng ta: Một hướng tới tương lai, còn một thì nhìn về quá khứ”.

Tới hôm 25/7, bà nói với các giáo viên tại Houston, bang Texas: “Trong tầm nhìn của chúng tôi, tôi thấy một nơi mà mọi người không chỉ có cơ hội sống, mà còn có cơ hội vươn lên”.

Cũng trong ngày 25/7, bà Harris có cuộc gặp đầu tiên với một nhà lãnh đạo nước ngoài - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - với tư cách ứng viên tổng thống, thay vì chỉ là phó tổng thống. Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp, bà Harris tỏ ra mạnh mẽ hơn ông Biden khi tuyên bố bà sẽ “không bao giờ im lặng” trước những nỗi đau mà dân thường Gaza phải gánh chịu.

“Israel có quyền tự vệ, nhưng chúng ta không thể ngó lơ những bi kịch đó. Chúng ta không được cho phép mình câm lặng trước những đau khổ”, bà nói.

 Bà Harris vận động tại Indianapolis hoom24/7. Ảnh: WHAS11 News.

Bà Harris vận động tại Indianapolis hoom24/7. Ảnh: WHAS11 News.

Sẵn sàng cho cuộc đấu

Những nỗ lực của đội ngũ hỗ trợ bà Harris không chỉ ở những hoạt động mang tính “bề nổi”, mà còn diễn ra ở trong hậu trường.

Ngay sau khi ông Biden rút lui, bà Harris đã lập kỷ lục khi thu hút tới 81 triệu USD tiền quyên góp chỉ trong 24 giờ. Tính đến hôm 28/7, chiến dịch của bà đã có được trên 200 triệu USD, theo Bloomberg.

Bà Harris đã tận dụng sự nhiệt thành của các cử tri trẻ - điều mà ông Biden hay ông Trump không thể có được. Trong video đầu tiên của chiến dịch được đăng tải trên mạng xã hội, đội ngũ của bà Harris sử dụng nhạc nền là bài Freedom của Beyoncé. Đây được coi là bài hát không chính thức của cả chiến dịch với thông điệp phản bác tầm nhìn “hỗn loạn, sợ hãi và thù ghét” của ông Trump với nước Mỹ, theo phe Dân chủ.

Thông điệp này dường như đã được hưởng ứng. Hàng loạt tổ chức của giới trẻ đã lên tiếng ủng hộ bà Harris.

Đối mặt với đối thủ mới, phe Cộng hòa đang dần hình thành các kịch bản công kích bà Harris. Trong một cuộc vận động tại Charlotte, bang Bắc Carolina hôm 24/7, ông Trump dùng nhiều từ ngữ nặng nề để công kích bà Harris, bao gồm cáo buộc bà là “phó tổng thống kém cỏi và cực tả nhất trong lịch sử nước Mỹ”.

Thậm chí, theo Guardian, một số người ủng hộ phe Cộng hòa còn sử dụng những lời lẽ phân biệt chủng tộc nhằm vào bà Harris - người có dòng máu da đen và gốc Á - coi bà chỉ là ứng viên được lựa chọn để đảm bảo tính đa dạng sắc tộc. Các chuyên gia cảnh báo bà sẽ còn tiếp tục bị tấn công khi cuộc bầu cử ngày càng đến gần.

Ở chiều ngược lại, phe Dân chủ cũng tăng cường chỉ trích ông Trump về các vấn đề pháp lý mà cựu tổng thống Mỹ phải đối mặt, cũng như chế giễu bài diễn văn công kích bà Harris của ông Trump.

Giờ đây, khi cuộc bầu cử tổng thống chỉ còn cách khoảng 100 ngày, giới quan sát đang theo dõi liệu bà Haris có thể giữ sự hào hứng và đà tăng tốc ban đầu hay không. Về phần mình, phe Dân chủ vẫn tin là bà có thể.

“Chiến dịch lần này sẽ có kết quả sát nút và khó khăn, nhưng Phó tổng thống Harris nắm thế mạnh và sẽ giành chiến thắng”, bà Jen O’Malley Dillon, lãnh đạo đội ngũ tranh cử của bà Harris, viết trong một bản ghi nhớ gửi tới các phóng viên Mỹ, theo Hill.

Cuộc gọi quan trọng từ ông Obama và phu nhân tới bà Harris Cựu Tổng thống Barack Obama và phu nhân đã liên lạc với Phó tổng thống Kamala Harris để bày tỏ sự ủng hộ với bà trong cuộc đua trở thành ứng viên đại diện đảng Dân chủ.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://znews.vn/tuan-lich-su-cua-ba-kamala-harris-post1488798.html