Tuần này mua cổ phiếu gì (13 - 17/5)?
Tuần giao dịch vừa qua (từ ngày 6 đến 10/5/2024) có thể nói là một trong những thời gian khởi sắc nhất của dòng cổ phiếu dầu khí, bên cạnh dệt may, thủy sản. Bước sang tuần giao dịch mới (từ 13 đến 17/5) nhà đầu tư nên 'săn' cổ phiếu nào?
Cổ đông dầu khí, dệt may, thủy sản “mát lòng mát dạ"
Trước tuần giao dịch từ ngày 6 đến 10/5/2024, nhiều chuyên gia cũng như nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý “phòng thủ". Họ cho rằng hai tuần hồi phục liên tiếp (chỉ số VNIndex tăng gần 4%) chỉ là cú “hồi kỹ thuật”. Một số chuyên gia nhận định trong tuần giao dịch tiếp theo chỉ số VNIndex rất có thể sẽ rơi xuống test lại vùng 117x. Tuy nhiên, thực tế diễn biến thị trường trái ngược với những dự đoán trên.
Chỉ số VNIndex bất ngờ bật mạnh tăng hơn 20 điểm ngay phiên đầu tuần với khối lượng lớn. Nhiều nhà đầu tư nhận định đây là phiên “bùng nổ theo đà" - xác nhận thị trường bắt đầu vào trend tăng. VNIndex tiếp tục giữ được sắc “xanh" hai ngày liên tiếp, trước khi chỉ điều chỉnh nhẹ vào ngày thứ 5 và cuối tuần. Tổng kết lại, tuần qua chỉ số VNIndex đã tích lũy thêm 23.67 điểm, đạt mức 1244.70 điểm trước sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư.
Đặc biệt, tuần giao dịch vừa qua chứng kiến sự “bùng nổ" của nhiều dòng, nhiều cổ phiếu riêng lẻ. Trong đó nổi bật là các dòng Dầu khí, Thủy sản và Dệt may.
Với cú huých từ việc Petrovietnam công bố 2 phát hiện dầu khí mới là mỏ Rồng và mỏ Bunga Aster, nhóm “cổ dầu" gồm: PVS, PVB, PVD và PVT đều có một tuần giao dịch khởi sắc.
Cổ phiếu PVS của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí tăng đến 4,5 điểm (hơn 11%), Cổ phiếu PVB (Bọc ống dầu khí) “bùng nổ" khi tăng đến 23%; cổ phiếu PVT của PVTrans bật mạnh với hơn 17%. Còn cổ phiếu PVD (Khoan và dịch vụ khoan) tăng nhẹ gần 8%. Ngoài ra, hai cổ phiếu thuộc nhóm phân bón (cũng thuộc Petrovietnam) là DCM và DPM có mức tăng lần lượt là 8% và 5%.
Cũng trong tuần, hai nhóm cổ phiếu “lình xình" từ đầu năm là thủy sản, dệt may cũng bất ngờ “bốc đầu" trước thông tin Hoa Kỳ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Thị giá cổ phiếu VHC của công ty Vĩnh Hoàn có lúc đã vọt lên 82 ngàn đồng/cp, tương đương với mức tăng gần 10%, trước khi chốt tuần tại 77 ngàn đồng/cp.
Tương tự, cổ phiếu FMC (Thực phẩm Sao Ta) cũng có lúc bật mạnh lên 10%, sau đó điều chỉnh về mức tăng gần 7% sau một tuần giao dịch. Cổ phiếu ASM của tập đoàn Sao Mai tích lũy gần 6%.
Mạnh không kém là dòng cổ phiếu dệt may với cổ phiếu VGT (Tập đoàn Dệt may Việt nam) tăng đột biến 27,5% trong tuần. Cổ phiếu TNG (Đầu tư và thương mại TNG) tăng gần 11% và MSH (Công ty May sông Hồng) cũng tăng hơn 10%.
Trong khi đó, hầu hết các dòng cổ phiếu thường xuyên hút tiền như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép… lại đi ngang hoặc điều chỉnh nhẹ. Chỉ có một số cổ phiếu riêng lẻ, có câu chuyện riêng như TPB, MSB (thuộc dòng bank) có mức tăng nhẹ; dòng bất động sản có PDR, DIG tăng từ 3-6%, cá biệt có TCH tăng 14%. Dòng chứng khoán có CTS tăng hơn 14%, HCM tăng 7%, BSI tăng gần 9%. Dòng thép có HPG tăng hơn 6%; VGS tăng 16% và cổ phiếu SMC tăng hơn 8% là nổi bật hơn cả.
Chiến lược tuần mới
Theo ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu - Chuyên gia chiến lược đầu tư, Trung tâm phân tích và Tư vấn đầu tư của Chứng khoán SSI, sau nhiều phiên giảm điểm rất mạnh từ ngày 15 đến 19/4/2024 chỉ số VNIndex có lúc nhúng xuống mức thấp nhất 1165 điểm thì ba tuần liên tiếp sau đó VNIndex đã hồi phục “hình chữ V" lên mức 125x, nghĩa là tăng đến hơn 90 điểm. Lý giải điều này, chuyên gia cho rằng thời gian qua tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều DN đã hồi phục tốt. Bên cạnh đó nhiều cổ phiếu Blue-chip đã thay nhau làm trụ đỡ, gánh cả thị trường. Điển hình như các mã VIC, MSN, MWG, VNM, SAB, VJC…
Mặc dù vậy xét về thanh khoản thì khối lượng giao dịch trong các phiên tăng lại thấp hơn đáng kể các phiên giảm. Điều này cho thấy dòng tiền lớn dường như vẫn đứng ngoài cuộc, và quá trình tăng chưa bền vững. “Do vậy nhà đầu tư ngắn hạn vẫn nên quan sát, chưa vội giải ngân. Nhà đầu tư trung, dài hạn có thể canh những nhịp điều chỉnh của thị trường về đến vùng 122x có thể mua gia tăng" - chuyên gia này khuyến nghị.
Theo TS Quách Mạnh Hào, Giảng viên đại học Lincoln, Vương quốc Anh, trong tuần tới các “chứng sỹ" nên quan tâm đến những biến số sau. Đầu tiên là nền kinh tế Việt Nam mặc dù vẫn yếu, song khó có thể yếu hơn; kỳ vọng đặt vào hai mảng lớn là xuất khẩu và đầu tư công. Bên cạnh đó lạm phát vẫn có xu hướng tăng. Mặt khác xu hướng giảm lãi suất dường như đã bị “chặn đứng" - khi mà nhiều ngân hàng đang rục rịch tăng lãi suất. Ngoài ra, sức ép tỷ giá từ ngắn hạn đang chuyển sang dài hạn cũng là một biến số cần được quan tâm. Các yếu tố trên có thể khiến cho VNIndex dao động trên vùng cao, do vẫn còn nhiều động lực như chính sách tiền tệ lỏng, tài khóa mở rộng, thanh khoản được bảo đảm…
Ông Nguyễn Tuấn Anh, CEO của FinPeace đặt ra một số kịch bản. Một là ngay đầu tuần VNIndex có thể được kéo “phô" lên vùng 127x-128x trước khi điều chỉnh. Nhà đầu tư ngắn hạn nên tranh thủ chốt lời. Hai là chỉ số VNIndex tiếp tục sideway đi ngang, trước khi có một phiên “break" để xác định xu hướng rõ ràng. Ba là thị trường sẽ rơi về vùng 122x, khi đó nhiều khả năng sẽ có lực cầu “bắt đáy" giữ cho VNIndex không bị giảm sâu.
Còn theo ông Hoàng Tuấn, chuyên gia tư vấn chứng khoán thì trong tuần tiếp theo nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao có thể canh mua gom một số cổ phiếu mạnh thuộc dòng Ngân hàng (như TCB, ACB), BĐS khu công nghiệp (như GVR, PHR…)
Trong tháng Công ty Chứng khoán SSI khuyến nghị nhà đầu tư có thể mở mua, nắm giữ các mã cổ phiếu PVS, PVT, IDC, MSN và ACV.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tuan-nay-mua-co-phieu-gi-13-175-711016.html