Tuần 'thăng hoa' của MSN giúp tài sản Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang tăng lên 1,1 tỷ USD
Phiên giao dịch thăng hoa cuối tuần qua có sự trợ lực chính từ MSN. Cổ phiếu MSN tăng giá liên tục trong cả tuần, nâng giá trị vốn hóa thị trường của Masan lên gần 80.000 tỷ đồng.
Tuần giao dịch sôi động trên cả ba sàn
Chỉ số chứng khoán chung trên cả ba sàn đều tăng điểm trong tuần giữa tháng 10 (5/10-9/10), đặc biệt thanh khoản trên hai sàn niêm yết ở mức cao. VN-Index và HNX-Index có 3/5 phiên tăng điểm và tăng lần lượt 1,55% và 1,5%.
Giá trị giao dịch trên sàn HoSE tuần qua bình quân đạt 7.776 tỷ đồng/phiên, cao hơn 3,7% so với tuần tăng vọt về thanh khoản liền trước.
Trên sàn HNX, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong tuần cũng xấp xỉ 1.100 tỷ đồng, tăng 17,4% so với tuần trước. Thanh khoản trên sàn UPCoM vẫn thấp nhất trong ba sàn. Tuy nhiên, chỉ số này tăng tới gần 2,7% trong tuần, đặc biệt nhờ đà tăng của VIB - cổ phiếu đã chuẩn bị hủy giao dịch chuyển sang sàn HoSE.
Khối ngoại bán ròng tuần thứ hai liên tiếp nhưng giá trị bán ròng đã thu hẹp đáng kể. Trên toàn thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài đã chi 3.998 tỷ đồng để mua vào 153,6 triệu cổ phiếu, trong khi bán ra 171,8 triệu cổ phiếu, thu về4.716 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán đạt 718 tỷ đồng, giảm hơn 60% so với quy mô bán ròng tuần trước (1.854 tỷ đồng).
Cổ phiếu nhà Masan tăng giá mạnh
Nhóm cổ phiếu nhà Masan giao dịch nổi bật tuần qua và là những yếu tố thúc đẩy chính của VN-Index và UPCoM-Index.
Ở cả phiên giao dịch thứ 6 và cả tuần này, cổ phiếu MSN đều là cổ phiếu nâng đỡ nhiều nhất cho VN Index. Giá đóng cửa cổ phiếu ở mức 68.100 đồng/cổ phiếu, tăng 6,6% trong ngày và 25,87% trong tuần.
Cổ phiếu VCF của CTCP VinaCafé Biên Hòa - một công ty do đơn vị thành viên của Masan sở hữu 98,49% vốn cũng có tới ba phiên tăng trần, kéo giá cổ phiếu tăng 20,5% sau một tuần. Diễn biến trên xảy ra ngay sau phương án tạm ứng cổ tức năm 2020 với tỷ lệ lên tới 250% bằng tiền mặt được HĐQT công ty thông qua. Cổ đông sở hữu mỗi cổ phần VCF (đang giao dịch với giá 255.300 đồng/cổ phiếu) sẽ nhận được 25.000 đồng cổ tức. Số tiền chảy về Masan từ hoạt động chia cổ tức này lên tới 654,45 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu VCF do các nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ hiện chỉ còn khoảng hơn 320.000 cổ phiếu. Công ty TNHH MTV Masan Beverage từng lên kế hoạch nắm trọn 100% vốn của công ty nhưng vẫn chưa mua được hết.
Các cổ phiếu tác động mạnh nhất lên chỉ số VN-Index tuần qua
Trên sàn UPCoM, cổ phiếu của Masan MeatLife (MML) và Hàng tiêu dùng Masan (MCH) tăng lần lượt 5,4% và 3,6%, đều nằm trong top 3 cổ phiếu giúp chỉ số tăng điểm.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan nắm giữ cổ phần lớn tại Masan, Techcombank và Hàng tiêu dùng Masan. Dù cổ phiếu TCB giảm 4,65% trong tuần qua, giá trị tài sản của ông Quang vẫn tăng trong tuần này. Theo cập nhật mới nhất của tạp chí Forbes vào ngày 10/10, giá trị khối tài sản của ông là 1,1 tỷ USD, tăng 10% so với thời điểm đầu năm và tiếp tục đứng thứ 1.717 trong danh sách các tỷ phú toàn cầu.
Chuyện lính mới chào sàn chưa hết “sức nóng”
Trong tuần qua, sàn chứng khoán Việt Nam đón thêm một tân binh ngành ngân hàng chào sàn UPCoM là Ngân hàng TMCP Nam Á với mã NAB. NAB cũng được kỳ vọng sẽ nổ phát súng đầu tiên trong sóng chào sàn cổ phiếu ngân hàng từ nay đến cuối năm, gồm cả các ngân hàng chuyển sàn hay niêm yết/ đăng ký giao dịch mới. Ngay tuần tới, SaigonBank cũng sẽ lên sàn UPCoM với mã SGB. Mới đây nhất, ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) đã nộp hồ sơ niêm yết trên sàn HoSE.
Lãnh đạo OCB từng cho biết ngân hàng đã sẵn sàng cho việc niêm yết sau khi bán vốn thành công cho đối tác chiến lược là ngân hàng Aozora Bank từ Nhật Bản nhưng còn chờ thời điểm thích hợp. Ở thời điểm hiện tại, dòng tiền dồi dào đang giúp thị trường chứng khoán hồi phục và sôi động trở lại. Không chỉ tăng tính thanh khoản, các cổ phiếu mới tham gia vào thị trường đều nhận được phản ứng khá tích cực từ các nhà đầu tư. Như trường hợp của NAB, giá cổ phiếu này đã tăng 18,5% lên mức 16.000 đồng/cp với 2,93 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng trong phiên giao dịch đầu tiên.
Một số doanh nghiệp tiếp tục chốt quyền trả cổ tức cao tuần tới
Ở thời điểm hiện tại, đã có khá nhiều doanh nghiệp đã chi trả cổ tức năm 2019, thậm chí một số doanh nghiệp bắt đầu tạm ứng cổ tức năm nay. Dù vậy, vẫn còn một số doanh nghiệp chốt quyền nhận cổ tức năm trước ở tuần này.
CTCP Địa ốc Sài Gòn (mã SGR) trả cổ tức năm 2019 bằng tiền và cổ phiếu. Trong đó, tỷ lệ chi trả bằng tiền là 10,24%. Tỷ lệ thực hiện khi chi trả cổ tức bằng cổ phiếu là 1:0,3175255. Mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 102.400 đồng cổ tức và 31,75 cổ phiếu mới. Ngày đăng ký cuối cùng là 15/10. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/10.
Cùng ngày, Chứng khoán Bảo Việt cũng sẽ chốt quyền nhận cổ tức vào ngày 15/10. Công ty chứng khoán này sẽ chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền với tỷ lệ 10%. Ngày thanh toán dự kiến là 19/11/2020.
CTCP Bê tông Hòa Cầm – INTIMEX (mã HCC) trả cổ tức năm 2019 bằng tiền với tỷ lệ 19%. Danh sách cổ đông sẽ được chốt vào ngày 16/10. Cổ tức chi trả ngay vào ngày 30/10.