Tuân thủ các quy định pháp luật trong chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm

Xác định kiểm dịch động vật và kiểm soát giết mổ là biện pháp tích cực nhằm ngăn ngừa mầm bệnh phát tán, đảm bảo môi sinh, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian qua Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và các quy định trong công tác phòng dịch bệnh rộng rãi đến các hộ chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, chế biến kinh doanh để các hộ chủ động trong công tác phòng ngừa.

Nhân viên chăn nuôi - thú y kiểm tra nguồn gốc gia súc nhập vào trước khi cho nhập lò giết mổ. (Ảnh chụp tại lò giết mổ gia súc ở Ấp 6, xã Thới Bình, huyện Thới Bình)

Nhân viên chăn nuôi - thú y kiểm tra nguồn gốc gia súc nhập vào trước khi cho nhập lò giết mổ. (Ảnh chụp tại lò giết mổ gia súc ở Ấp 6, xã Thới Bình, huyện Thới Bình)

Ông Đoàn Đình Toàn, Trưởng phòng Quản lý giết mổ, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh, cho biết: “Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, việc đảm bảo an toàn trong chăn nuôi phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điều 56 Luật Chăn nuôi 2018, cụ thể: chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người; định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phần lớn là giết mổ nhỏ lẻ, phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điều 69 Luật Thú y 2015, cụ thể: địa điểm phải tách biệt với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; trang thiết bị, dụng cụ phù hợp để giết mổ, không gây độc hại, ô nhiễm cho sản phẩm động vật; có đủ nước bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y phục vụ cho việc giết mổ động vật; có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; người trực tiếp tham gia giết mổ động vật phải tuân thủ quy định về sức khỏe và thực hiện các quy trình vệ sinh trong quá trình giết mổ. Tuy nhiên, do phần lớn là cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư còn hạn chế, hình thức giết mổ chủ yếu là thủ công nên việc thực hiện các quy định về an toàn trong giết mổ chưa tốt”.

Sau khi giết mổ, nhân viên chăn nuôi - thú y sẽ kiểm tra và đóng mộc vệ sinh an toàn thực phẩm rồi mới cho xuất đi. (Ảnh chụp tại lò giết mổ gia súc ở Ấp 6, xã Thới Bình, huyện Thới Bình)

Sau khi giết mổ, nhân viên chăn nuôi - thú y sẽ kiểm tra và đóng mộc vệ sinh an toàn thực phẩm rồi mới cho xuất đi. (Ảnh chụp tại lò giết mổ gia súc ở Ấp 6, xã Thới Bình, huyện Thới Bình)

Huyện Thới Bình có 11 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được cấp phép hoạt động. Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn củng cố, kiện toàn chỉ đạo quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, địa chỉ các cơ sở giết mổ đến người dân được biết, tránh mua phải thịt từ động vật chết hoặc mắc bệnh. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền vận động các cơ sở hoạt động kinh doanh, buôn bá, giết mổ… nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt quy trình giết mổ, sơ chế để đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm

Đều đặn khoảng 2 giờ sáng, lò giết mổ gia súc của ông Quách Văn An, Ấp 6, xã Thới Bình, huyện Thới Bình luôn đỏ lửa để chuẩn bị cho công tác giết mổ. Ông Quách Văn An, chủ cơ sở giết mổ, cho biết: “Chúng tôi luôn nhắc nhở anh em thực hiện nghiêm hướng dẫn của cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện. Khi nhập heo cũng được cán bộ của trạm xuống kiểm tra đầu vào. Trước khi thực hiện giết mổ phải phun thuốc sát trùng, vệ sinh chuồng, vệ sinh chỗ giết mổ. Sau khi hoàn thành xong quy trình giết mổ, anh em dọn dẹp, rác thải được cho vào bao ni lông mang đến bãi tập kết rác thải, còn khu vực giết mổ được dọn dẹp kỹ lưỡng trước khi ra về, không để dịch bệnh xâm nhập vào khu giết mổ”.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thới Bình, cho biết: “Quy trình giết mổ được chung tôi kiểm tra nghiêm ngặt. Tầm 16-17 giờ hằng ngày, heo nhập về lò giết mổ được các anh em đến đến kiểm tra nguồn gốc, tình trạng sức khỏe heo, 2 giờ sáng thì xuống tận lò kiểm soát quy trình giết mổ. Heo đạt thì sẽ đóng mộc đảm bảo an toàn thực phẩm rồi mới cho chuyển đi”.

Thịt gia súc, gia cầm là thực phẩm thông dụng được dùng trong bữa ăn hằng ngày của người dân. Toàn huyện có hơn 9.200 con gia súc, 135 ngàn gia cầm. Ngoài việc kiểm soát khâu giết mổ an toàn, huyện Thới Bình còn đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho người dân cách chăn nuôi gia cầm sạch”.

Hộ chị Nguyễn Lệ Hoa, ấp 10, xã Thới Bình, huyện Thới Bình có kinh nghiệm chăn nuôi vịt xiêm thương phẩm hơn một năm qua. Bằng kinh nghiệm thực tiễn cùng với sự hướng dẫn của cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, chị đã thành công xuất chuồng với nhiều đàn vịt chất lượng, an toàn.

Chị Hoa chia sẻ: “Khâu quan trọng đầu tiên khi nuôi vịt là chọn con giống chất lượng, an toàn. Mua con giống về mình trộn thuốc ủ ấm và chong đèn cho vịt tầm 15 ngày. Trước khi thả đàn vịt nuôi ra chuồng thì xử lý men vi sinh rải trên chuồng để đảm bảo chuồng an toàn. Sau 25 ngày bắt đầu trộn cám, thức ăn với trấu cho đàn vịt nuôi. Nếu trời mưa thì trộn thêm men tiêu hóa đảm bảo kháng thể tốt cho vịt. Hình thức nuôi là nối đuôi, mỗi lần sang chuồng là trộn men vi sinh với trấu rãi sơ qua chuồng. Nuôi thêm tầm 20 ngày nữa là xuất chuồng. Tiếp tục rãi men vi sinh và trấu để phân hủy phân và làm sạch chuồng nuôi trước khi cho đàn mới vào”.

Đàn vật nuôi của chị Hoa được nuôi theo hướng thực phẩm sạch, có quy trình vệ sinh chuồng trại và đảm bảo gia cầm sạch khi xuất chuồng.

Đàn vật nuôi của chị Hoa được nuôi theo hướng thực phẩm sạch, có quy trình vệ sinh chuồng trại và đảm bảo gia cầm sạch khi xuất chuồng.

Để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, hằng tháng Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh thành lập 1 đoàn thanh tra chuyên ngành, cùng với Đội kiểm tra liên ngành 2419 (do UBND tỉnh thành lập) tổ chức thanh tra, kiểm tra trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Đinh Hiếu Nghĩa, Phó Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết: “Thực phẩm an toàn (an thực phẩm sạch) từ lâu đã là mối quan tâm chung của các cơ quan quản lý Nhà nước và quần chúng nhân dân. Bởi việc sử dụng thực phẩm không an toàn (thực phẩm bẩn) là mối quy cơ lớn đến sức khỏe con người. Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra 19/47 cơ sở giết mổ trong tỉnh kiểm tra khâu lưu thông 22 cuộc với 42 lượt phương tiện. Qua thanh tra đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 10 vụ vi phạm, xử phạt, thu nộp ngân sách nhà nước với số tiền trên 41 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu được quy định tại các Nghị định số 90/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y; Nghị định số 04/2020 của Chính phủ sử đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 90; Nghị định số 14/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi và Nghị định số 07/2022 của Chính phủ có sửa đổi bổ sung một số điều về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y.

Cụ thể như hành vi bơm nước cưỡng bức vào cơ thể động vật trên cạn (heo) trước khi giết mổ, quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ) và hình thức phạt bổ sung đình chỉ hoạt động của cơ sở 2 tháng; hay xử phạt vi phạm hành chính về bảo vê môi trường đối với các lò giết mổ quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường của cơ sở trong thời gian 4,5 tháng.

Kim Cương - Lê Tuấn

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tuan-thu-cac-quy-dinh-phap-luat-trong-chan-nuoi-giet-mo-gia-suc-gia-cam-a34172.html