Tuân thủ truyền dữ liệu giám sát hành trình
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa cho biết, trong quý 1-2021, cả nước có hơn 600.000 phương tiện 'quên' truyền dữ liệu giám sát hành trình (GSHT) về cơ quan quản lý theo quy định. Trong đó, các địa phương có số lượng phương tiện vi phạm lớn là: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Đắk Nông, Hà Nam, Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Tiền Giang…
Trong thời gian qua, cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Nhiều xe gặp nạn đã không lắp đặt thiết bị GSHT, hoặc có lắp nhưng thiết bị không hoạt động.
Điển hình là vụ tai nạn giữa xe khách với xe tải vào ngày 16-3 trên đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận xã Hưng Thi, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình khiến 3 người tử vong. Chiếc xe khách trong vụ tai nạn này không có dữ liệu GSHT, gây khó khăn cho cơ quan điều tra xác định nguyên nhân tai nạn. Rất nhiều vụ việc tương tự cho thấy sự coi thường pháp luật của các chủ xe và các doanh nghiệp vận tải khi cố tình vi phạm, cùng với đó có sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan chức năng.
Theo Tổng cục ĐBVN, quy định các phương tiện kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị GSHT và truyền dữ liệu về cơ quan quản lý trực tiếp là Sở GTVT, Tổng cục ĐBVN đã có hiệu lực từ năm 2013. Thông qua các dữ liệu được gửi về, cơ quan quản lý đã phát hiện, chấn chỉnh, xử phạt nhiều hành vi vi phạm: chạy quá tốc độ, thời gian làm việc của tài xế…
Do vậy, tình trạng vẫn còn một số lượng lớn phương tiện cố tình trốn tránh truyền dữ liệu từ thiết bị GSHT về cơ quan quản lý là thách thức lớn đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm đầu tiên là của đơn vị vận tải, sau đó là sở GTVT các địa phương.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người điều khiển phương tiện có gắn thiết bị GSHT nhưng thiết bị không hoạt động hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.
Các cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải không thực hiện các quy định về thiết bị GSHT có thể bị phạt từ 5 - 12 triệu đồng. Bên cạnh đó, các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm còn có thể phải chịu các hình thức bổ sung như tước giấy phép kinh doanh nếu tái phạm nhiều lần.
Mới đây, Tổng cục ĐBVN đã ban hành kế hoạch cao điểm kiểm tra, theo dõi, chấn chỉnh và xử lý vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị GSHT. Kế hoạch được thực hiện từ ngày 15-4 đến 15-7. Đây là thời điểm nêu cao trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ. Nếu không làm đến nơi đến chốn, một chủ trương đúng đắn, đã được đầu tư rất lớn cả từ phía doanh nghiệp và Nhà nước sẽ bị lãng phí.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tuan-thu-truyen-du-lieu-giam-sat-hanh-trinh-724041.html