Tuân thủ UNCLOS 1982 là đương nhiên với các nước thành viên và cả Trung Quốc
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định việc tuân thủ UNCLOS 1982 là điều đương nhiên với các nước thành viên của UNCLOS 1982.
Chiều 12/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp báo về kết quả Hội nghị BTNG ASEAN 53 và các Hội nghị liên quan.
Trả lời câu hỏi về phóng viên đề nghị cho biết Trung Quốc đã đồng ý tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 ở Biển Đông hay chưa, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết:
"Vấn đề Biển Đông là vấn đề quan tâm chung và luôn là vấn đề được quan tâm tại các hội nghị ASEAN bởi Biển Đông là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất trên thế giới, liên quan tới lợi ích của các nước ngoài khu vực và trong khu vực. Tại bất cứ hội nghị nào ở ASEAN, vấn đề Biển Đông cũng được nêu ra trên tinh thần xây dựng Biển Đông là một vùng biển hòa bình, ổn định và tự do hàng hải dưới biển cũng như trên vùng trời, cũng như kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982".
Theo Phó Thủ tướng, các nước trong tuyên bố của mình tại hội nghị đều khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
"Các nước đều là thành viên của UNCLOS 1982, trong đó có cả Trung Quốc, Việt Nam và các nước ASEAN. Việc tuân thủ UNCLOS 1982 là điều đương nhiên với các nước thành viên của UNCLOS 1982", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Biển Đông trở thành vấn đề nóng được thảo luận tại AMM 53 và chuỗi các hội nghị liên quan. Vấn đề này cũng được đưa vào tuyên bố chung AMM 53.
Trong tuyên bố, các Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đồng thời công nhận những lợi ích của việc Biển Đông là một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, các bộ trưởng ASEAN kêu gọi kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, đồng thời tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp theo khuôn khổ luật quốc tế, trong đó có Công ước luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS).
"Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Chúng tôi hoan nghênh sự tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc để xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông nhằm kiểm soát căng thẳng tại khu vực này.
Chúng tôi hoan nghênh việc tiếp tục cải thiện mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, và được khích lệ bởi những bước tiến trong các cuộc đàm phán thực chất nhằm sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất trong khung thời gian đã được hai bên nhất trí", tuyên bố nêu rõ.