Tức giận vì hành động gây hấn ở biên giới, Ấn Độ phản công Trung Quốc toàn diện
Sau khi bùng nổ vụ xung đột đẫm máu ở biên giới, Ấn Độ đã phát động các biện pháp đối phó toàn diện với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực.
Ấn Độ phản công Trung Quốc toàn diện
Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 6/7, sau vụ xung đột ở Thung lũng Galwan tối 15/6, Ấn Độ đã phát động cuộc phản công toàn diện đối với Trung Quốc bằng các biện pháp như tăng quân dọc biên giới, tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và cấm các ứng dụng di động của Trung Quốc... Thông tin mới nhất cho thấy Ấn Độ cũng sẽ từ chối tham gia tất cả các hiệp định thương mại quốc tế do Trung Quốc là bên chủ đạo.
Trang web tin tức Ấn Độ The Print ngày 5/7 dẫn lời các nguồn tin cấp cao chính phủ cho biết, Ấn Độ đã quyết định không xem xét tham gia bất kỳ hiệp định thương mại nào do Trung Quốc khởi xướng và chủ đạo, trong đó bao gồm cả "Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực" (Regional Comprehensive Economic Partnership, RCEP).
Một cửa hàng đồ điện ở Ấn Độ dán thông báo không bán các sản phẩm của Trung Quốc (Ảnh: AP).
Một quan chức Ấn Độ giấu tên khác giải thích rằng bối cảnh của quyết định này là cuộc đối đầu tại Thung lũng Galwan biên giới Trung-Ấn dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ vào ngày 15/6. Vì vậy, “ngay cả khi một số điều kiện có lợi về mặt chính trị đối với Ấn Độ, chính phủ cũng sẽ không tiếp tục xem xét tham gia RCEP nữa”.
Hội nghị trực tuyến cấp bộ trưởng RCEP được tổ chức vào tháng 6 và các bên đã xác nhận những nỗ lực của họ để ký một hiệp định trong năm nay. Một bản tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp tuyên bố rằng "Tin rằng sự tham gia của Ấn Độ sẽ góp phần vào sự phát triển và thịnh vượng của khu vực" và các bên dự hội nghị đạt được nhất trí về phương châm tiếp tục phấn đấu để đưa Ấn Độ trở lại cuộc đàm phán.
RCEP là một hiệp định thương mại khu vực với sự tham gia của 15 quốc gia bao gồm các nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Ấn Độ ban đầu cũng tham gia vào các cuộc đàm phán RCEP nhưng sau đó rút khỏi các cuộc đàm phán vào tháng 11/2019 do một số vấn đề bất đồng chưa được giải quyết.
Truyền thông Ấn Độ đưa tin Ấn Độ không xem xét tham gia RCEP nữa (Ảnh: The Print).
Sau khi cuộc xung đột đẫm máu nổ ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực biên giới Ladakh vào tháng 6, Ấn Độ đã liên tiếp thực hiện các biện pháp đối phó với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Ví dụ, hải quan trì hoãn thông quan hàng hóa Trung Quốc tại các cảng khẩu, tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, chặn 59 ứng dụng của Trung Quốc, cấm các công ty Trung Quốc tham gia vào các dự án xây dựng đường bộ và hạn chế nhập khẩu các thiết bị điện mặt trời của Trung Quốc.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã tăng thêm một số lượng lớn binh sĩ đến bố trí ở biên giới Trung-Ấn để gây áp lực lên Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự. Một quan chức cấp cao của quân đội Ấn Độ hôm 5/7 nói với Hindustan Times: “Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc đối đầu dài ngày với Trung Quốc”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến Ladakh vào ngày 3/7 để kiểm tra quân đội ở địa phương, tìm hiểu tình hình an ninh ở biên giới. Tại đây, ông có những phát biểu cứng rắn phê phán chủ nghĩa bành trướng và truyền đi thông điệp Ấn Độ quyết không nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền. Hindustan Times ngày 3/7 nói, ông Modi đã truyền một thông điệp rõ ràng tới các chỉ huy ở khu vực biên giới với Trung Quốc rằng họ không nên chủ động leo thang tình hình nhưng phải đánh trả “tất cả mọi hành vi xâm lược".
Phản ứng trước chuyến thị sát biên giới bất ngờ của ông Modi, tại cuộc họp báo chiều 3/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: “Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang tiến hành đối thoại về việc giảm nhiệt tình hình biên giới thông qua các kênh quân sự và ngoại giao. Trong tình hình đó, bất cứ bên nào cũng không nên có hành động gì có thể làm phức tạp tình hình ở biên giới”.
Thủ tướng Modi thị sát biên giới và phát biểu phê phán Chủ nghĩa bành trướng tại Ladakh (Ảnh: Reuters).
Quyết tâm chống lại hành động của Trung Quốc ở biên giới
Trong khi đó, cũng theo Đa Chiều, những hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy PLA đang xây dựng một căn cứ hỗ trợ trực thăng gần nơi xảy ra đối đầu Trung-Ấn. Truyền thông Ấn Độ nói điều này cho thấy tham vọng dài hạn của Trung Quốc trong khu vực.
Theo truyền thông Ấn Độ "Times Now News" ngày 5/7, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ đang tổ chức các cuộc đàm phán quân sự và ngoại giao để giải quyết tình hình ở biên giới, PLA đã đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng gần khu vực đối đầu trên Tuyến kiểm soát biên giới thực tế (LAC).
Được biết, hình ảnh vệ tinh của Planet Labs và phân tích của chuyên gia Sim Tack cho thấy PLA đang xây dựng một căn cứ hỗ trợ trực thăng gần khu vực đối đầu. Cơ quan tình báo mạng nguồn mở (OSINT) nơi công bố những bức ảnh vệ tinh này cho biết, căn cứ trực thăng của PLA có khả năng hỗ trợ cuộc đối đầu Ấn Độ - Trung Quốc hiện tại. Căn cứ mới đang được xây dựng chỉ cách hồ Bangong 155 km và hình dáng cơ bản giống với một sân bay trực thăng mới. Việc xây dựng các sân bay trực thăng này đang được tiến hành ở các huyện Rutog và Pishan ở phía Bắc Ngari, Tây Tạng.
Lính Trung Quốc tuyên thệ ở ven hồ Pangong nơi xảy ra tình trạng đối đầu gay gắt giữa hai bên Trung - Ấn (Ảnh: Đa Chiều).
Nhà phân tích quân sự Ấn Độ Sim Tack cho biết việc xây dựng các cơ sở hạ tầng của PLA để hỗ trợ các hoạt động của máy bay trực thăng cho thấy dã tâm lâu dài của Trung Quốc trong khu vực và khả năng hậu cần của họ để hỗ trợ việc triển khai lớn trên địa hình phức tạp.
Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức vòng đàm phán cấp quân đoàn lần thứ ba kéo dài hơn 12 giờ vào ngày 30/6. Truyền thông Trung Quốc và Ấn Độ dẫn lời các nguồn tin nói rằng Trung Quốc và Ấn Độ đã nhất trí đồng ý tổ chức “thoát ly tiếp xúc” các đơn vị ở tiền tuyến theo đợt, nhưng tình hình căng thẳng ở biên giới Trung-Ấn vẫn chưa hề dịu bớt.
Hai ngày sau khi bất ngờ đến thăm Ladakh trên chiến tuyến của cuộc đối đầu Trung-Ấn, vào ngày 5/7, Thủ tướng Modi đã đến gặp Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind, Tổng chỉ huy lực lượng vũ trang Ấn Độ.
Báo Ấn Độ Deccan Chronicle ngày 5/7 nói, khi cuộc đối đầu Trung-Ấn ở Ladakh đã bước vào tháng thứ ba, cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Modi với Tổng thống Kovind có ý nghĩa rất lớn, bởi ông Kovind là Chỉ huy cao nhất của Hải, Lục và Không quân Ấn Độ.
Các nguồn tin tiết lộ rằng Modi đã thông báo với Tổng thống về chuyến thăm Ladakh, tình hình dọc theo đường kiểm soát thực tế và tình hình các cuộc đàm phán giữa các nhà ngoại giao và quân sự Trung - Ấn Độ để giải quyết cuộc đối đầu và giảm bớt căng thẳng.
Thủ tướng Modi thực hiện nghi thức tưởng niệm những binh sĩ hy sinh trong vụ xung đột ngày 15/6 (Ảnh: Reuters).
Ngoài ra, Modi cũng thông báo cho Tổng thống Ấn Độ về việc "liên tục vi phạm thỏa thuận ngừng bắn" của quân đội Pakistan trên Tuyến kiểm soát thực tế và biên giới không có tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.
Thủ tướng Modi cũng thông báo cho Tổng thống về các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở các khu vực khác, bao gồm Biển Đông, Biển Hoa Đông và Eo biển Đài Loan. Ông cũng nói với Tổng thống rằng Ấn Độ sẽ tiếp tục các liên hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Australia và Pháp, cũng như các quốc gia thân thiện cùng chí hướng khác ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Theo India Today ngày 5/7, chuyên gia về vấn đề chiến lược Brahma Chellaney nói, chuyến thăm của Modi tới Ladakh, tiền tuyến của cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ nhấn mạnh quyết tâm của Ấn Độ đẩy lùi "sự xâm lược" của Trung Quốc, và gửi đi một thông điệp rõ ràng đến các nước láng giềng bằng cách đề cập đến "chủ nghĩa bành trướng".