Tục gửi con - sợi dây gắn kết nghĩa tình

Từ xa xưa, người Tày ở Cao Bằng đã có nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng. Trong đó, tục gửi con thể hiện nét tinh tế của đồng bào trong quan hệ ứng xử cộng đồng, mang những ý nghĩa nhân văn, giáo dục sâu sắc.

Theo quan niệm người Tày, khi đứa trẻ được sinh ra thường hay ốm yếu, quấy khóc, khó nuôi thì gia đình sẽ mang đi gửi con cho gia đình khác nhận nuôi. Sau khi gửi con, dù được coi là cho người khác làm con nuôi, nhưng thực ra đứa trẻ vẫn ăn ở, sinh sống tại nhà bố mẹ đẻ. Tục lệ này đã có từ lâu đời, thể hiện tính tương thân tương ái giữa con người với con người.

Để gửi con, gia đình đứa trẻ mang theo gạo, tiền đến nhà thầy Tào. Trước là để xem mệnh con mình hợp “ăn cơm” với họ nhà nào, rồi chọn ngày lành tháng tốt để nhận bố mẹ nuôi. Sau khi xem xong, gia đình sẽ tới thưa chuyện với người được nhận làm bố mẹ nuôi. Khi nhận được sự đồng ý, hai gia đình cùng thống nhất tổ chức lễ nhận con nuôi. Bố mẹ đứa trẻ tin rằng sau khi gửi con thì đứa con sẽ được khỏe mạnh, tránh được mọi tai ương và dễ nuôi hơn…

Chị Nông Thị Sỏi, xóm Hợp Nhất, xã Lý Quốc (Hạ Lang) cho biết: Trước đây, lúc mới sinh, con tôi hay quấy khóc, ốm yếu và khó nuôi nên tôi đã nhờ thầy chọn ngày lành tháng tốt để con tôi nhận ông Nông Văn Thuận cùng xóm làm bố nuôi. Sau khi nhận bố nuôi, con tôi không còn quấy khóc nhiều nữa, cũng trở nên ngoan ngoãn, khỏe mạnh và dễ nuôi hơn.

Bữa cơm nhận con nuôi của người Tày.

Bữa cơm nhận con nuôi của người Tày.

Người Tày có thể nhận người trong làng hoặc khác làng làm bố mẹ nuôi. Trong lễ nhận con nuôi sẽ có sự chứng kiến của anh em, họ hàng thân thiết gia đình hai bên. Đến ngày đã định, gia đình mang theo đứa trẻ đến nhà bố mẹ nuôi. Lễ vật mang theo thường là một con gà giò hoặc gà thiến, gà luộc, xôi, rượu, gạo tẻ, gạo nếp, bánh kẹo, hoa quả... Lễ mang theo phải đầy đủ với ý nghĩa gia đình gửi gắm con mình cho bố mẹ nuôi, sau này đứa trẻ sẽ trở thành con cái trong nhà, sẽ ăn cơm dòng họ này, khó khăn, hoạn nạn cùng nhau sẻ chia. Tại nhà người nhận nuôi, sẽ diễn ra một lễ cúng. Gia đình cha mẹ nuôi cũng sẽ mổ lợn hoặc gà để mừng gia đình có thêm thành viên mới. Ngoài ra, cha mẹ nuôi sẽ có một món quà cho đứa con nuôi, thường là một chiếc áo với ý nghĩa sau này đứa trẻ sẽ trở thành con cái trong nhà, vui buồn có nhau. Đây cũng là một niềm vinh dự cho gia đình khi có một đứa con nuôi.

Sau khi đã kết nghĩa là bố con hoặc mẹ con, người bố hoặc mẹ nuôi phải có nghĩa vụ dạy bảo đứa trẻ như bố mẹ đẻ, trong các ngày lễ quan trọng như gọi vía, lễ cưới sau này của đứa trẻ đều phải tham gia. Đối với đứa trẻ đi nhận bố mẹ nuôi, vào ngày tết, đứa trẻ có trách nhiệm đi tái cha mẹ nuôi, các lễ vật mang theo phải đầy đủ gà, bánh chưng, chân giò, bánh khảo, rượu... Vào các dịp quan trọng của gia đình nhận nuôi như vào nhà mới, cưới hỏi, ma chay thì người con nuôi cũng phải tham gia. Mối quan hệ này cũng như trách nhiệm của đứa con với cha mẹ nuôi sẽ được duy trì đến cuối đời.

Trải qua bao thời gian, đến nay “tục gửi con” của người Tày vẫn được lưu truyền và giữ vẹn nguyên ý nghĩa. Đây là một phong tục tốt đẹp, là sợi dây gắn kết nghĩa tình giữa con người với con người cần được bảo tồn và phát triển.

Linh Nhi

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tuc-gui-con-soi-day-gan-ket-nghia-tinh-3170233.html