Túi xách 2.900 USD làm lộ bê bối của hãng xa xỉ
Dior đang vướng vào bê bối bóc lột sức lao động tại các nhà máy gia công ở Italy. Chiếc túi xách của hãng có giá bán lẻ gần 2.900 USD chỉ tốn 60 USD chi phí sản xuất.
Cuộc điều tra gần đây của Cơ quan Bảo vệ Lao động Milan (Italy) Carabinieri đã phanh phui sự thật gây sốc về chi phí sản xuất của những chiếc túi xách Dior sang trọng.
Theo Milano Today, trung bình mỗi chiếc túi xách Dior được bán với giá 2.600 EUR (khoảng 2.900 USD) nhưng chi phí sản xuất chỉ khoảng 53 EUR (khoảng 60 USD). Tòa án ở Milan (Italy) đã phán quyết Dior SRL, nhà sản xuất túi xách của Dior Italy, lợi dụng lao động nhập cư trái phép từ Trung Quốc và Philippines để sản xuất túi với chi phí rẻ mạt, sau đó gắn mác "Made in Italy", Bloomberg đưa tin.
Carabinieri đã tiến hành điều tra từ tháng 3, tập trung vào các hoạt động sản xuất, đóng gói và thương mại hóa các sản phẩm thời trang cao cấp. Qua đó, cơ quan đã kiểm tra cả các nhà cung cấp được ủy quyền và các nhà cung cấp phụ không được ủy quyền, chủ yếu là các xưởng do công dân Trung Quốc điều hành ở các tỉnh ở Italy, bao gồm Milano và Monza e Brianza.
Qua điều tra, Carabinieri phát hiện ra một công ty "ma" được ủy quyền cung cấp phụ kiện nhưng không thực sự sản xuất sản phẩm. Thay vào đó, công ty này hoạt động như một "bể chứa" người lao động, nơi công nhân được thuê và sau đó được gửi đến làm việc trực tiếp cho nhà thầu chính.
Trong số 32 nhân viên làm việc trong 4 xưởng tại Milan, cơ quan chức năng phát hiện 2 người nhập cư bất hợp pháp và 7 người làm việc không có giấy tờ hợp lệ. Tại các cơ sở sản xuất này, người lao động bị trả lương dưới mức tối thiểu, phải làm việc quá giờ trong môi trường mất vệ sinh.
Dữ liệu về mức tiêu thụ điện cho thấy các nhà máy này hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm, kể cả trong những ngày nghỉ lễ. Thậm chí, các thiết bị an toàn trên máy móc cũng bị tháo bỏ để tăng tốc độ sản xuất, bất chấp nguy hiểm đối với tính mạng của công nhân.
Bản án dài 34 trang của tòa án đã vạch trần môi trường làm việc khắc nghiệt sản xuất túi Dior. Tại đây, các công nhân nhập cư bất hợp pháp bị buộc phải ngủ tại xưởng do nhà máy hoạt động 24/7 không nghỉ.
Tòa án kết luận Dior đã không kiểm tra điều kiện làm việc thực tế hoặc năng lực kỹ thuật của các nhà cung cấp, đồng thời không thực hiện các cuộc kiểm toán thường xuyên.
Mặc dù Dior không phải đối mặt với cáo buộc hình sự, nhưng vụ việc này đã gây chấn động lớn trong ngành công nghiệp thời trang, khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi về đạo đức kinh doanh của thương hiệu.
Phía LVMH, công ty mẹ của Dior, chưa đưa ra bình luận chính thức về vụ việc. Tuy nhiên, cổ phiếu của LVMH đã giảm mạnh sau khi thông tin về phán quyết của tòa án được công bố, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề này đối với danh tiếng của tập đoàn.
Delphine Arnault, con gái cả của tỷ phú Bernard Arnault - người đứng đầu đế chế LVMH, hiện là Chủ tịch và CEO của Dior. Bà cũng là người chịu trách nhiệm chính về hoạt động của thương hiệu lớn thứ hai trong tập đoàn này.
Đây không phải lần đầu tiên các nhà chức trách Italy điều tra điều kiện lao động tại các nhà máy sản xuất hàng xa xỉ.
Vụ việc này một lần nữa khẳng định thực trạng đáng báo động về tình trạng bóc lột lao động trong ngành công nghiệp thời trang, đặc biệt là sự xâm nhập của các "công ty giá rẻ" do người Trung Quốc điều hành, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành da thuộc truyền thống của Italy, nơi cung cấp 50-55% sản lượng hàng xa xỉ toàn cầu.
Dưới áp lực ngày càng lớn từ người tiêu dùng và các nhà đầu tư, các thương hiệu thời trang đã buộc phải xem xét lại chuỗi cung ứng của mình. Nhiều hãng đã giảm số lượng nhà thầu phụ và tự nội bộ hóa sản xuất.
Tại Hàn Quốc, sau khi nhà đài Hàn Quốc JTBC đưa tin, vụ việc đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng họ đang trả tiền cho thương hiệu chứ không phải chất lượng sản phẩm, và việc mua một chiếc túi Dior giá 2.850 USD chỉ để thỏa mãn "cái tôi" là điều vô lý.