Tưng bừng mùa lễ hội

Mùa lễ hội năm 2025 ở Phú Yên đã và đang diễn ra rộn ràng với đa dạng hoạt động văn hóa, thể thao, vừa tạo điều kiện để người dân vui xuân vừa là cơ hội để quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất hơn 400 năm hình thành và phát triển.

Cờ người, nét đặc sắc tại lễ hội Đền thờ Lê Thành Phương. Ảnh: THIÊN LÝ

Cờ người, nét đặc sắc tại lễ hội Đền thờ Lê Thành Phương. Ảnh: THIÊN LÝ

Việc tổ chức các lễ hội truyền thống đầu xuân không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng dân cư, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, kết nối phát triển du lịch, thu hút du khách đến với xứ hoa vàng cỏ xanh.

Phản ảnh hình ảnh đất và người

Là tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ với những bãi biển hoang sơ, những ghềnh đá kỳ vĩ, lễ hội sông nước ở Phú Yên diễn ra sôi nổi vào mỗi độ tết đến xuân về. Điển hình như lễ hội Vịnh Xuân Đài ở TX Sông Cầu (mùng 5-6 tháng Giêng), lễ hội đua thuyền truyền thống Đầm Ô Loan ở huyện Tuy An (mùng 7 tháng Giêng), lễ hội đua thuyền truyền thống TP Tuy Hòa (mùng 7 tháng Giêng), lễ hội đua thuyền truyền thống Sông nước Đà Nông ở TX Đông Hòa (mùng 10 tháng Giêng)...

Mùa lễ hội sông nước ở Phú Yên không chỉ đơn thuần là những trò chơi dân gian hay các hoạt động giải trí, mà còn là một bức tranh văn hóa sống động, phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người dân bản địa được chính quyền địa phương duy trì trong suốt hàng chục năm qua và được tổ chức vào những ngày đầu năm mới, nhằm thỏa mãn nhu cầu của người dân vùng sông nước, cầu mong quanh năm trời yên gió lặng để khai thác được nhiều hải sản, đời sống luôn được phát triển. Đồng thời tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho cán bộ và người dân trên địa bàn, cũng như du khách thập phương trong dịp xuân mới.

Tại thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân), lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm được duy trì đều đặn trong nhiều năm qua. Tại lễ hội, một số sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Ba Na, Chăm được tái hiện sinh động, lồng ghép với trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống, nhảy arap, giới thiệu về văn hóa ẩm thực và thi đấu các môn thể thao dân gian. Đây là một nét văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm, Ba Na… thường được tổ chức vào dịp đầu xuân cầu cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no. Trống đôi, cồng ba, chiêng năm thôn Xí Thoại được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015.

Lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh diễn ra vào mùng 6/2 âm lịch luôn là tâm điểm thu hút hàng vạn người dân và du khách thập phương. Lễ hội là dịp để tưởng nhớ công ơn danh nhân Lương Văn Chánh. Trong phần lễ, trước ngày tề tựu dâng hương tại đền, các nghi thức rước sắc, tế cáo yết, rước linh vị từ mộ về đền được thực hiện trang nghiêm theo đúng nghi thức truyền thống, thể hiện lòng thành kính của người dân địa phương đối với người đã có công mở đất.

“Từ năm 2017, lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh được mở rộng quy mô, kéo dài 4-5 ngày, với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi bên cạnh phần lễ chính. Hằng năm, lễ hội thu hút hơn 10.000 lượt khách tham quan, con số này không ngừng tăng lên qua mỗi năm, minh chứng cho sức hút mãnh liệt và ấn tượng tốt đẹp mà lễ hội để lại trong lòng du khách. Đến với lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh, du khách không chỉ được hòa mình vào không khí trang nghiêm, linh thiêng của phần lễ mà còn được trải nghiệm nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng đất Phú Yên hiếu khách. Lễ hội không chỉ là một sự kiện tín ngưỡng mà còn là một điểm nhấn quan trọng trong bức tranh du lịch của huyện Phú Hòa nói riêng và Phú Yên nói chung”, ông Nguyễn Thành Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT&TTTH huyện Phú Hòa cho biết.

Là một trong những lễ hội lớn nhất và thu hút đông đảo người dân tham gia nhất của tỉnh, lễ hội Đền thờ Lê Thành Phương diễn ra trong 2 ngày 27 và 28 tháng Giêng tại di tích lịch sử này thuộc thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp.

Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đậm màu sắc văn hóa dân tộc. Từ chiều ngày hôm trước, họ tộc Lê, ban tổ chức, đại diện Sở VHTT&DL, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương... tổ chức cúng giỗ với lễ rước sắc, rước linh vị từ mộ về đền thờ theo nghi thức truyền thống. Tất cả nghi lễ ấy tạo nên nét trang nghiêm, thành kính. Sau khi phần lễ kết thúc, những trò chơi dân gian như bài chòi, cờ tướng, cờ người, kéo co, nhảy dây, nhảy thụng... diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Ngư dân TX Sông Cầu đua thúng chai trong những ngày đầu năm mới. Ảnh: THIÊN LÝ

Ngư dân TX Sông Cầu đua thúng chai trong những ngày đầu năm mới. Ảnh: THIÊN LÝ

Tăng cường công tác quản lý lễ hội

Nhằm tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động VHTT&DL và lễ hội mừng xuân Ất Tỵ 2025, Bộ VHTT&DL đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo sở VHTT&DL, sở VH-TT, sở Du lịch phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tại địa phương triển khai nghiêm túc Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội trên địa bàn; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo phân cấp quản lý.

Cùng với đó, xây dựng phương án bảo đảm ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, ATGT, an toàn sông nước đối với hoạt động lễ hội, thể thao và du lịch; đảm bảo lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.

Từ nay đến hết tháng 3 âm lịch, vẫn còn khá nhiều lễ hội đặc sắc được cộng đồng và du khách quan tâm như: Lễ hội cầu ngư của dân cư ven biển ở xã An Phú (TP Tuy Hòa), xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) và các xã Xuân Hải, Xuân Hòa, Xuân Cảnh, Xuân Thịnh (TX Sông Cầu)...; lễ hội mùa ở các huyện miền núi trong tỉnh.

Theo ông Mai Thanh Hồng, Trưởng phòng VH-TT TX Sông Cầu, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mừng Đảng, mừng xuân được tổ chức sôi nổi trên địa bàn thị xã thu hút đông đảo người dân tham gia. Các khu di tích, điểm tham quan du lịch và các cơ sở lưu trú tích cực triển khai công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang khuôn viên phục vụ khách tham quan; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh; phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Còn ông Huỳnh Việt Hùng, Trưởng phòng VH-TT huyện Đồng Xuân cho biết: Thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của cấp trên, các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được đơn vị chú trọng. Trong đó tăng cường tuyên truyền về những thành tựu đạt được của đất nước, của địa phương, các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân; văn hóa, thể thao, lễ hội trong dịp tết, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi ngay từ những ngày đầu năm mới”.

Với sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, các lễ hội không chỉ giữ được giá trị truyền thống, mà còn tạo nên sức hút hiện đại, khẳng định Phú Yên là điểm đến văn hóa đặc sắc của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Mùa lễ hội năm 2025 vừa là dịp để người dân vui xuân, vừa là cơ hội để quảng bá, lan tỏa văn hóa, thu hút du khách và góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mừng Đảng, mừng xuân được tổ chức sôi nổi trên địa bàn thịxã, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Các khu di tích, điểm tham quan du lịch và các cơ sở lưu trú tích cực triển khai công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang khuôn viên phục vụ khách tham quan; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Trưởng phòng VH-TT TX Sông Cầu Mai Thanh Hồng

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/325819/tung-bung-mua-le-hoi.html