Từng bước cải thiện đời sống của hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thời gian tới, Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đưa đời sống của hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện; đảm bảo an sinh xã hội.
Giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, nhận được sự quan tâm, đồng thuận của xã hội. Thời gian tới, Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đưa đời sống của hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện; đảm bảo an sinh xã hội.
* Còn nhiều khó khăn
Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 13 tỉnh khu vực phía Nam giai đoạn 2021 - 2023 bình quân ước đạt gần 1,9%. Một số địa phương đã đạt và vượt kế hoạch được giao (Bình Phước, Tây Ninh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cà Mau). Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố chưa đạt là: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng…
Cùng với đó, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình của khu vực phía Nam cao so với bình quân của cả nước và cao hơn so với khu vực miền núi phía Bắc và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của khu vực này lại thấp.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết do đối tượng người dân tộc thiểu số nghèo ở khu vực phía Nam (đặc biệt là Tây Nam Bộ) phần lớn thuộc diện nghèo “bền vững”, không tự lập sinh kế. Các hộ di dân tự do, hộ người dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn còn thiếu đất ở, đất sản xuất, phương tiện sản xuất, nước sinh hoạt. Tuy các chính sách hỗ trợ giải quyết vấn đề này đã được đưa vào Dự án 1, Dự án 2 của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng còn những vướng mắc trong quy định, cơ chế. Do đó, địa phương khó khăn trong triển khai dẫn đến chính sách chưa được giải quyết cơ bản.
Theo nhận định của lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, một số xã thuộc vùng khó khăn, do đạt chuẩn nông thôn mới, chuyển thành xã khu vực I theo Quyết định 861/QĐ-TTg nên không được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với vùng khó khăn. Do đó, người dân sinh sống trên địa bàn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, nhiều hộ dân tộc thiểu số (không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo) tham gia vào các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh của địa phương, cần có sự khuyến khích, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước... Việc chỉ giới hạn đối tượng thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP (hộ nghèo, hộ cận nghèo) dẫn đến một bộ phận lớn người dân sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không được hỗ trợ vốn tín dụng chính sách kịp thời để tham gia các dự án phát triển của vùng, miền. Một số hộ gia đình thuộc đối tượng thụ hưởng chương trình hỗ trợ nhà ở nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nên chưa triển khai được chính sách cho vay.
Việc rà soát, lập, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia (phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới) hầu hết được giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là cấp huyện hoặc cấp tỉnh. Điều này dẫn đến việc phê duyệt đối tượng chưa kịp thời. Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách xã hội với thiết kế chính sách theo hướng thẩm quyền phê duyệt, xác nhận đối tượng thụ hưởng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND cấp xã. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng chính sách được kịp thời xác nhận về đối tượng, tiếp cận vốn tín dụng chính sách.
Lãnh đạo các địa phương cho biết, hiện vẫn còn hiện tượng hộ gia đình đã thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách đầu tư vào mục đích trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh khác. Một số trường hợp thuộc đối tượng được hỗ trợ chuyển đổi nghề nhưng mục đích, phương án đầu tư chuyển đổi nghề vẫn trùng với mục đích phương án vay vốn đã vay.
* Đồng bộ nhiều giải pháp
Nhằm nỗ lực giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện cơ chế hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thông qua dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt dựa trên kế hoạch, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương. Các địa phương ưu tiên hỗ trợ cho các hộ dân tộc thiểu số là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tự nguyện đăng ký tham gia dự án thông qua nhóm hộ, cộng đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án từ ngân sách Nhà nước, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định thực hiện việc cho vay ưu đãi, nguồn vốn lồng ghép thực hiện các chính sách, chương trình, dự án, nguồn vốn đối ứng của hộ gia đình.
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam khẳng định, để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp luôn quan tâm đến việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng nêu trên, thông qua nhiều hình thức. Cụ thể như: Bố trí ngân sách Nhà nước cấp vốn điều lệ, cấp bù chênh lệch lãi suất, cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; quy định các tổ chức tín dụng Nhà nước duy trì số dư tiền gửi 2% hàng năm; có cơ chế cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh; ngân sách các địa phương, các chủ đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, chuyển vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các chương trình tín dụng chính sách.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tập trung khai thác các nguồn vốn từ thị trường được ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất, đặc biệt thực hiện tốt việc nhận tiền gửi từ người nghèo nhằm tạo thói quen tích lũy và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận với dịch vụ ngân hàng…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho biết, hiện nay, tổng hộ nghèo Khmer tại tỉnh còn trên 7.100 hộ, hộ nghèo người Hoa còn 345 hộ. Tỉnh phấn đấu giảm hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm từ 3 - 4%. Giai đoạn 2021 - 2023, địa phương được phân bổ nguồn vốn hơn 126 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo. Địa phương bố trí vốn đối ứng hơn 12 tỷ đồng và huy động các nguồn lực khác từ người dân. Tỉnh sẽ cân đối, bố trí ngân sách địa phương bổ sung ủy thác tối thiểu 15% tổng nguồn vốn tăng trưởng tín dụng để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay; phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác chiếm 15%/tổng nguồn vốn.
Sóc Trăng kiến nghị, các bộ, ngành Trung ương bổ sung đối tượng hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo được tiếp tục thụ hưởng chính sách tín dụng; nâng mức cho vay tối đa đối với các chương trình như: cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng/công trình tăng lên 20 triệu đồng/công trình; bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách đối với hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam quan tâm giao bổ sung nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách cho tỉnh hàng năm tăng trưởng từ 10 - 15%; trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển các khu công nghiệp…
Năm 2023, Trà Vinh phấn giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia và đưa 2 ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang giải ngân nguồn vốn trên 80 tỷ đồng để phân bổ cho các địa phương. Cùng đó, các địa phương tổ chức rà soát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo dự kiến thoát nghèo trong năm theo chỉ tiêu giao; trong đó, rà soát, xác định kỹ nguyên nhân nghèo và mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của từng gia đình để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp. Địa phương đã huy động tối đa các nguồn lực xã hội, lồng ghép nhiều chương trình, dự án, các chính sách khác để hỗ trợ người nghèo cải thiện sinh kế, nâng cao mức sống như: Giải ngân các gói vay ưu đãi cho các hộ nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; giải ngân thực hiện các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường; hỗ trợ vốn giải quyết việc làm cho hộ nghèo; sử dụng Quỹ An sinh xã hội hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Tại Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức tại Bạc Liêu đầu tháng 8/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu, các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân vốn; tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm; tích cực tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát bảo đảm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời ở cơ sở. Đặc biệt, trong năm 2023, các địa phương phải giải ngân hết toàn bộ số vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 kéo sang năm 2023.
Phó Thủ tướng đề nghị, các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai các nguồn vốn vay thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia để tạo điều kiện cho người dân đầu tư cho sản xuất; quan tâm công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Ủy ban Dân tộc nghiên cứu đưa các mô hình sản xuất hiệu quả để giới thiệu, nhân rộng trong công tác giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số./.