Từng bước đưa chợ truyền thống hoạt động trở lại
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công thương thành phố phối hợp các quận, huyện và TP Thủ Đức tiến hành các bước thủ tục cần thiết để đưa các chợ truyền thống hoạt động trở lại.
Vừa trả lời thắc mắc của khách, chị Mai, tiểu thương chợ An Đông (quận 5), tranh thủ cho hay: “Tôi và gia đình rất mừng khi được bán hàng trở lại. Các mặt hàng rau, củ, quả ở đây được bán với giá bình ổn, giảm giá so với những ngày trước đây. Chẳng hạn, dưa leo và bí xanh giờ còn 40 nghìn đồng/kg (lúc trước lên đến 60 nghìn đồng/kg); mướp có giá 35 nghìn đồng/kg (lúc trước lên tới 45 nghìn đồng/kg)…”.
Niềm vui của chị Mai cũng là tâm trạng chung của 15 tiểu thương hiện đang kinh doanh tại chợ An Đông. Trưởng Ban Quản lý chợ An Đông, Đinh Hồ Duy Ngọc, cho biết: Do dịch Covid-19 cho nên chợ An Đông bị ngừng hoạt động một thời gian. Chợ được hoạt động trở lại từ sáng ngày 17/7 sau vài ngày chuẩn bị các thủ tục cần thiết theo quy định để bảo đảm an toàn. Bên cạnh việc tuân thủ thông điệp 5K, khách vô chợ phải được đo thân nhiệt, điền vào phiếu ra vào để kiểm soát quá trình mua hàng. Hiện, các tiểu thương chỉ được buôn bán các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, trứng, gia vị…
Còn tại chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp), chị Trần Thị Lan, tiểu thương bán rau, củ, quả, cũng phấn khởi cho hay: “Tiểu thương chúng tôi vui mừng lắm vì trong điều kiện dịch bệnh phức tạp như thế này mà được tiếp tục kinh doanh để kiếm đồng ra đồng vào nuôi gia đình. Các mặt hàng rau, củ, quả được lấy từ nguồn tin cậy, an toàn, được bán với giá bình ổn”. Phó Ban Quản lý chợ Hạnh Thông Tây Võ Văn Tư cho biết, chợ được thí điểm hoạt động trở lại từ ngày 18/7 với 11 tiểu thương, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu (rau, củ, quả, trứng, thịt…) với giá bình ổn. Khách vào chợ được kiểm soát chặt, được đo thân nhiệt, yêu cầu tuân thủ thông điệp 5K. Lượng khách đến chợ tăng dần qua mỗi ngày...
Việc cho các chợ truyền thống hoạt động trở lại nhằm bảo đảm việc cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân được nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Từ giữa tháng 7, Sở Công thương thành phố đã có hướng dẫn giải pháp thí điểm về phương án tổ chức kinh doanh thực phẩm tươi sống, ứng dụng công nghệ thông tin để đặt lịch và quản lý khách đi chợ; các yêu cầu bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Các chợ đang tạm ngừng hoạt động chỉ được kinh doanh trở lại nếu đáp ứng được các điều kiện về bảo đảm an toàn, kiểm soát dịch bệnh; có biện pháp hướng dẫn, kiểm soát lưu lượng, mật độ tiểu thương bán hàng lẫn người đi chợ; tránh tiếp xúc tối đa giữa tiểu thương và người mua; khuyến khích bán hàng đồng giá và chỉ mở cửa đối với ngành hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả. Nếu không gian chợ chưa bảo đảm thì có thể sử dụng các mặt bằng phù hợp để tiểu thương và người dân họp chợ an toàn. Việc tạm dừng hoạt động, hoặc mở lại chợ do UBND quận, huyện căn cứ tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế để quyết định. Hiện tại, các quận, huyện và TP Thủ Đức đang xây dựng phương án và sẽ sớm tiếp tục mở lại thêm nhiều chợ trên địa bàn.
UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có chỉ đạo khẩn yêu cầu Sở Công thương thành phố tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ kết nối, cung cấp thông tin địa chỉ liên hệ, đầu mối cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu đến các địa phương, đơn vị quản lý chợ, tiểu thương các chợ truyền thống có nhu cầu đặt hàng với các phương thức phù hợp. Đẩy nhanh việc triển khai phương án điều tiết hàng hóa tại các điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời. Đẩy mạnh hỗ trợ kết nối thương nhân chợ đầu mối với tiểu thương chợ truyền thống để giao dịch và cung ứng hàng hóa...
Theo thống kê của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 21/7, toàn thành phố đã có 44 chợ truyền thống (trong tổng số 237 chợ truyền thống) đang được phép hoạt động và chỉ kinh doanh những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Trong điều kiện bình thường, hệ thống phân phối hiện đại chiếm khoảng 30% thị phần thành phố. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, chợ tự phát bị dẹp bỏ, số chợ truyền thống bị đóng cửa liên tục dẫn đến tình trạng người dân thiếu nguồn cung thực phẩm tươi sống, mặc dù các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã nỗ lực tăng số lượng lên gấp hai, ba lần so với ngày thường.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương, phương án mở cửa lại các chợ truyền thống được thực hiện đồng bộ sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng quá tải tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi; góp phần cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm phong phú, đa dạng hơn cho người dân. Khi ấy sẽ giải quyết được tình trạng thiếu hụt, không đáp ứng đủ nhu cầu về thực phẩm của người dân tại một số khu vực những ngày gần đây.