Từng bước đưa phong trào xây dựng xã hội học tập đi vào chiều sâu
Sống trong nền kinh tế tri thức, với sự bùng nổ của khoa học công nghệ và hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, giá trị của mỗi cá nhân càng được khẳng định thì vai trò của sự học càng trở nên quan trọng. Vì vậy, xây dựng xã hội học tập (XHHT) đã trở thành mục tiêu và xu hướng tất yếu của thời đại mới.
Đại diện lãnh đạo tỉnh và Hội khuyến học tỉnh trao Quỹ học bổng Nâng Cánh ước mơ cho sinh viên trong chương trình "Tết khuyến học" xứ Thanh Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: Phong Sắc
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, với mong muốn của Bác Hồ là “dân ta ai cũng được học hành”, phong trào bình dân học vụ đã diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ trên khắp cả nước. Thực hiện phong trào này, Thanh Hóa là địa phương xóa xong nạn mù chữ từ rất sớm. Những năm 1960 dấy lên phong trào bổ túc văn hóa với những nội dung đa dạng, phong phú, từ công sở đến các HTX, từ thành thị đến nông thôn, từ nhà máy đến ruộng đồng, cán bộ, thanh niên, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa thi đua đi học các lớp bổ túc văn hóa. Nhiều khẩu hiệu, phương châm được đưa ra để thực hiện như: “Một hội đồng hai nhiệm vụ”, “Nhà trường là một lực lượng sản xuất”, “Con gà học phí”, “Điểm 10 hạ máy bay mỹ”...
Đến tháng 12-1997, toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn; 25/27 huyện đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ. Năm 2004, Thanh Hóa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi... Kết quả này đã góp phần “ươm mầm” và là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng XHHT sau này.
Cô, trò Trường Tiểu học Tân Phong 1, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) trong giờ học.
Bước sang thời kỳ mới, nhằm thực hiện chủ trương xây dựng cả nước trở thành một XHHT, Thanh Hóa tiếp tục phát triển giáo dục thường xuyên mà tiền thân là phong trào bình dân học vụ. Theo đó, cùng với việc củng cố và mở rộng hệ thống giáo dục chính quy, tỉnh đã đưa ra nhiều chủ trương, quyết sách cho mục tiêu thúc đẩy học tập thường xuyên (HTTX), học tập suốt đời (HTSĐ) trong mỗi người dân. Từ năm 2001, UBND tỉnh đã ban hành “Đề án xây dựng XHHT và phát triển trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) ở Thanh Hóa giai đoạn 2001-2010”. Ngày 23-8-2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng XHHT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2012-2020”; UBND tỉnh ban hành Quyết định 1666/2012/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án xây dựng XHHT tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Tháng 6-2022, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 173/KH-UBND thực hiện Quyết định số 387/QĐ-TTg, ngày 25-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 123/KH-KHVN, ngày 14-4-2022 của Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030”... Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với phong trào học tập của Nhân dân. Đây cũng chính là tiền đề, là động lực quan trọng để thúc đẩy mọi sự phát triển trong đời sống xã hội.
Trong xây dựng XHHT, thúc đẩy HTTX, HTSĐ, sự hình thành và phát triển các TTHTCĐ đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của mỗi địa phương... Theo đánh giá của Hội Khuyến học tỉnh, những năm qua, TTHTCĐ ở xã, phường, thị trấn có sự phát triển vượt bậc. Cụ thể, năm 2001 toàn tỉnh mới có 10 TTHTCĐ, đến tháng 7-2007, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh thành lập TTHTCĐ. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm các trung tâm mở được trên 15.000 lớp học, thu hút cả triệu lượt người tham gia. Tính riêng năm 2022, các trung tâm đã mở được 16.645 lớp, chuyên đề thu hút 1.035.298 lượt người tham gia học tập ở các nhóm nội dung như: thông tin về chính trị, thời sự, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương (tỉnh, huyện, xã, thôn...); chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi; dạy nghề tạo việc làm... Ngoài ra, các hình thức học tập qua internet, đài truyền hình, qua sách báo ở các thư viện, tủ sách, bưu điện văn hóa xã... cũng đang từng bước phát triển. Ở nhiều địa phương, có thể thấy nhà nhà tham gia học tập, người người tham gia học tập. Nhiều người, nhiều gia đình đã nhận ra việc học tập và HTSĐ sẽ là “chìa khóa” cho mọi thành công, là yếu tố cơ bản để thoát nghèo bền vững và làm giàu.
Có thể khẳng định, phong trào xây dựng XHHT, HTTX, HTSĐ tại Thanh Hóa đang chuyển dần từ phong trào bề nổi để đi vào chiều sâu, khi mỗi tổ chức, cá nhân, mỗi gia đình, dòng họ, khu dân cư ngày càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, để cả xã hội trở thành một trường học lớn thì mỗi người dân, mỗi tổ chức, đơn vị phải nhận thức sâu sắc rằng, nhu cầu học thường xuyên ở mỗi con người và việc học suốt đời, học không mệt mỏi cũng thiết yếu như hơi thở cuộc sống. Có như vậy, ý nghĩa của sự học mới “chuyển hóa” thành giá trị vật chất tác động lên sự phát triển, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, hiện đại.