Từng bước hình thành công nghiệp trí tuệ nhân tạo trong giáo dục
Đó là một trong những chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc tại Diễn đàn quốc tế về Trí tuệ nhân tạo và giáo dục do UNESCO tổ chức chiều 7/12.
Chiều 7/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đã tham dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn quốc tế về Trí tuệ nhân tạo và giáo dục do UNESCO, Bộ Giáo dục Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Ủy ban Quốc gia nhân dân Trung Hoa phối hợp tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Góp phần đổi mới giáo dục
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến năm 2030 theo Quyết định 2289 ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Việt Nam xác định phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo như một lĩnh vực cốt lõi, nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Điều này được cụ thể hóa với việc ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 theo Quyết định 127 ngày 26/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu đến năm 2030 đưa trí tuệ nhân tạo trở thành một lĩnh vực công nghệ của Việt Nam.
Đưa nước ta trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo mạnh. Đồng thời, trí tuệ nhân tạo là công cụ góp phần đẩy mạnh xã hội sáng tạo, chính phủ hiệu quả, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cũng khẳng định, giáo dục là đối tượng thụ hưởng thành quả của trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo cũng góp phần trực tiếp đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục hướng đến sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới. Đồng thời, giáo dục là lĩnh vực then chốt cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy trí tuệ nhân tạo.
5 định hướng cơ bản của Việt Nam
Cũng tại diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ xây dựng những định hướng, chính sách liên quan theo quan điểm luôn đặt mối quan hệ tương hỗ giữa giáo dục và trí tuệ nhân tạo.
Thứ nhất, về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam ưu tiên xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý thông thoáng đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giáo dục. Tạo cơ chế thông thoáng, thúc đẩy cơ sở giáo dục từ Trung ương đến địa phương sử dụng các ứng dụng, dịch vụ trí tuệ nhân tạo để tạo những bước đột phá trong quản lý điều hành.
Thứ hai, xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục. Thúc đẩy chia sẻ dữ liệu phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng, hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ, mở để nghiên cứu, phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo lấy quá trình học làm trung tâm, tạo ra các công cụ liên quan hỗ trợ đánh giá người học. Sử dụng trí tuệ nhân tạo để học tập và đánh giá như hệ thống dạy trên đối thoại tự động, đọc và học ngôn ngữ được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, đánh giá bằng văn bản tự động và cung cấp các thông tin mang tính dự báo cho ngành giáo dục.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực về trí tuệ nhân tạo. Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên trong ngành giáo dục.
Xây dựng một số trung tâm nghiên cứu trọng điểm chuyên nghiên cứu, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu tại một số trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu. Triển khai các hình thức đào tạo chứng chỉ ngắn hạn và trung hạn cho học sinh, sinh viên thuộc các ngành nghề khác nhau, người lao động.
Thứ tư, tạo cơ chế gia tăng số lượng các doanh nghiệp giáo dục ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đẩy mạnh triển khai các nền tảng phần mềm và ứng dụng sẵn có. Phát triển một số sản phẩm đặc thù của Việt Nam, từng bước hình thành công nghiệp trí tuệ nhân tạo trong giáo dục tại Việt Nam.
Thứ năm, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo thông qua việc tham gia tổ chức và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học song phương, đa phương trong khu vực và trên thế giới. Thông qua hợp tác để phát triển, chuyển giao công nghệ về trí tuệ nhân tạo. Tham gia các hội, hiệp hội quốc tế và tổ chức khác về TTNT.
"Từ chính sách đến thực tiễn là một quá trình mang nhiều thách thức nhưng cũng có nhiều triển vọng. Tôi tin rằng với sự phối hợp, tham gia, chung tay của cộng đồng và sự hợp tác với các quốc gia, chúng ta sẽ nhận được nhiều thành quả trong tương lai", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.
Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence - AI) tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và từng bước khẳng định là công nghệ trụ cột, đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các cường quốc công nghệ từ lâu đã xây dựng chiến lược phát triển AI của riêng mình, lấy công nghệ này làm cốt lõi để tăng tốc phát triển kinh tế.
Trong vài năm qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã bắt đầu phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm giáo dục, thông tin - truyền thông, kinh doanh, thương mại, dịch vụ y tế - chăm sóc sức khỏe và những lĩnh vực khác, không chỉ dần chiếm lĩnh thị trường mà còn thu về lợi nhuận khổng lồ.