Từng bước hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở

Có thể nói, hệ thống y tế cơ sở đã từng bước được củng cố vững chắc để đảm đương nhiều nhiệm vụ nặng nề, phức tạp trong điều kiện có nhiều thuận lợi và cũng có nhiều những khó khăn, thách thức như hiện nay…

Được biết, đến nay, Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cho y tế cơ sở theo Danh mục các dịch vụ kỹ thuật tuyến cơ sở bắt buộc phải thực hiện (nếu chưa đủ năng lực cần tổ chức tập huấn ngay); thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã; nâng cao năng lực phát hiện, sàng lọc, kịp thời chuyển người bệnh lên tuyến trên và tiếp nhận, theo dõi, điều trị người bệnh từ tuyến trên chuyển về. Ðồng thời hoàn thiện, thống nhất mô hình tổ chức trung tâm y tế tuyến huyện theo mô hình đa chức năng để gắn phòng bệnh với chữa bệnh, quản lý trực tiếp trạm y tế xã.

Tài chính cho y tế cơ sở cũng từng bước đổi mới về phương thức chi trả; ban hành và cập nhật gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp khả năng chi trả của bảo hiểm y tế và ngân sách Nhà nước. Ðồng thời, tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống và ngược lại; xây dựng các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị. Tiếp tục đào tạo theo địa chỉ để bổ sung nhân lực cho y tế cơ sở các vùng khó khăn; xây dựng và trình ban hành các chính sách ưu đãi cho viên chức y tế cơ sở. Phân loại các trạm y tế xã để đầu tư không dàn trải, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở từng vùng miền, khu vực; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các trạm y tế xã ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.

Hoàn thiện nâng cấp hệ thống y tế cơ sở là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe của người dân. Ảnh tư liệu

Hoàn thiện nâng cấp hệ thống y tế cơ sở là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe của người dân. Ảnh tư liệu

Lần đầu tiên việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với bảo hiểm y tế toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân được thực hiện. Hơn 11.400 trạm y tế xã, trong đó 78% số trạm có bác sĩ làm việc là điều kiện rất thuận lợi cho việc triển khai việc quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân. Nhiều trạm y tế đã lập hồ sơ, quản lý sức khỏe cá nhân, trong đó Hà Nội, Hà Tĩnh, Khánh Hòa và một số tỉnh khác đã lập hồ sơ quản lý khoảng 85% dân số. Phần lớn các trạm y tế đã triển khai quản lý một số bệnh không lây nhiễm như: tâm thần phân liệt; động kinh và bước đầu quản lý người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng từng nhấn mạnh, nhiều năm qua, thực hiện Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” đã phát huy hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở. “Đây là một bước ngoặt lớn cho y tế tuyến dưới”, Bộ trưởng nói. Theo Bộ Y tế, tại 62 huyện nghèo của cả nước đang thiếu khoảng 600 bác sĩ. Trước thực trạng này, nhằm nâng cao cho y tế cơ sở, Bộ Y tế đã triển khai dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện ít nhất ba năm ở những địa bàn khó khăn với mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các huyện vùng khó khăn.

BVĐK huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai là một trong bốn điểm của y tế tuyến dưới đã được hưởng lợi từ Dự án Đào tạo chăm sóc sức khỏe ban đầu Nhi khoa, BV Nhi Trung ương bao gồm: BVĐK Mường Khương, Lào Cai; Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An; BVĐK Triệu Sơn, Thanh Hóa và Trạm y tế xã Yên Sơn, TP Tam Điệp, Ninh Bình. Tại đây, BV Nhi Trung ương cử 2-3 bác sĩ nội trú BV xuống công tác luân phiên liên tục trong vòng hai năm nhằm hỗ trợ chuyên môn, đồng thời đào tạo cho các bác sĩ, cán bộ y tế tại BV và nhân viên y tế trong khu vực.

GS, TS Lê Thanh Hải, GĐ BV Nhi Trung ương cho biết, qua công tác đánh giá từ các đợt giám sát, số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị tại ba BV và trung tâm y tế này tăng từ 120- 200% so với thời điểm trước khi triển khai dự án. Tỷ lệ chuyển tuyến cũng giảm rõ rệt, số lượng mặt bệnh được điều trị tại chỗ ngày một tăng. Trong quá trình triển khai, các bác sĩ cũng đã tích cực đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ, cán bộ tuyến dưới để khi dự án kết thúc, các BV đã có một đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có tính hệ thống và tiếp tục đảm nhiệm được công tác khám, chữa bệnh như khi có các bác sĩ của BV Nhi Trung ương tại đó.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tung-buoc-hoan-thien-nang-cao-nang-luc-he-thong-y-te-co-so-169900.html