Từng bước khôi phục giá trị của lao động trí tuệ là vấn đề cấp bách

TS. BÙI NGỌC THANH - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Chiều mai, 4.11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội. Cử tri mong đợi Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn về nội dung đã được nhiều đại biểu đề cập trong hai ngày thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội vừa qua là: tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc, chuyển việc (gọi chung là 'nhảy việc') và vấn đề nóng bỏng khẩn thiết phải giải quyết là tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức khu vực nhà nước.

Chưa rõ nội hàm của "mức lương cơ sở"

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì từ đầu năm 2020 đến tháng 6.2022, cả nước có 39.550 người nhảy việc (bằng 1,94% tổng biên chế công chức, viên chức); trong đó có 4.029 người là công chức (chiếm 10%), còn lại là viên chức (90%). Trong tổng số nhảy việc thì các cơ quan trung ương chiếm 18%, còn lại là các địa phương 82%. Theo lĩnh vực thì Giáo dục chiếm 41,53%, Y tế chiếm 30,54% tổng số người nhảy việc (hai lĩnh vực này chiếm tới 72,37%, còn lại là các lĩnh vực khác chỉ 27,63%).

Giải trình quan tâm của các đại biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã đưa ra nhiều nhận định xác đáng, trong đó có đánh giá, “số công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc đồng loạt trong thời gian hơn 2 năm qua là điều chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc và cũng là vấn đề đáng quan ngại”, vì “đa số trong độ tuổi 40 tuổi trở xuống” và có trình độ. Bộ trưởng cũng đã xác định một số nguyên nhân và giải pháp cơ bản để xử lý tình hình. Trong đó nguyên nhân đầutiên là tiền lương, thu nhập chưa bảo đảm được đời sống tối thiểu. Do đó giải pháp thứ nhất là, “thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII”. Trước hết là điều chỉnh mức lương cơ sở vào ngày 1.7. 2023.

Do nhiều nguyên nhân (cả khách quan và chủ quan) mà đến nay chính sách tiền lương đối với toàn bộ lao động xã hội đang hoạt động đã tồn tại nhiều khuyết, nhược điểm. Về tổng thể, lao động xã hội đang làm việc được chia ra hai khu vực: Lao động khu vực thị trường, lao động chân tay (sản xuất, dịch vụ, kinh doanh...) chiếm số đông tuyệt đối. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XX đến nay, số người có văn bằng, chứng chỉ nghề, được đào tạo từ 3 tháng trở lên mới từ 19% lên 26% (2021), còn lại chủ yếu là lao động tay nghề thấp, lao động phổ thông. Lao động khu vực công, số lượng rất ít so với tổng số lao động xã hội (chỉ trên 20 vạn người), nhưng hiện tại hầu như tất cả đều có trình độ đại học trở lên (lao động trí óc). Họ là những người hoạch định chính sách, luật pháp, sáng tạo khoa học, công nghệ, là các nhà lãnh đạo, quản lý các cấp...

Hãy so sánh chính sách tiền lương 2 khu vực qua mức lương tối thiểu và mức lương cơ sở dưới đây:

Theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12.6.2022 thì lao động khu vực thị trường có các mức lương tối thiểu như sau (áp dụng từ ngày 1.7.2022): Vùng I là 4,68 triệu đồng/tháng, vùng II là 4,16 triệu đồng, vùng III là 3,64 triệu đồng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng. Còn mức lương cơ sở của khu vực nhà nước, theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 9.5.2019 là 1,49 triệu đồng/tháng và duy trì cho tới nay. Như vậy, mức lương tối thiểu của lao động thị trường vùng IV (lao động nông thôn, miền núi) đã gấp 2,18 lần mức lương cơ sở cua lao động khu vực nhà nước; tương tự như vậy, vùng III gấp 2,44 lần, vùng II gấp 2,79 lần và vùng I gấp tới 3,14 lần.

Từ đó rất nhiều vấn đề được đặt ra. Tại sao giá trị của lao động “chất xám”, lao động hoạch định luật pháp, chính sách, làm khoa học, công nghệ, làm quản lý, lãnh đạo... lại thấp hơn giá trị của lao động thị trường, lao động giản đơn, tay nghề? Trong khi đó, từ cổ chí kim đã chỉ rõ “... trong cùng một thời gian, lao động phức tạp đem lại hiệu quả nhiều hơn lao động giản đơn. Do đó tùy theo mức độ của lao động phức tạp cao hay thấp mà quy thành một bội số của lao động giản đơn” 1. Sau một thời gian dài diễn biến, chính sách tiền lương thể hiện qua mức lương tối thiểu và mức lương cơ sở đã đảo chiều, giá trị của lao động “chất xám” thấp hơn nhiều so với lao động thị trường - lao động phổ thông, tay nghề thấp!

Một câu hỏi nữa phải đặt ra là, mức lương cơ sở hiện nay và mức lương tối thiểu trước năm 2013 của lao động khu vực nhà nước giống, khác gì nhau? Giống nhau là cùng lấy hệ số lương nhân với mức lương thì ra số tiền lương được hưởng, còn khác nhau về mức tuyệt đối. Nếu chỉ có như thế thì cần thiết phải “thay tên đổi họ”!

Mức lương tối thiểu chung của cả hai khu vực được áp dụng từ năm 1995 đến hết năm 2013 đã được Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương nhà nước giao cho 4 cơ quan trung ương và 1 trường đại học kinh tế độc lập nghiên cứu từ năm 1988 đến năm 1992 đi suốt từ Bắc chí Nam, ở các khu vực địa lý, các thành phần kinh tế khác nhau... Sau đó tích hợp những điểm tinh túy nhất của 5 kết quả nghiên cứu mới ra được mức lương tối thiểu 120 nghìn đồng, áp dụng từ ngày 1.1.1995. Và khái niệm, nội hàm mức lương tối thiểu đã được luật hóa tại Điều 56 Bộ luật Lao động năm 1994, tại Điều 91 Bộ luật lao động năm 2012 và 2020. Đó là, “Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội”. Còn mức lương cơ sở xuất hiện một cách tự nhiên bằng Nghị định 66/2013/NĐ-CP ngày 27.6.2013, nhưng đến nay sau gần chục năm áp dụng cũng chưa rõ nội hàm là gì, chỉ biết rõ là thu nhập từ tiền lương của cán bộ, công chức giảm sút như các đại biểu đã phản ánh (mặc dù đã phát sinh thêm nhiều khoản phụ cấp, trong đó có khoản phụ cấp công vụ tới 25%).

Thu nhập từ tiền lương của lao động trí óc giảm sút, không bảo đảm được mức sống tối thiểu là nguyên nhân đầu tiên của tình trạng nhảy việc. Do đó việc cải cách chính sách tiền lương, từng bước khôi phục lại giá trị của lao động trí tuệ chẳng những cần thiết mà là cấp bách.

Giảiquyết thấu tình đạt lý vấn đề biên chế ngành giáo dục, y tế

Nguyên nhân thứ hai là do áp lực công việc, nhất là ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế. Lấy lát cắt thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình những năm 20 của thế kỷ XXI thì chúng ta đã khá thành công sau hơn 60 năm ra đời chính sách này. Nếu trước đây hằng năm có tới 1,4 - 1,5 triệu trẻ em được sinh ra và trưởng thành (đã trừ tỷ lệ tử vong sơ sinh) thì nay là khoảng 1 triệu trẻ em mỗi năm. Một triệu trẻ em này là nhiệm vụ mới tăng thêm hàng năm của lĩnh vực y tế, là nhiệm vụ “bất khả kháng” theo tinh thần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn dân nói chung, bà mẹ và trẻ em nói riêng của Đảng và Nhà nước. Một triệu trẻ em hằng năm này, khi bước vào độ tuổi mầm non và lớp 1, là nhiệm vụ tất yếu, nặng nề của ngành giáo dục. Cả hai lĩnh vực này nhất thiết phải tăng thêm biên chế theo quy định. Đối với lĩnh vực y tế là các chỉ tiêu Số bác sĩ, cán bộ y tế trên 10.000 dân và số Giường bệnh trên 10.000 dân. Đối với lĩnh vực giáo dục là các chỉ tiêu: 25 cháu trong một lớp mầm non 3 - 4 tuổi; Lớp 1 là 35 cháu. Từ các “định mức” này cho thấy nhu cầu “tự nhiên” tăng biên chế của hai lĩnh vực này là rất lớn. Việc giảm biên chế chỉ đối với những người bước ra khỏi quá trình lao động, nghỉ hưu theo quy định của pháp luật và một số người vì các lý do khác. Bởi vậy, dù đã đạt được kết quả đáng kể, nhưng rất cần thiết phải tiếp cận thực tiễn, nghiên cứu cụ thể, tỉ mỉ để có cách giải quyết biên chế cho thấu tình đạt lý nói chung, hai lĩnh vực y tế và giáo dục nói riêng.

_________

(1) Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập 2, trang 644, Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội 2002.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/tung-buoc-khoi-phuc-gia-tri-cua-lao-dong-tri-tue-la-van-de-cap-bach-i305841/