Từng bước khôi phục vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và các nước
Mở đường bay quốc tế có kiểm soát sẽ là giải pháp cho bài toán khôi phục kết nối vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và các nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Chủ trương này được Thủ tướng đưa ra trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về dịch Covid-19 vừa qua.
"Sống chung với đại dịch" là cách ứng xử được cho là hợp lý nhất trong hoàn cảnh hiện tại. Đó đồng thời cũng là khẩu hiệu hành động trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất, kinh doanh đến sinh hoạt cộng đồng, gia đình, cá nhân. Đã gọi là "sống chung" thì mọi hoạt động phải được thực hiện như trong điều kiện bình thường.
Nhưng trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh, một mặt phải đặt hệ thống y tế luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng phó một cách chủ động, kịp thời; mặt khác phải có những biện pháp thích hợp có tác dụng ngăn chặn bùng phát dịch từ xa một cách hữu hiệu.
Nói riêng về việc đi lại giữa Việt Nam và các nước, cần phải làm thế nào để từng bước tái lập đi đến chỗ bình thường hóa các tuyến vận chuyển hàng không, cả về tần suất chuyến bay cũng như về lượng hành khách, nhưng đồng thời phải kiểm soát tốt, không để các nguồn lây lan thâm nhập vào cộng đồng.
Trong giai đoạn trước mắt, cần dành ưu tiên số một cho việc đi lại của các chuyên gia làm việc trong khuôn khổ các dự án trọng điểm. Kế đó là những người nước ngoài đảm nhận các vị trí then chốt tại các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Trước khi chấp thuận cho nhập cảnh, cần làm rõ tình trạng sức khỏe và lịch sử đi lại của từng người, đảm bảo không để nhập cảnh những người có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Việc kiểm tra y tế phải được thực hiện một cách khoa học, vừa chặt chẽ, hữu hiệu, vừa đơn giản, không để xảy ra tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" ở cửa khẩu, gây phiền hà, bức xúc, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của đất nước. Một khi đã có đủ cơ sở để tin về sự an toàn của một trường hợp nhập cảnh thì có thể cho nhập cảnh mà không cần cách ly, nhưng đồng thời có những khuyến cáo về đi lại, giao tiếp thận trọng trong khoảng thời gian thích hợp.
Có thể áp dụng biện pháp bắt buộc cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại cá nhân đối với những trường hợp không cần cách ly, để cơ quan chức năng có điều kiện theo dõi, quản lý thuận lợi.
Việc cách ly cần được tổ chức tùy theo mức độ rủi ro mà người nhập cảnh có thể mang đến về phương diện lây lan dịch bệnh. Những người mà sự hiện diện tại nơi làm việc là thật sự cần thiết, cấp bách thì có thể được cách ly tại nơi làm việc. Cơ quan, tổ chức liên quan tạo điều kiện cho việc giao tiếp trong khuôn khổ công vụ giữa người được cách ly và các vị trí khác trong bộ máy được diễn ra suôn sẻ. Cạnh đó, phải triển khai hệ thống phòng dịch trong suốt thời gian thử thách theo quy định của cơ quan y tế.
Trong trường hợp cần cách ly tập trung thì sử dụng mạng lưới dịch vụ cách ly có thu phí. Cần lập danh sách những nơi đăng ký cung ứng dịch vụ cách ly, có thông tin đầy đủ về tiện nghi sinh hoạt, giá cả để người được cách ly thoải mái lựa chọn. Để đảm bảo chất lượng dịch vụ được cung ứng, đồng thời không khiến người được cách ly ngán ngại về chi phí, cần có chính sách trợ giá của Nhà nước đối với dịch vụ này. Phải làm thế nào để người được cách ly trải qua thời gian cách ly như thụ hưởng một kỳ nghỉ thú vị, với giá cả ưu đãi.