Từng bước khống chế hiệu quả tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh
Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh là chủ đề của hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay (11/10/2020). Thông qua sự kiện này góp phần từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái, đồng thời thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ nói chung và trẻ em gái nói riêng. Bất bình đẳng giới và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có mối quan hệ quyết định đến nhau.
Bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới. Tỉ số giới tính khi sinh được xác định bằng số trẻ em trai/100 trẻ em gái được sinh ra, tỉ số này thông thường giao động trong khoảng 103-107 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, thời gian qua tại Quảng Trị đã có sự chênh lệch về tỉ số này và có xu hướng tăng dần qua các năm.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Quảng Trị bắt đầu xuất hiện vào năm 2010 với tỉ lệ 109 bé trai/100 bé gái, muộn hơn so với tình hình chung của cả nước nhưng tốc độ tăng lại diễn ra khá nhanh. Đến cuối năm 2019, tỉ số giới tính khi sinh toàn tỉnh ở mức 111,2 bé trai/100 bé gái. Mặc dù đã giảm 1,6 điểm phần trăm so với năm 2018 nhưng chỉ số này vẫn ở mức cao.
Theo số liệu năm 2019 tỉ số giới tính khi sinh tại một số huyện trong tỉnh vẫn còn khá cao như: Triệu Phong 131,8 bé trai/100 bé gái, Đông Hà 114,7 bé trai/100 bé gái, Hải Lăng 112,7 bé trai/100 bé gái…Nếu tỉ số này không được khống chế sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay sẽ khiến cho 30 năm sau, số lượng nam giới so với nữ giới ở độ tuổi trưởng thành dư thừa rất lớn. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ. Điều này gây ra những tác động xấu đối với gia đình và xã hội.
Chị Hoàng Thị Tâm người có nhiều năm làm cộng tác viên dân số Khu phố 5, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà chia sẻ: “Tình trạng “thừa nam, thiếu nữ” khiến cho trong tương lai nam giới gặp khó khăn trong việc tìm vợ hoặc không thể lấy được vợ, phải sống độc thân có thể gây ra những bất ổn về trật tự an toàn xã hội, làm gia tăng tệ nạn mại dâm, xâm hại tình dục, bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái và các loại tội phạm xã hội khác. Ngoài ra, sự chênh lệch giới tính nghiêng về phía nam giới đã làm cho một số ngành nghề vốn là đặc thù của nữ giới sẽ phải rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động …”.
Trước thực trạng và những hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, trong thời gian qua Quảng Trị đã triển khai đồng bộ các nội dung hoạt động của đề án mất cân bằng giới tính khi sinh, trong đó ưu tiên các hoạt động phù hợp với đặc thù của địa phương. Công tác tham mưu, chỉ đạo và điều hành được chú trọng đẩy mạnh thông qua việc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2020.
Các hoạt động truyền thông về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh được tăng cường bằng việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể như phối hợp với Trường Chính trị Lê Duẩn đưa chuyên đề mất cân bằng giới tính khi sinh vào giảng dạy cho học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính; phối hợp với Đài PTTH tỉnh, Báo Quảng Trị phát sóng, đăng tải tin, bài cung cấp thông tin về thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và phản ánh kịp thời các hoạt động can thiệp tại cơ sở; phối hợp với các trường THPT tổ chức sinh hoạt ngoại khóa để giáo dục về giới, bình đẳng giới cho học sinh.
Đồng thời, ngành Y tế - Dân số trong toàn tỉnh tổ chức hàng trăm buổi nói chuyện chuyên đề cung cấp thông tin về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại các xã, phường, thị trấn cho các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.
Bác sĩ Nguyễn Hương Chương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: “Để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian tới, cần tiếp tục có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể cùng với ngành Y tế - Dân số. Tăng cường công tác bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức và hành vi của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới.
Thúc đẩy mạnh mẽ việc thực thi nghiêm minh pháp luật về nghiêm cấm các hành vi hướng dẫn, tư vấn, cung cấp dịch vụ lựa chọn, xác định giới tính trước khi sinh trong các cơ sở y tế, tại cộng đồng và trong toàn xã hội. Hy vọng với việc triển khai tích cực các giải pháp nói trên, Quảng Trị sẽ từng bước khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỉ số này trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152175