Từng bước loại bỏ ma túy ra khỏi địa bàn

Là tỉnh có đường biên giới dài, tiếp giáp 2 nước Lào và Trung Quốc, gần 'Tam giác vàng' - thủ phủ ma túy thế giới. Lợi dụng địa hình miền núi hiểm trở, phức tạp; trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, nhất là với đồng bào các dân tộc thiểu số, nên các đối tượng phạm tội về ma túy đã tăng cường hoạt động. Vì thế, Điện Biên trở thành một trong những điểm nóng về ma túy trong cả nước.

Hoạt động mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy nhiều, tỷ lệ thuận với số lượng người nghiện ma túy cũng tăng. Thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có khoảng 9.000 người nghiện ma túy. Đây là nguồn gốc nảy sinh của các loại tội phạm khác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh, trật tự trên địa bàn.

Đấu tranh ngăn chặn tội phạm ma túy trên tuyến biên giới và trong nội địa là nhiệm vụ khó khăn nhưng những người lính trên mặt trận ma túy của Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh và các lực lượng liên quan luôn sẵn sàng đối đầu hiểm nguy, cam go và thử thách.

Với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, trong những năm qua, lực lượng chức năng tỉnh Điện Biên đã tập trung đấu tranh với tội phạm ma túy, mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, quyết tâm giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn. Qua đó, nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, liên tỉnh, xuyên quốc gia đã bị triệt phá. Các tụ điểm buôn bán lẻ ma túy; đối tượng nghiện ma túy bị bắt giữ, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Ma túy gây nhiều hệ lụy. Vợ mất chồng, cha mất con, anh em mất người thân… Nghiện ngập ma túy dẫn đến tiền mất nợ mang; suy giảm giống nòi, giảm sút nguồn lực lao động, ảnh hưởng kinh tế gia đình, xã hội...

Bên cạnh đấu tranh không khoan nhượng, triệt xóa tận gốc các đường dây, tụ điểm buôn bán ma túy từ nước ngoài vào nội địa của cơ quan chức năng để cắt nguồn cung. Các ngành chức năng và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ, nhịp nhàng hơn nữa để từng bước loại bỏ ma túy ra khỏi địa bàn.

Các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động phòng chống ma túy” (tháng 6/2024) và “Ngày quốc tế - Ngày toàn dân phòng chống ma túy (26/6/2024) cần được tổ chức sâu rộng, đồng bộ, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế địa phương để mỗi người dân biết, hiểu tường tận hơn, từ đó tránh xa và nói không với “cái chết trắng”.

Ngoài lực lượng chủ công là Công an, Biên phòng, Hải quan, thì các cơ quan đoàn thể có liên quan chú trọng hơn nữa việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, tuyên truyền đa dạng, có hiệu quả các hình thức phòng, chống ma túy đến người dân. Tập trung tuyên truyền sâu rộng tại các xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học và khu dân cư, nhất là các đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy nhằm chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan ban ngành, đoàn thể và Nhân dân trong công tác phòng ngừa đấu tranh với tội phạm ma túy.

Cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức các sở, ngành, đoàn thể vận động, giáo dục thành viên trong gia đình, người thân về tác hại của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp và ma túy “núp bóng” các loại thực phẩm như: bánh kẹo, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử… Khi phát hiện các hành vi mua bán, sử dụng, trồng cây có chứa chất ma túy cần báo ngay cho cơ quan công an hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý. Một mặt, rà soát, thống kê, phân loại, đưa vào quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy. Phối hợp tổ chức tốt việc xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ cai nghiện và đưa người nghiện đi cai tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh. Cùng với đó, theo dõi, giúp đỡ người đã cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng, phòng chống tái nghiện.

Tùng Lĩnh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/215770/tung-buoc-loai-bo-ma-tuy-ra-khoi-dia-ban