Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS
Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà với nhiều chủ trương, chính sách đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc.
Huy động mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả Chương trình MTQG
Thạch An là huyện miền núi, biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng với 13 xã, 1 thị trấn, trong đó có 11 xã và 1 thị trấn thuộc khu vực III, 69/95 xóm đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 5 dân tộc sinh sống gồm Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh với dân số 31.518 người, 3.720 hộ nghèo, chiếm 46,7%. Do địa bàn huyện bị chia cắt phức tạp, dân cư phân tán, trình độ nhận thức của người dân không đồng đều do đó đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn.
Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, từng bước giúp người dân cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Huyện đã huy động mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.
Giai đoạn 2021- 2025, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, năm 2022 huyện được giao vốn 74,085 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư 48,035 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 26,050 tỷ đồng. Đến ngày 31/1/2023, giải ngân vốn đầu tư trên 43,359 tỷ đồng, đạt 90,26%; vốn sự nghiệp trên 3 tỷ đồng, đạt 11,82%. Năm 2023, huyện được giao vốn đầu tư 58,181 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 75,032 tỷ đồng, đối ứng ngân sách địa phương trên 1,1 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn được giao, huyện đã đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN. Củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện.
Bên cạnh đó, khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch; nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho nhân dân. Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; hỗ trợ đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ, quảng bá các sản phẩm của địa phương.
Triển khai nhiều biện pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN. Tạo điều kiện để đồng bào DTTS nâng cao nhận thức về pháp luật, từng bước vận dụng pháp luật có hiệu quả vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình...
Từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS
Ông Đinh Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Thụy Hùng, huyện Thạch An cho biết: Xóm Ka Liệng, xã Thụy Hùng có 64 hộ dân tộc Mông đen sinh sống. Bà con chủ yếu làm nương rẫy do thiếu đất canh tác, 100% là hộ nghèo. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước từ chương trình, dự án đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, đến nay, cuộc sống người dân đổi thay đáng kể. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và có hệ thống nước sạch đến tận nhà.
Điểm trường mầm non, tiểu học và trạm y tế ở ngay trung tâm xóm, được đầu tư khang trang, Bà con được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, hỗ trợ cây giống, vật nuôi, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, tìm hướng đi trong giảm nghèo. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm còn 76%, xóm không có người sinh con thứ ba, không có nạn tảo hôn, tệ nạn xã hội, an ninh trật tự đảm bảo.
Còn tại trường PTDTNT huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 về Giảm thiểu trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và MN thuộc dự án 9 trong chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, nhà trường đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho học sinh trong nhà trường, với nhiều nội dung thiết thực, ý nghĩa.
Qua hội thi nhằm tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về Công tác gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời từ đó nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm của các em học sinh trong việc chấp hành luật, góp phần đẩy lùi và giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Tỉnh. Thu hút đông đảo cán bộ giáo viên và học sinh tham gia.
Như vậy, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương về hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn, góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.