Từng bước nâng cấp các tuyến đê phục vụ sản xuất

Nhiều tuyến đê sông, đầm phá trên địa bàn tỉnh xuống cấp, cao trình đỉnh đê thấp, không đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt khi có triều cường và lũ tiểu mãn. Ngoài trồng rừng ngập mặn 'hộ đê', từng bước nâng cấp các tuyến đê phục vụ sản xuất là yêu cầu cần thiết hiện nay.

Trồng rừng bảo vệ đê, tạo sinh kế nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang

Trồng rừng bảo vệ đê, tạo sinh kế nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang

Cao trình đê thấp

Toàn tỉnh có gần 181km đê biển, đê cửa sông đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT&PTNT) phân cấp là đê cấp IV, cấp V đang bảo vệ cho khoảng trên 50 nghìn ha lúa.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi, hầu hết các tuyến đê ven cửa sông, đầm phá đều có cao trình thấp, một số nơi được đầu tư đã lâu, xuống cấp nhiều điểm khiến sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn.

Tại tuyến đê Tây Phá Đông trên chiều dài 33km đoạn qua các xã thuộc huyện Phú Vang cao trình đỉnh đê thấp không đảm bảo cho việc ngăn mặn, giữ ngọt khi có triều cường và lũ tiểu mãn xảy ra. Mái đê bị sạt lở, cao trình đỉnh đê bị lún, không đảm bảo ngăn mặn giữ ngọt cho 5.400ha lúa của các xã, thị trấn Phú An, Phú Mỹ, Phú Xuân, Vinh Hà, Phú Đa.

Tương tự, tại tuyến đê Tây phá Tam Giang với chiều dài gần 30km đi qua các địa phương, do đầu tư qua các giai đoạn khác nhau, ảnh hưởng bởi thiên tai, nhiều đoạn đã xuống cấp, cao trình thấp.

Cụ thể, đối với các đoạn đã được đầu tư nâng cấp dài hơn 20km, đê được gia cố 3 mặt, mặt đê rộng 5m, mái đê gia cố lát đá khan trong khung bê tông cốt thép. Cao trình mặt đê ở khu vực này +1,2m, đảm bảo chống lũ tiểu mãn, lũ sớm và bảo vệ nhiều diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, các đoạn còn lại chưa nâng cấp không đảm bảo cao trình thiết kế.

Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi (Quảng Điền) cho biết, tuyến đê Tây phá Tam Giang qua địa bàn xã dài khoảng 8km, chủ yếu được xây dựng từ những năm 1990-1991, hiện nay có nhiều điểm xuống cấp không đảm bảo nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp.

Hàng năm Hợp tác xã Nông nghiệp Tín Lợi phải bỏ nguồn vốn duy tu, đắp lại đê. Ngoài duy tu hàng năm, xã khuyến khích trồng thêm diện tích rừng ngập mặn vừa tạo môi trường cho các loài thủy sản phát triển vừa giữ đất, bảo vệ đê rất hiệu quả.

Mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án Nâng cấp đê kết hợp giao thông Tây phá Tam Giang, quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái xã Quảng Lợi thuộc dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh. Theo đó, sẽ nâng cấp tuyến đê Tây phá Tam Giang đoạn qua xã Quảng Lợi với chiều dài gần 1,4km.

Dự án có mục tiêu bảo vệ cho vùng trồng lúa khoảng 100ha và vùng trồng rau màu khoảng 30ha tại địa phương; phục vụ đi lại, sản xuất và thu hoạch nông, thủy sản cho hơn 300 hộ trong khu vực. Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, gắn với bảo tồn các loài chim trời của 46,58ha rừng tập trung, 15ha rừng trồng phân tán và khoảng 100ha rừng trồng tập trung trong thời gian tới và làm nền tảng cho việc phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái xã Quảng Lợi.

 Nhiều đoạn thuộc tuyến Tây phá Tam Giang qua địa bàn huyện Quảng Điền đã xuống cấp, gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp

Nhiều đoạn thuộc tuyến Tây phá Tam Giang qua địa bàn huyện Quảng Điền đã xuống cấp, gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp

Nâng cấp, đảm bảo an toàn cho đê

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, mùa mưa bão hàng năm, các địa phương có đê đi qua đã chủ động xây dựng phương án hộ đê trong phạm vi địa phương mình quản lý, trong đó phương châm “4 tại chỗ” được đặt lên hàng đầu, chủ động huy động mọi nguồn lực đối phó với diễn biến bất lợi của thời tiết, đảm bảo an toàn cho đê.

Các công trình đê biển, đầm phá đang được triển khai thi công nâng cấp gần đây có thể kể đến như các dự án tu bổ đê điều thường xuyên giai đoạn 2021-2025, hạng mục nâng cấp, sửa chữa đê Đông Tây Ô Lâu, đoạn qua huyện Phong Điền và Quảng Điền; đê Tây phá Cầu Hai đoạn qua huyện Phú Lộc.

Ngoài ra, tuyến đê sông có dự án nâng cấp hệ thống đê sông Thiệu Hóa, huyện Phú Vang, tuyến đê bờ tả, hữu sông Thiệu Hóa có chiều dài khoảng 12,5km đã thi công hoàn thiện phần thân đê bằng đất cấp phối đầm chặt và lát mái đê bằng tấm lát bê tông cốt thép, bê tông mặt đê, đang triển khai thi công các hạng mục còn lại.

Ông Đặng Văn Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh thông tin, với phương châm “4 tại chỗ”, tất cả các vị trí đã xác định trọng điểm xung yếu, ban phòng, chống thiên tai tại các địa phương có tuyến đê đi qua sẽ chủ động các phương án bảo vệ nhằm chủ động ứng phó khi có mưa bão. Đối với các tuyến đê đang triển khai thi công yêu cầu nhà thầu có tiến độ thi công chi tiết và có phương án hộ đê trong mùa mưa bão năm 2024.

Tại các điểm xung yếu, các địa phương chuẩn bị tập kết vật tư, thiết bị và lực lượng tuần tra canh gác 24/24 giờ, chủ động lập phương án di dời dân khi các tuyến đê có khả năng mất an toàn. Đối với các tuyến dân cư dọc theo dải cồn cát ven biển sẽ có phương án sơ tán, di dời sâu vào phía trong đề phòng tác động của sóng do ảnh hưởng siêu bão có thể xảy ra..

Trồng rừng ngập mặn “hộ đê”

Trên địa bàn tỉnh đến nay đã trồng được 240ha (103ha thuộc dự án FMCR) rừng cây chắn sóng, bảo vệ đê. Trong đó, trồng gần 43ha trên tuyến đê Đông Tây Ô Lâu và đoạn qua xã Quảng Thái, Quảng Điền; 20ha trên tuyến đê Đông phá Tam Giang; 80ha qua tuyến đê Tây phá Tam Giang… Ngoài ra, tại khu vực sạt lở bờ biển xã Hải Dương, bãi bồi phường Thuận An (TP. Huế) đã trồng 8,5ha rừng cây phi lao, cây mắm phát triển rất tốt góp phần bảo vệ đê và công trình hạ tầng.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/tung-buoc-nang-cap-cac-tuyen-de-phuc-vu-san-xuat-145913.html