Từng bước phát triển du lịch nông thôn

Dựa vào cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, nhiều địa phương vùng nông thôn tỉnh Hòa Bình đã xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn (DLNT).

Dựa vào cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, nhiều địa phương vùng nông thôn tỉnh Hòa Bình đã xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn (DLNT).

Hoạt động của nhóm nghề dược liệu ở bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) là một trong những sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng hấp dẫn du khách tham quan, trải nghiệm.

Hoạt động của nhóm nghề dược liệu ở bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) là một trong những sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng hấp dẫn du khách tham quan, trải nghiệm.

Khi mới hình thành loại hình du lịch cộng đồng (DLCĐ), bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) được du khách biết đến chủ yếu nhờ cảnh vật hoang sơ, phong tục, tập quán của người dân tộc Dao còn giữ được khá nguyên vẹn. Thông qua mô hình nâng cao năng lực tự vững cho đồng bào dân tộc thiểu số do một tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ, bản Sưng xây dựng được các sản phẩm DLNT mới, đa dạng. Cùng với đó, thành lập các tổ, nhóm sản xuất thổ cẩm, dược liệu, giấy dó đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa, truyền thống bản địa của du khách. Chị Lý Thị Nhất, trưởng nhóm thổ cẩm chia sẻ: Việc thành lập nhóm, tổ nghề làm ra sản phẩm hàng hóa đặc trưng của đồng bào Dao vừa giúp chúng tôi giới thiệu, quảng bá tài nguyên, tạo sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, vừa giúp bà con có thu nhập, cải thiện sinh kế bền vững. Hiện nay, các sản phẩm cao xoa bóp, thuốc xịt muỗi dược liệu, khăn, túi thổ cẩm… đã trở thành hàng hóa tiêu dùng, quà tặng được nhiều du khách quan tâm, yêu thích.

Nằm ở vùng lõi khu du lịch hồ Hòa Bình, bản Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc) có cảnh quan "sơn thủy hữu tình”, nơi có 100% hộ dân tộc Mường sinh sống. Nếu như trước đây, thu nhập của bà con trông vào nghề đánh bắt thủy sản trên hồ thì hiện nay, kinh tế du lịch từng bước phát triển, gắn với nghề nuôi cá lồng. Hoạt động DLCĐ của bản nhận được sự giúp đỡ của Công ty CP du lịch Hòa Bình. Qua nhiều kênh thông tin, quảng bá, du khách từ khắp nơi đến trải nghiệm và khám phá văn hóa bản Mường. Du khách còn đặc biệt yêu thích được khám phá ẩm thực cá, tôm do hộ dân tự nuôi trồng, cung cấp, tham quan những lồng bè cá lăng, cá trắm đặc sản hay trải nghiệm nghề cất chài lưới.

Qua thống kê, toàn tỉnh có trên 20 xóm, bản DLCĐ các dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông với gần 200 homestay tham gia hoạt động kinh doanh lưu trú và các dịch vụ phục vụ du lịch khác, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Trong các loại hình DLNT tập trung phát triển tại tỉnh, DLCĐ được quan tâm đầu tư, hoạt động hiệu quả hơn cả. Tiểu biểu là mô hình DLCĐ hoạt động theo hợp tác xã tại bản Lác, bản Hang Kia (Mai Châu); mô hình hoạt động DLCĐ theo chi hội tại các xóm Mu, Khướng, Mòn, Sát Thượng (Lạc Sơn); mô hình hoạt động DLCĐ theo công ty cổ phần tại các xóm Ké, Đá Bia, Sưng (Đà Bắc); mô hình doanh nghiệp du lịch liên kết hợp đồng thống nhất phân chia lợi nhuận với các hộ khai thác kinh doanh DLCĐ tại xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc).

Toàn tỉnh có 5 xóm, bản DLCĐ được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 - 4 sao, có điểm cộng đồng được công nhận danh hiệu DLCĐ ASEAN. Bên cạnh đó, có các trang trại, khu sản xuất nông nghiệp cung cấp sản phẩm phục vụ du khách như: rau hữu cơ ở Tân Lạc, cam Cao Phong, gà Lạc Thủy, khu nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình… Một số mô hình trang trại phục vụ nghỉ dưỡng và trải nghiệm cho du khách hình thành, như: Trang viên đồng gội, Nông trại vui vẻ (Lương Sơn); trang trại nuôi bò kết hợp trải nghiệm giáo dục, sinh thái (TP Hòa Bình), An Lạc Eco farm Hot and Springs (Kim Bôi)... Một số huyện xây dựng các tour du lịch văn hóa gắn với trải nghiệm nông nghiệp, làng nghề tại các điểm DLCĐ.

Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Những năm gần đây, chương trình phát triển DLNT được tỉnh đẩy mạnh. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, chất lượng được khai thác một cách bài bản, có định hướng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Bên cạnh kết quả tích cực đóng góp vào doanh thu du lịch và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển DLNT còn một số khó khăn, vướng mắc như: hệ thống cơ sở hạ tầng DLNT chưa đồng bộ. Trên địa bàn chưa có nhiều điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống… đạt chất lượng phục vụ khách du lịch. Sản phẩm OCOP và sản phẩm du lịch chưa có tính cạnh tranh cao. Hoạt động du lịch nhiều nơi còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch kết nối.

Gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh tăng cường hỗ trợ nguồn lực phát triển DLNT. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế về phát triển DLNT; phát triển nông nghiệp hàng hóa, các sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền, tạo chuỗi giá trị kết hợp với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái…

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/276/193089/tung-buoc-phat-trien-du-lich-nong-thon.htm