Từng bước tháo gỡ rào cản để phát triển tín dụng xanh

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, tín dụng xanh (TDX) đang được áp dụng như một công cụ tài chính hữu hiệu nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình TDX trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Lâm sản Nam Định (Khu công nghiệp Hòa Xá).

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Lâm sản Nam Định (Khu công nghiệp Hòa Xá).

Đã có nhiều văn bản pháp luật quan trọng được ban hành nhằm hỗ trợ các cơ quan, bộ, ngành và địa phương trong thực hiện Chiến lược giảm thiểu phát thải khí nhà kính, điển hình là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết về TDX và trái phiếu xanh; Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phê duyệt Đề án Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng… Mặc dù, phát triển TDX cũng đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc. Hiện nay, khung pháp lý trong việc quy định các tiêu chuẩn xác định dự án phát triển bền vững và bảo vệ môi trường còn thiếu tính đầy đủ và nhất quán. Điều này làm cho quá trình đánh giá dự án trở nên phức tạp, gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc cung cấp TDX. Các chính sách hỗ trợ về thuế, bảo lãnh từ Chính phủ cho các ngân hàng trong việc cung cấp TDX cũng còn hạn chế.

Bên cạnh đó việc thiếu nguồn lực chuyên môn cần thiết để đánh giá các dự án xanh cũng gây khó khăn trong việc đưa ra quyết định giải ngân chính xác. Việc đánh giá các dự án xanh đòi hỏi phải có hành lang pháp lý đầy đủ với các tiêu chí rõ ràng để xác định như thế nào là “xanh”. Định nghĩa và tiêu chí để xác định một dự án "xanh" hiện được các tổ chức tín dụng áp dụng chưa rõ ràng và đồng nhất, dẫn đến khó khăn trong quá trình xét duyệt. Ngoài ra, các quy định và chính sách về môi trường và tài chính xanh có thể thay đổi, tạo ra rủi ro pháp lý cho các dự án đã được cấp tín dụng. Và việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về tài chính xanh tương đối phức tạp và đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng. Các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (từ 5 năm có thể lên đến 20 năm), chi phí đầu tư lớn…, trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn. Nhận thức của thị trường đối với tài chính xanh và bền vững chưa cao, chưa đồng đều. Từ phía các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận tài chính xanh như: Thiếu thông tin về các đơn vị cấp TDX; các quỹ TDX thường không chấp nhận tài sản bảo đảm, doanh nghiệp cần có bảo lãnh ngân hàng; các dự án quy mô nhỏ khó tiếp cận vốn vay nước ngoài…

Tại Nam Định, theo thống kê của ngành Ngân hàng đến hết tháng 11/2024, dư nợ của TDX theo Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ còn 12,3 tỷ đồng và chưa có dư nợ phát sinh mới. Nhằm hỗ trợ khách hàng vay vốn ưu đãi sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xanh, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch, đem lại những lợi ích về phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh tỉnh đã triển khai chương trình cho vay TDX với quy mô 10 nghìn tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân với sàn lãi suất cho vay chỉ từ 3,5%/năm, từ đầu năm đến hết ngày 30/6/2025. Khách hàng cá nhân vay vốn để thực hiện phương án, dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực xanh: Sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; Sản xuất, kinh doanh sản phẩm có nhãn sinh thái; Sản xuất, kinh doanh sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; Cơ sở sản xuất, kinh doanh đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống quản lý môi trường ISO 14001; Sản xuất, kinh doanh sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; Phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ (bao gồm cả kinh doanh sản phẩm phục vụ việc lắp đặt điện mặt trời áp mái/điện gió hoặc khách hàng lắp đặt để sản xuất kinh doanh kết hợp với sử dụng). Khách hàng có thể vay vốn từng lần; vay vốn theo hạn mức; vay vốn lưu vụ; vay vốn theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán hoặc áp dụng đồng thời các phương thức này. Dẫu vậy, hiện tại cả 68 khách hàng mà Chi nhánh đã tiếp cận đều chưa có nhu cầu hoặc các phương án, dự án sản xuất, kinh doanh dịch vụ thông thường không thuộc lĩnh vực xanh và không đáp ứng được các điều kiện cho vay thuộc lĩnh vực xanh. Bên cạnh đó, việc cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh gắn với chương trình OCOP tại địa bàn gặp khó khăn do các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, nhu cầu vốn không nhiều nên chủ cơ sở chưa có nhu cầu vay vốn hay một số cơ sở đã vay vốn tại Ngân hàng Chính sách; hoặc các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc hợp tác xã cũng đang được thu xếp vốn ngay tại chính hợp tác xã đó, cạnh tranh trực tiếp với Agribank. Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh không có giấy chứng nhận/xác nhận/chứng chỉ/tiêu chuẩn về sản phẩm dịch vụ thuộc lĩnh vực xanh, bao gồm: giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đã hết hạn nhưng chưa được cấp lại, khách hàng gặp khó khăn khi đề nghị cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (VD: việc thu mua sản phẩm từ các tàu đánh bắt cá không cung cấp được nguồn gốc đánh bắt); khách hàng sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Một số ngân hàng thương mại khác cũng gặp nhiều khó khăn trong giải ngân vốn TDX do thiếu các cơ sở pháp lý để đánh giá, thẩm định dự án có thuộc danh mục xanh hay không.

Với mục tiêu cuối năm 2025 tăng trưởng dư nợ TDX đạt 25%; đạt 30-35%/năm cho giai đoạn năm 2025-2030; tương ứng tỷ lệ trên là mục tiêu tỷ trọng TDX trong nền kinh tế từ 4,6% tăng lên 10% vào cuối năm 2025 và 20% vào cuối năm 2030... Đây là những thách thức rất lớn, mục tiêu khó khăn đối với ngành Ngân hàng. Bởi vậy, để thúc đẩy tăng trưởng TDX thời gian tới, ngành Ngân hàng tỉnh vẫn đang tiếp tục đóng góp ý kiến, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện ngân hàng xanh, TDX cho các ngân hàng; phối hợp với các tổ chức, ban, ngành để xác định được các tiêu chí, định mức cho các dự án xanh nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng; bổ sung các chính sách hỗ trợ như giảm thuế hoặc trợ cấp cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào các dự án xanh. Mở rộng các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất hấp dẫn từ các ngân hàng thương mại nhằm thu hút sự tham gia vào các dự án bảo vệ môi trường. Các tổ chức tín dụng cần tập trung nâng cao kỹ năng chuyên môn cho cán bộ phụ trách về quản lý rủi ro và đánh giá tác động môi trường, nhằm đảm bảo việc thẩm định các dự án xanh diễn ra chặt chẽ và hiệu quả. Đồng thời, các ngân hàng thương mại cần thành lập cơ quan chuyên trách giúp theo dõi quá trình triển khai TDX, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về môi trường.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202504/tung-buoc-thao-go-rao-can-de-phat-trien-tin-dung-xanh-ccc0064/