Từng bước thu hẹp 'khoảng cách số' giữa nông thôn và thành thị
Triển khai Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ninh Bình đã tích cực triển khai thí điểm mô hình CĐS cấp xã tại xã Yên Hòa (Yên Mô). Đến nay, sau một năm triển khai thực hiện thí điểm bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, nhiều bài học kinh nghiệm quý được rút ra để các địa phương khác trong tỉnh học tập, góp phần đẩy nhanh tiến trình CĐS cấp xã, thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị.
Từ mô hình làm điểm
Tháng 9/2020, xã Yên Hòa (Yên Mô) được chọn là một trong 12 địa phương trên toàn quốc triển khai thí điểm CĐS cấp xã nhằm hướng tới xây dựng mô hình "xã thông minh". Ngay sau khi được lựa chọn triển khai thí điểm, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan, các doanh nghiệp công nghệ số, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện thí điểm CĐS cấp xã.
Đồng chí Đoàn Thanh Hải, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Điều đáng mừng, khi làm việc, chúng tôi nhận thấy đội ngũ cán bộ lãnh đạo và công chức của xã rất quyết tâm, đặc biệt, có những đồng chí có năng lực và rất tâm huyết với công tác ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử; tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh của xã chiếm khoảng 70%. Đây là những thuận lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu cho việc triển khai thí điểm CĐS cấp xã.
Tuy nhiên, "chuyển đổi số cấp xã" là câu chuyện chưa có tiền lệ. Vậy bắt đầu từ đâu? Làm gì để chuyển đổi? là những câu hỏi mà chúng tôi trăn trở khi bắt tay vào triển khai. Với phương châm "vừa hành quân, vừa lên kế hoạch" và "vừa làm vừa điều chỉnh", cùng với sự phối hợp chặt chẽ, chủ động của hệ thống chính trị huyện Yên Mô, xã Yên Hòa và đặc biệt là sự trợ giúp từ Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã từng bước đặt những viên gạch đầu tiên cho cuộc cách mạng CĐS tại Yên Hòa. Trong đó, mục tiêu hành động xuyên suốt đó là phải lấy người dân làm trung tâm, hiệu quả cuối cùng là đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân.
Đến nay, sau một năm triển khai chương trình, xã Yên Hòa đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, kết quả nổi bật là tạo ra sự thay đổi rõ nét về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã về CĐS. Hiện 100% cán bộ, công chức của xã triển khai ứng dụng chữ ký số và được cấp tài khoản cá nhân để sử dụng trên hệ thống phần mềm quản lý. Việc sử dụng có hiệu quả hệ thống đã giúp cho hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành được nhanh chóng, kịp thời, nâng cao hiệu lực hiệu quả; tiết kiệm được kinh phí và thời gian xử lý công việc.
Hạ tầng mạng, thiết bị CNTT đã được tối ưu, tái cấu trúc đảm bảo chất lượng, đã triển khai đường truyền số liệu chuyên dùng, thiết bị đảm bảo an toàn thông tin. Đài truyền thanh đã áp dụng công nghệ chuyển văn bản giấy thành giọng nói thông qua nền tảng trí tuệ nhân tạo AI. Hệ thống camera được tăng cường, tình trạng trộm cắp tài sản, mất an ninh chính trị được hạn chế nhiều. Thông qua ứng dụng "Công dân số", người dân trong xã được phổ biến giáo dục pháp luật, tiếp cận với các dịch vụ hành chính công. Cùng với đó, hiện nay xã Yên Hòa đã bắt đầu số hóa trong lĩnh vực giáo dục và y tế, tạo thuận lợi cho người dân.
Toàn xã hiện đã cài đặt trên 1.300 ứng dụng PC-Covid trên điện thoại để nhân dân chung tay phòng chống dịch COVID-19; 1.582 ứng dụng Medicin với 1.559 thành viên tham gia nhóm "Yên Hòa hỏi - Bác sĩ trả lời", đến nay có 2.879 lượt người được tư vấn khám, chữa bệnh...
Đặc biệt, Yên Hòa đã tạo bước chuyển rõ nét trong kinh tế số. Xã đã thực hiện đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương (cá chạch sụn kho niêu, đông lạnh, sấy khô; chuối tây sấy dẻo) lên sàn thương mại điện tử; triển khai hệ thống thanh toán điện tử thông qua chuyển khoản tài khoản ngân hàng; xây dựng mã địa chỉ bưu chính cho 100% cơ quan, hộ gia đình trên địa bàn xã qua nền tảng bản đồ số gắn liền với phát triển thương mại điện tử, góp phần tích cực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Đồng chí Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định: Thành công bước đầu trong thực hiện thí điểm CĐS ở Yên Hòa đã được nhiều địa phương như Lai Châu, Bắc Giang, Hòa Bình... đến tham quan học tập. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cũng đã có đánh giá độc lập về mô hình CĐS của xã Yên Hòa, cho đây là mô hình tốt về triển khai "Làng số - Digital village" để các nước trên thế giới tham khảo.
Đến việc nhân rộng mô hình chuyển đổi số cấp xã
Trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm CĐS cấp xã tại Yên Hòa, tháng 7/2021, UBND tỉnh đã quyết định lựa chọn 13 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tham gia triển khai thực hiện mô hình thí điểm CĐS cấp xã năm 2021, đó là: thị trấn Yên Thịnh, xã Khánh Thịnh, Yên Từ, Yên Mạc, Yên Thành, Yên Đồng (Yên Mô); xã Khánh Nhạc, Khánh Cư (Yên Khánh); thị trấn Nho Quan, xã Đồng Phong, Xích Thổ (Nho Quan); phường Bắc Sơn (thành phố Tam Điệp) và xã Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình).
Việc triển khai thực hiện mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp xã được kỳ vọng là sẽ tạo điều kiện giúp các địa phương phát triển kinh tế- xã hội. Là một trong 13 xã được UBND tỉnh chọn triển khai thực hiện mô hình thí điểm CĐS cấp xã năm 2021, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) đã và đang có nhiều nỗ lực xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm khả thi, sát tình hình thực tiễn.
Đồng chí Mai Trọng Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc cho biết: Đảng ủy, UBND xã Khánh Nhạc xác định đây là cơ hội để thay đổi tổng thể về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất nhằm mang lại những tiện ích cho người dân nhờ công nghệ. Nhiệm vụ trọng tâm được đề ra, đó là: Tập trung phát triển và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin; tăng cường khả năng tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền; nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền; ứng dụng các nền tảng số để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển kinh tế, giải quyết những vấn đề bức thiết trên địa bàn.
Đến nay, sau gần một năm triển khai thí điểm, CĐS đã mang lại những bước chuyển tích cực, rõ nét: 100% cán bộ, công chức đã được cấp chứng thư số; 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy trình; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 21%; 100% văn bản đi, đến được xử lý luân chuyển theo đúng quy định, tránh tình trạng tồn văn bản chưa được xử lý; 100% các trường trên địa bàn xã đã tiếp cận với các nền tảng, ứng dụng hỗ trợ công tác dạy và học như: dịch vụ sổ liên lạc điện tử; hệ thống dạy, học và thi trực tuyến; học bạ điện tử...
Thực hiện CĐS đã giúp người dân vùng nông thôn tiếp cận với những ứng dụng công nghệ hữu ích, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và đặc biệt những người dân yếu thế cũng được quan tâm và sử dụng dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết thêm: Bài học, kinh nghiệm trong triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã thời gian qua, đó là công nghệ, kinh phí là điều quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định, mà điều quan trọng là phải có quyết tâm chính trị cao, đặc biệt là người đứng đầu phải vào cuộc cùng đồng hành.
Đồng thời, phải liên tục đào tạo đội ngũ cán bộ đủ năng lực thực hiện, thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen hàng ngày, hàng giờ. CĐS chỉ có thể thành công khi trở thành chiến lược cốt lõi, bao trùm và có kế hoạch thực hiện cụ thể. Các cấp ủy, chính quyền cấp xã cần nâng cao nhận thức về CĐS và xác định đây là xu hướng tất yếu, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và cần được triển khai đồng bộ, hiệu quả. "Chuyển đổi số không phải là cuộc cách mạng của công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Cái mới cần được thử nghiệm trong quy mô nhỏ trước, cần thử nghiệm những mô hình mới trong phạm vi nhỏ, đối tượng ít, sau đó mới tiến hành nhân rộng. Và cách mà Ninh Bình lựa chọn làm điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã là hướng đi đúng, trúng.
Trong một thế giới đang thay đổi nhanh, phức tạp và khó đoán định thì sẽ không ai dám nhận mình là người giỏi nhất. Nhưng người biết ai giỏi nhất cái gì lại sẽ là người giỏi nhất. Đó là người học hỏi. Tôi tin rằng từ những thành công nhỏ ở Yên Hòa sẽ góp phần vào thành công chung của CĐS huyện Yên Mô cùng 13 xã khác của tỉnh Ninh Bình, góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị"- Đồng chí Đỗ Công Anh nhấn mạnh.