Từng bước xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt

Rất nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra, mà một trong những nguyên nhân là do người dân tự mở các lối băng ngang, tạo giao cắt bất hợp pháp giữa đường bộ với đường sắt.

Chỉ cách lối đi có rào chắn khoảng 15-20m, thế nhưng từ lâu các hộ dân xung quanh số nhà 54 tự phá rào để đi lại, kinh doanh. Trên toàn tuyến đường sắt Thống Nhất đoạn đi thành phố Hà Nội tồn tại hàng trăm điểm mở.

Với người dân sống lâu năm quanh đường sắt, họ đã quen và chủ quan có thể tự bảo vệ nên phá rào mở lối đi. Nhưng trên nhiều lối mở tự phát đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm cho cả người dân địa phương lẫn người ở nơi khác tới.

Anh Nguyễn Hữu Huân (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) nói: “Những lối mở tự phát như thế này thì đem đến nhiều hiểm họa tai nạn. Những lối như thế người ta đi qua không chú ý quan sát, gây tai nạn rất thương tâm”.

Rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do người dân tự tạo lối đi qua đường tàu.

Rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do người dân tự tạo lối đi qua đường tàu.

Trước thực trạng mất an toàn giao thông đường sắt tồn tại trong thời gian dài, đơn vị quản lý đã nhiều lần tuyên truyền vận động, phá bỏ các lối đi này, nhưng vấp phải sự phản ứng của người dân với đủ các lý do.

Ông Đoàn Hùng Cường, Phó Trường phòng kĩ thuật – An toàn, Công ty CP Đường sắt Hải Hà, cho biết: “Có rất nhiều trường hợp người dân phản ứng quyết liệt vì cuộc sống mưu sinh, họ muốn có đường đi để họ kinh doanh. Có những trường hợp chống đối, họ còn ra đe dọa, rồi họ đánh, hoặc sau khi chúng tôi đã thực hiện xong thì họ lại phá hàng rào. Có những lối mà chúng tôi làm đến 2,3 lần, nên có những lần chúng tôi phải phối hợp với công an và có trường hợp đã bị khởi tố”.

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên toàn tuyến Thống nhất Hà Nội - TP. HCM đoạn qua địa bàn TP. Hà Nội xảy ra 08 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm chết 03 người, bị thương 05 người, hư hỏng 06 xe mô tô, chậm tàu 205 phút.

Riêng trên địa bàn huyện Thanh Trì đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường sắt, trong đó 2 vụ xảy ra trên tuyến đi qua thị trấn Văn Điển. Do đó, từ tháng 8 đến nay, chính quyền thị trấn Văn Điển đã tiến hành tuyên truyền, xử phạt những người lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt.

Trong ngày hôm nay, 26/8, các cơ quan chức năng thị trấn Văn Điển phối hợp với các đơn vị liên quan đã xóa bỏ 9 lối đi tự mở, từng bước rào chắn hoàn toàn sau khi có đường gom.

Việc xóa bỏ các lối đi tự mở được Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện trên cả nước theo đề án 358 được Chính phủ phê duyệt.

Việc xóa bỏ các lối đi tự mở được Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện trên cả nước theo đề án 358 được Chính phủ phê duyệt.

Ông Trần Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, cho biết: “Để đảm bảo sự an toàn của người dân cũng như thực hiện các chỉ đạo của Ủy ban An toàn Giao thông thành phố cũng như kế hoạch của UBND huyện Thanh Trì, chúng tôi đã ra soát, đặt biển cảnh báo và tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, chưa được cải thiện nhiều, chính vì vậy hôm nay chúng tôi đóng một số lối đi tự mở qua đường sắt”.

Việc xóa bỏ các lối đi tự mở được Cục đường sắt Việt Nam thực hiện trên cả nước theo đề án 358 được Chính phủ phê duyệt. Từ năm 2020 đến nay, Cục đường sắt Việt Nam phối hợp cùng các địa phương từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng xây dựng đường gom dân sinh.

Những đường ngang dày đặc dân mở qua đường sắt.

Những đường ngang dày đặc dân mở qua đường sắt.

Theo ông Trần Thiện Cảnh, Cục trường Cục Đường sắt Việt Nam: “Gần đây, Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt cũng như dự án đô thị, cải tạo an toàn giao thông. Trước mắt đã đạt được những điểm tích cực là không phát sinh lối đi tự mở, số lượng thì càng ngày càng giảm. Từ khi Đề án 358 được phê duyệt đến giờ thì có hơn 800 lối đi tự mở đã được rào đóng, đạt được 27% so với kế hoạch”.

Mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ các lối đi tự mở sẽ được xóa bỏ theo Đề án 358.

Duy Anh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tung-buoc-xoa-bo-loi-di-tu-mo-qua-duong-sat-261377.htm