Từng là công ty lớn nhất thế giới, US Steel bị hãng thép Nhật thâu tóm với giá 14 tỷ USD
Trước khi bị thâu tóm, US Steel từng là công ty lớn nhất thế giới, một trong những công ty lớn đầu tiên của Mỹ và một biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Mỹ...
Hãng thép Mỹ US Steel đã nhất trí “bán mình” cho nhà sản xuất thép lớn nhất Nhật Bản Nippon Steel với giá 14,1 tỷ USD.
Theo hãng tin CNN, thương vụ này đánh dấu bước lùi mới nhất trong hành trình đi xuống đã kéo dài nhiều năm của công ty 122 năm tuổi. Trước khi bị thâu tóm, US Steel từng là công ty lớn nhất thế giới, một trong những công ty lớn đầu tiên của Mỹ và một biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Mỹ.
Với thỏa thuận nói trên, hoạt động của US Steel vẫn diễn ra với tên gọi này của công ty, và hãng tiếp tục có trụ sở ở Pittsburgh, Mỹ. Tuy nhiên, thương vụ có thể vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nghiệp đoàn công nhân ngành thép Mỹ United Steelworkers.
Mùa hè năm nay, tổ chức nghiệp đoàn hùng mạnh này tuyên bố chỉ ủng hộ nếu US Steel sáp nhập vào Cleveland Cliffs, một công ty thép Mỹ khác có đông đảo công nhân tham gia nghiệp đoàn. Khi đó, Cleveland Cliffs chào mua US Steel với giá 32,53 USD/cổ phiếu, rẻ hơn 40% so với mức giá thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt mà Nippon đưa ra. Tuy nhiên, hội đồng quản trị US Steel đã từ chối đề xuất đó và bắt đầu xem xét các đối tác mua tiềm năng khác.
United Steelworkers, tổ chức có 11.000 thành viên tại US Steel, ngày 18/12 đã chỉ trích mạnh thỏa thuận giữa hãng này với Nippon Steel, gọi đây là một thỏa thuận “tham lam, thiển cận”, đồng thời tuyên bố sẽ tìm cách để ngăn chặn việc thực thi thỏa thuận.
“Chúng tôi kêu gọi mạnh mẽ các cơ quan chức năng của Chính phủ giám sát chặt chẽ vụ mua lại này và xác định liệu thỏa thuận đó có phục vụ cho lợi ích an ninh quốc gia Mỹ và mang lại lợi ích cho người lao động hay không”, tuyên bố có đoạn.
Một số nghị sỹ đến từ các bang sản xuất thép cũng lên tiếng chỉ trích việc một hãng thép Mỹ được bán cho một đối thủ nước ngoài. “Ngày hôm nay, một phần quan trọng của nền móng công nghiệp của phòng Mỹ đã bị bán cho nước ngoài để lấy tiền. Tôi đã cảnh báo về kết cục này từ mấy tháng trước và sẽ phải đối vụ việc này trong những tháng sắp tới”, thượng nghị sỹ Cộng hòa JD Vance của bang Ohio tuyên bố.
US Steel được thành lập vào năm 1901 thông qua một vụ sáp nhập và ngay lập tức trở thành công ty đầu tiên trên thế giới được định giá hơn 1 tỷ USD, gấp đôi ngân sách Chính phủ Mỹ năm đó. Trong nửa đầu thế kỷ 20, thép do US Steel sản xuất góp phần quan trọng đưa Mỹ trở thành một siêu cường kinh tế toàn cầu. Gần như toàn bộ thép mà nước này dùng để xây dựng các tòa nhà chọc trời, những cây cầu và con đập, để sản xuất ô tô, thiết bị gia dụng và các sản phẩm khác trong khoảng thời gian đó đều đến từ US Steel.
Số lượng công nhân của US Steel đạt đỉnh vào năm 1943, với 340.000 người, khi công ty giữ một vai trò quan trọng trong nỗ lực của quân Đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Sản lượng thép của US Steel đạt đỉnh vào năm 1953, khi công ty sản xuất 35,8 triệu tấn thép, giữa lúc các hãng thép của châu Âu và Nhật Bản còn đang trong quá trình hồi phục sau chiến tranh.
Nhưng từ đỉnh cao đó, US Steel bắt đầu tụt hậu so với các đối thủ cả trong và ngoài nước. Ban đầu, hãng bị các hãng thép Nhật Bản và Đức vượt lên về công nghệ, do các đối thủ này liên tục sáng tạo ra những công nghệ mới sử dụng ít lao động và năng lượng hơn.
Những năm gần đây, US Steel tụt lại mạnh mẽ sau các hãng thép Mỹ khác cả về sản lượng và giá trị vốn hóa thị trường. Chưa kể, ngành công nghiệp thép Mỹ cũng chỉ còn là cái bóng của chính mình trong quá khứ, không còn một công ty thép Mỹ nào nằm trong top 10 hãng thép lớn nhất thế giới.
Năm ngoái, US Steel chỉ xuất xưởng 11,2 triệu tấn thép từ các nhà máy của hãng ở Mỹ và có chưa đầy 15.000 công nhân ở Mỹ. Vốn hóa thị trường của US Steel hiện chỉ còn hơn 14 tỷ USD, so với mức 42,5 tỷ USD của hãng thép lớn nhất Mỹ hiện nay là Nucor.
Với sản lượng 20,6 triệu tấn thép mỗi năm, Nucor là hãng thép lớn thứ 16 trên thế giới. Nếu tính cả sản lượng ở châu Âu, US Steel sản xuất 14,5 triệu tấn thép mỗi năm, xếp thứ 27 trên thế giới - theo dữ liệu năm 2022 của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA).
Vào năm 1991, sau 90 năm là thành viên của chỉ số Dow Jones, US Steel đã bị loại ra khỏi chỉ số đo giá cổ phiếu của 30 công ty quan trọng nhất nước Mỹ. Trong khi đó, công ty truyền thông-giải trí Walt Disney và ngân hàng JPMorgan Chase đã gia nhập chỉ số này - một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ giờ đây tập trung nhiều hơn vào các ngành thông tin và tài chính thay vì sản xuất.